Trước yêu cầu đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 05/02/2007 của Ban Chấp hành Trung ương khoá X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới, đồng thời để thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 30/03/2009 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động luật sư, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1072/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020” với những chủ trương, chính sách lớn, các giải pháp cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm định hướng và hỗ trợ cho việc phát triển nghề luật sư ở Việt Nam giai đoạn 2011 đến 2020, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển ở giai đoạn tiếp theo, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý của Nhà nước đối với tổ chức và hoạt động luật sư, phục vụ tốt hơn yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp, phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tình hình tổ chức, hoạt động luật sư ở nước ta
Sau 4 năm thi hành Luật Luật sư, đội ngũ luật sư ở nước ta đã và đang phát triển nhanh về số lượng, tính chuyên nghiệp trong hoạt động hành nghề cũng từng bước được nâng cao. Tính đến thời điểm hiện nay, trong cả nước đã thành lập 62 Đoàn luật sư/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với hơn 6.250 luật sư và 3000 người tập sự hành nghề luật sư hoạt động trong hơn 2.750 tổ chức hành nghề luật sư (hiện còn tỉnh Lai Châu chưa thành lập được Đoàn luật sư). Cùng với sự phát triển về số lượng, chất lượng của đội ngũ luật sư ở nước ta đã và đang từng bước được nâng cao, bước đầu đáp ứng yêu cầu chuyên nghiệp hoá.
Hoạt động luật sư trong thời gian qua không những đã đáp ứng kịp thời nhu cầu giúp đỡ pháp lý ngày càng cao của cá nhân, tổ chức, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo và các đương sự khác, phục vụ tích cực cho công cuộc cải cách tư pháp, mà còn góp phần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi và tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại, đồng thời là nhân tố hỗ trợ tích cực trong việc phát triển các quan hệ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Theo số liệu thống kê trong 6 năm (2005-2010), trong hoạt động tham gia tố tụng, đội ngũ luật sư đã tham gia hơn 85.000 vụ án hình sự, 53.000 vụ việc về dân sự, 3.500 vụ việc về kinh tế, 1.500 vụ việc về lao động, 2.800 vụ việc về hành chính. Trong lĩnh vực tư vấn pháp luật, đội ngũ luật sư đã tham gia hơn 145.000 vụ việc tư vấn pháp luật, 50.000 vụ việc về dịch vụ pháp lý khác. Ngoài lĩnh vực truyền thống như hình sự, dân sự, lao động, hôn nhân gia đình các luật sư đã mở rộng và phát triển tư vấn trong các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại quốc tế.
Công tác quản lý nhà nước về hoạt động luật sư cũng đạt được nhiều kết quả, tập trung vào việc xây dựng, ban hành, hoàn thiện thể chế, định hướng, điều tiết và hỗ trợ phát triển đối với tổ chức, hoạt động luật sư. Tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư được xây dựng và củng cố, vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư bước đầu được phát huy, đánh dấu bằng sự ra đời của Liên đoàn luật sư Việt Nam vào tháng 5/2009 hiện đang đi vào hoạt động với những bước đi căn bản và vững chắc.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong tổ chức và hoạt động hành nghề luật sư hiện nay vẫn còn một số hạn chế, yếu kém như số lượng luật sư hiện có so với dân số còn rất thấp, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu về dịch vụ pháp lý ngày càng tăng của cơ quan, tổ chức, cá nhân, ngay cả hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng; số lượng luật sư phát triển chưa cân đối giữa khu vực thành thị và nông thôn, đặc biệt tại các tỉnh miền núi, khó khăn; chất lượng của đội ngũ luật sư còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế; vị trí, vai trò của luật sư trong xã hội và trong tham gia tố tụng còn hạn chế, chưa được nhìn nhận đúng đắn theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị; hoạt động hành nghề của luật sư nước ta chưa mang tính chuyên nghiệp; vai trò tự quản của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư trong việc quản lý luật sư và hành nghề luật sư còn chưa thực sự có hiệu quả; công tác quản lý nhà nước về luật sư còn bất cập, cơ chế quản lý có phần còn lỏng lẻo chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Cơ hội và thách thức
Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phấn đấu sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển và cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, đặc biệt trước công cuộc cải cách tư pháp, mở rộng dân chủ và thực hiện công bằng xã hội, tổ chức và hoạt động luật sư ở nước ta có nhiều thời cơ, vận hội với những triển vọng to lớn.
