Giải pháp nào để công tác thi đua - khen thưởng ngày càng thực chất hơn?

03/08/2011
Từ năm 2007 đến nay, có thể nói Hội đồng thi đua - khen thưởng Ngành Tư pháp (gọi tắt là Hội đồng) đã hoàn thành tốt vai trò là cơ quan tham mưu cho Bộ trưởng trong việc chỉ đạo, duy trì phong trào thi đua của toàn ngành. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Hội đồng cần phải có thêm những giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của mình để công tác thi đua - khen thưởng ngày càng đi vào thực chất hơn nữa.

Xét và trình xét khen thưởng hàng ngàn cá nhân, tập thể

Nhận thức rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác thi đua - khen thưởng, Hội đồng đã từng bước chuyển mình, sáng tạo trong hoạt động, phát triển phong trào thi đua yêu nước nhằm đưa công tác này trở thành động lực mạnh mẽ động viên cán bộ, công chức ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính của đơn vị và của ngành.

Căn cứ vào Chương trình trọng tâm công tác tư pháp, hàng năm, Hội đồng đều chủ động ban hành kế hoạch phát động phong trào thi đua hướng vào phục vụ những nhiệm vụ chính trị của ngành. Chẳng hạn, năm 2009 phát động thi đua với khẩu hiệu “Cán bộ Tư pháp chủ động, sáng tạo, đoàn kết, trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đáp ứng các yêu cầu đổi mới Ngành Tư pháp, phục vụ nhân dân theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; năm 2011, thực hiện thi đua theo chủ đề “Cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp trung thành, đoàn kết, tận tụy, sáng tạo, kỷ cương, trách nhiệm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”….

Kết thúc các đợt thi đua đã tổ chức sơ kết, tổng kết để biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt, làm cho các phong trào thi đua sôi động và hiệu quả hơn. Từ tháng 6/2007 đến hết tháng 12/2010, Hội đồng đã xét và trình cấp có thẩm quyền khen thưởng: Huân chương Hồ Chí Minh cho 1 cá nhân, Huân chương Độc lập hạng Ba cho 6 cá nhân, Huân chương Lao động các hạng cho 24 tập thể và 52 cá nhân, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho 629 tập thể và 2.390 cá nhân… Riêng 6 tháng đầu năm nay, Hội đồng đã xét và đề nghị cấp có thẩm quyền khen tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho 3 cá nhân, Huân chương Lao động hạng Nhì cho 4 cá nhân, Huân chương Lao động hạng Ba cho 4 tập thể và 5 cá nhân, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho 40 tập thể và 32 cá nhân….

Mỗi thành viên Hội đồng phải là tấm gương mẫu mực

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, hoạt động của Hội đồng vẫn còn những tồn tại, hạn chế đòi hỏi phải được khắc phục như thể chế về công tác thi đua - khen thưởng chậm được sửa đổi, bổ sung; nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Hội đồng chưa đầy đủ, cụ thể và rõ ràng, một số thành viên Hội đồng chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình; công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc phong trào thi đua của Hội đồng và từng thành viên chưa thực sự chủ động; việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến chưa được chú trọng…

Vì vậy, một trong những giải pháp được đặt lên hàng đầu là phải phát huy vai trò của từng thành viên Hội đồng trong các hoạt động của Hội đồng, đảm bảo tuân thủ Quy chế hoạt động của Hội đồng sao cho mỗi thành viên Hội đồng phải là tấm gương trong thực thi pháp luật và thực hiện các phong trào thi đua. Đây cũng chính là chỉ đạo của Bộ trưởng Hà Hùng Cường - Chủ tịch Hội đồng tại một cuộc tọa đàm được tổ chức mới đây.

Vụ trưởng Vụ Thi đua - khen thưởng Nguyễn Bá Yên còn cho biết, sẽ phân công cụ thể cho mỗi thành viên Hội đồng theo dõi, chỉ đạo phong trào thi đua từ 2 - 3 đơn vị thuộc Bộ và từ 4 - 5 địa phương để kịp thời nắm bắt tình hình và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương cũng như phát hiện, đề xuất với Hội đồng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cho phù hợp. Ngoài ra, để công tác này đi vào thực chất, Hội đồng cần sớm xây dựng quy trình bình chọn và xét duyệt thi đua chặt chẽ, khoa học, công khai đến từng đơn vị, cá nhân, từ đó có cơ sở bình chọn, xét khen thưởng chính xác, đảm bảo tính khách quan, công bằng.

Cẩm Vân