Trong 10 năm qua, với chỉ số GDP của Việt Nam tăng trung bình khoảng 7,26%/năm, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt ở mức trung bình, đứng thứ 130 trên thế giới, cùng với tỷ lệ gia tăng của các doanh nghiệp dao động khoảng 120-130%/năm thì sự phát triển của đội ngũ luật sư cũng dao động trung bình khoảng 110%/năm.
Cùng với sự tăng trưởng kinh tế của đất nước, trước sự thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng gia tăng mạnh mẽ, những cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO và các văn bản pháp luật về luật sư hiện hành đã tạo ra một khung pháp lý thông thoáng hơn cho các luật sư trong việc cung ứng dịch vụ pháp lý. Với chủ trương và quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong việc đào tạo, bồi dưỡng để hình thành và phát triển được đội ngũ luật sư am hiểu luật pháp quốc tế, giỏi ngoại ngữ, có đủ khả năng tham gia giải quyết các tranh chấp quốc tế theo Đề án phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế là nhân tố quan trọng giúp thị trường dịch vụ pháp lý phát triển mạnh mẽ, góp phần gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư, từng bước đưa đội ngũ luật sư Việt Nam tham gia tích cực vào thị trường dịch vụ pháp lý trong khu vực và trên thế giới.
Trước yêu cầu đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, cùng với việc Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật tố tụng hành chính ngày 24/11/2010 thì vị trí, vai trò của luật sư trong xã hội ngày càng được khẳng định và đề cao, đặc biệt là tầm quan trọng của luật sư trong việc tranh tụng tại phiên toà nhằm bảo đảm tốt hơn nữa quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người dân, góp phần bảo vệ công lý, pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Các văn bản pháp luật về dân sự, thủ tục tố tụng dân sự được hoàn thiện nhằm tăng cường bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khi tham gia giao dịch, tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình là những cơ sở pháp lý quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi tiếp tục thúc đẩy quan hệ dân sự phát triển, góp phần nâng cao nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư. Chủ trương mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa án đối với các khiếu kiện hành chính cũng như việc đổi mới mạnh mẽ thủ tục hành chính trong các cơ quan tư pháp, thủ tục khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại để người dân tăng cường tiếp cận công lý, khuyến khích việc giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia tích cực hơn vào hoạt động của các cơ quan nhà nước, qua đó, làm giảm khoảng cách giữa luật sư với công dân, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, những nỗ lực trong việc hoàn thiện khung pháp lý đầy đủ, thông thoáng đã tạo sự an tâm về môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các hoạt động đầu tư kinh doanh, thương mại ngày càng khởi sắc, nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về vai trò của luật sư ngày càng được nâng cao đã làm cho nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư đang tăng lên một cách rõ rệt.
Ngoài ra, trong tiến trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, nhiều doanh nghiệp đã xác định rõ chính sách sử dụng dịch vụ pháp lý tại chính thị trường mà doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kinh doanh để phòng tránh các rủi ro, nhất là những thị trường phức tạp, dễ phát sinh tranh chấp, khiếu nại. Do đó, dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý của các luật sư Việt Nam sẽ tăng lên, số lượng vụ việc, khách hàng sẽ đa dạng hơn khi ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam cũng như ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, hợp tác kinh tế với các doanh nghiệp nước ngoài ở các nước trong khu vực và trên thế giới.
Cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện, dân trí ngày càng được nâng cao, ý thức pháp luật của người dân sẽ chuyển biến sâu sắc, trong đó có việc nhận thức rõ hơn vai trò hữu hiệu của luật sư trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, góp phần bảo vệ công lý và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Từ đó, có thể thấy, nhu cầu sử dụng của người dân đối với dịch vụ pháp lý của luật sư trong tương lai, được dự báo ngày càng tăng.
Quan điểm, định hướng phát triển
Trước tình hình thực tiễn và cơ hội, thách thức như trên, Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 được ban hành trong đó đề ra một số quan điểm, định hướng phát triển lớn để phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và nhu cầu của xã hội, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng, Chiến lược cải cách tư pháp, góp phần đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát huy dân chủ, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, tạo nền tảng để nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Đồng thời với việc phát triển số lượng và nâng cao chất lượng, Chiến lược cũng đã đặt ra định hướng phát triển nghề luật sư theo hướng chuyên nghiệp hóa, đáp ứng nhu cầu dịch vụ pháp lý ngày càng cao của cơ quan, tổ chức, công dân, doanh nghiệp; nâng cao vị trí, vai trò của đội ngũ luật sư trong việc tham gia hoạch định chính sách, xây dựng, giám sát thực thi pháp luật, thực hiện trách nhiệm xã hội, góp phần bảo đảm thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, bảo vệ công lý, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh cũng là một định hướng quan trọng.
Song với việc đề ra định hướng tạo lập môi trường cho dịch vụ nghề nghiệp của luật sư phát triển theo thông lệ quốc tế, Chiến lược đã đề ra định hướng phát triển hoạt động hành nghề luật sư trở thành nghề chuyên nghiệp, trong đó chú trọng phát triển tổ chức hành nghề luật sư hành nghề chuyên sâu trong một số lĩnh vực, có khả năng cạnh tranh cao, từng bước chiếm lĩnh thị trường dịch vụ pháp lý trong khu vực và trên thế giới.
Mục tiêu phát triển
Mục tiêu tổng quát đến năm 2020 và các mục tiêu cụ thể của Chiến lược trong giai đoạn 2011 – 2015 và giai đoạn 2016 – 2020, cụ thể như sau:
- Về mục tiêu phát triển số lượng luật sư, Chiến lược đề ra mục tiêu đến năm 2020 có từ 18.000 đến 20.000 luật sư. Từ nay đến năm 2015, phát triển được khoảng 12.000 luật sư; chú trọng đến việc đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, phấn đấu đạt khoảng 1.000 luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập quốc tế. Đến năm 2020, phát triển số lượng khoảng 20.000 luật sư, đạt tỷ lệ số luật sư trên số dân là 1/4.500 đáp ứng ngày càng cao nhu cầu về dịch vụ pháp lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; tại mỗi địa phương có khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội có từ 30 đến 50 luật sư, bảo đảm tham gia 100% số lượng các vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng; số luật sư có khả năng tham gia tư vấn, giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế là khoảng 150 người.
- Về nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, Chiến lược đặt ra mục tiêu xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư thành nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế - xã hội, bổ sung nguồn cho các chức danh tư pháp và chức danh quản lý nhà nước từ đội ngũ luật sư giỏi, có bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức. Theo đó, đến năm 2020, đảm bảo 100% số lượng luật sư được bồi dưỡng thường xuyên và nâng cao về nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng hành nghề, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp theo chuẩn mực nghề nghiệp luật sư.
- Về mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động hành nghề của luật sư trong tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, Chiến lược đề ra mục tiêu đảm bảo cơ chế để luật sư tham gia đầy đủ vào các giai đoạn tố tụng, thực hiện có hiệu quả, chất lượng nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa. Phấn đấu để số lượng các công dân, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp sử dụng luật sư tư vấn, tham gia giải quyết các vụ án, vụ việc ngày càng tăng. Đến năm 2020, đảm bảo trên 50% các vụ án hình sự Tòa án xét xử có luật sư tham gia; phấn đấu đạt mục tiêu có trên 50% số lượng các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý của luật sư.
- Về mục tiêu phát triển hoạt động hành nghề của luật sư, Chiến lược đặt ra mục tiêu phát triển hoạt động luật sư thành hoạt động nghề nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp cho xã hội; đề cao trách nhiệm và nghĩa vụ của luật sư trong công tác trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, đối tượng chính sách và các nhiệm vụ chính trị xã hội khác. Phát triển thị trường dịch vụ pháp lý đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, hướng đến hội nhập thị trường dịch vụ pháp lý trong khu vực và trên thế giới.
- Về mục tiêu phát triển tổ chức hành nghề luật sư, Chiến lược đề ra mục tiêu phát triển tổ chức hành nghề luật sư mang tính chuyên nghiệp cao, chuyên môn hóa theo lĩnh vực pháp luật; chú trọng phát triển một số tổ chức hành nghề luật sư có quy mô lớn hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế, có khả năng cạnh tranh với các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài. Đến năm 2020, có khoảng 30 tổ chức hành nghề luật sư có quy mô từ 50 đến 100 luật sư và từ 100 luật sư trở lên hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài, trong đó, có khoảng 10 tổ chức hành nghề luật sư của Việt Nam có thương hiệu, uy tín trong khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu phát triển số lượng tổ chức hành nghề luật sư tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
- Về mục tiêu phát triển tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư, Chiến lược thể hiện mục tiêu thống nhất về cơ cấu, tổ chức của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, hoạt động, điều hành chuyên nghiệp, phát huy vai trò tự quản trong tổ chức và hoạt động của tổ chức mình, trong đó, xây dựng và phát triển Liên đoàn luật sư Việt Nam trở thành tổ chức xã hội - nghề nghiệp thống nhất của các luật sư và các Đoàn luật sư trong cả nước, vững mạnh về mọi mặt là mục tiêu quan trọng. Đến năm 2020, phát triển Liên đoàn luật sư Việt Nam, các Đoàn luật sư mang tính chuyên nghiệp cao ngang tầm với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư trong khu vực và trên thế giới, phát huy tối đa vai trò tự quản của các tổ chức này.
- Về mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư trên nguyên tắc quản lý nhà nước và phát huy tính tự quản, độc lập của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, Chiến lược đề ra mục tiêu phát triển theo hướng bảo đảm sự quản lý nhà nước mang tầm vĩ mô, tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho hoạt động luật sư, tăng cường vai trò định hướng, điều tiết, hỗ trợ, công tác thanh tra, kiểm tra đối với tổ chức, hoạt động luật sư. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để luật sư thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ cũng như trách nhiệm của mình trong hoạt động hành nghề.
Các giải pháp thực hiện
Về giải pháp thực hiện các mục tiêu, Chiến lược đề ra các giải pháp chung, giải pháp giai đoạn 2011 – 2015 và giải pháp giai đoạn 2015 – 2020. Theo đó, các giải pháp bao gồm việc hoàn thiện pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư, tăng cường hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của công dân, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về vị trí, vai trò của luật sư, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ luật sư; tăng cường tính chuyên nghiệp trong hoạt động hành nghề của luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư, tăng cường vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư, xây dựng và hoàn thiện chính sách phát triển hoạt động hành nghề luật sư và tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm về tổ chức, hoạt động và hành nghề luật sư.
Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 đánh dấu sự đổi mới về tư duy chiến lược trong định hướng phát triển nghề luật sư nói riêng, phát triển các hoạt động bổ trợ tư pháp nói chung. Để thực hiện có hiệu quả Chiến lược, Bộ Tư pháp đang chủ trì, phối hợp với Liên đoàn luật sư Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan xây dựng Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện Chiến lược, quyết tâm thực hiện những chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển nghề luật sư ở Việt Nam, phục vụ tích cực cho công cuộc cải cách tư pháp, cải cách pháp luật, hội nhâp quốc tế, phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
KHông tính nhuận bút