Luật sư muốn hành nghề phải có môi trường

08/08/2011
Thời gian qua, đội ngũ luật sư đã có những bước phát triển đáng kể. Chủ tịch Liên đoàn luật sư (LĐLS) Việt Nam LS.Lê Thúc Anh cho biết, hiện LĐ đã cấp thẻ cho 6.700 LS trên cả nước. Ước tính, từ đầu năm 2011, số LS đã tăng thêm 600 người (chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM). Cùng với sự phát triển về số lượng, nhu cầu nâng cao chất lượng cho đội ngũ LS và tăng cường nhận thức về vị thế của LS trong xã hội là một “tâm điểm” đang rất được quan tâm.

Sáng qua (26/7), Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải khi đến thăm LĐLS Việt Nam cũng chỉ ra, nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của LS cũng là một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển của TP. Chỉ cần “nhìn” từ lĩnh vực đầu tư cũng thấy điều đó. Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài khi đến đầu tư, ký kết ở nước ta lúc nào cũng có LS “đi kèm”, thì vẫn còn nhiều doanh nghiệp của ta cứ “tay không bắt giặc”, tự tham gia đàm phán, ký kết mà không có LS tư vấn, đồng nghĩa với đó là việc phải chấp nhận rủi ro về pháp lý.

Ngay cả “thái độ” của người dân cũng khiến cho nghề LS ở góc độ nào đó vẫn đang phải “chật vật” để phát triển. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính nhận thấy, ở phía Nam, nếu có việc “dính” đến chính quyền, việc đầu tiên người dân làm là nghiên cứu qui định pháp luật, có thể tư vấn LS rồi mới đi giải quyết. Nhưng ở phía Bắc, thậm chí cả ở Hà Nội, người dân làm lại “tìm người quen để nhở vả” mỗi khi cần giải quyết các công việc với chính quyền.

Vì thế, không lạ gì khi nghề LS ở các tỉnh, TP phía Nam luôn sôi động với số lượng LS, tổ chức hành nghề LS đông đảo, có tính cạnh tranh và chuyên nghiệp cao. “LS muốn hành nghề được phải có môi trường” – như nhận định của Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính. Chỉ ở trong môi trường mà pháp luật được coi trọng thì nghề luật nói chung, nghề LS nói riêng mới có thể phát triển.

Một môi trường hành nghề tốt có thể đem lại cho LS những động lực, triển vọng và khả năng phát triển. Song, trước khi có thể phát triển nghề, LS cần đến một nền tảng đào tạo căn bản, đầy đủ với sự “sự chung tay” của toàn xã hội, của giới LS trên cơ sở định hướng của cơ quan chức năng.

Cho nên, một trong những trọng tâm của Chiến lược phát triển nghề LS đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là công tác đào tạo, bồi dưỡng LS. Hiện cả nước có 1 trung tâm đào tạo LS duy nhất là Học viện Tư pháp (Bộ Tư pháp). Định hướng đào tạo LS hiện nay nằm trong tiến trình phát triển Học viện Tư pháp thành trung tâm đào tạo các các chức danh tư pháp lớn nhất cả nước. Cùng với đó là sự nỗ lực của LĐLS trong công tác bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên cho đội ngũ LS thông qua hoạt động của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ LS đặt tại Hà Nội.

Nhưng quan điểm của giới LS thì “đào tạo 6 tháng chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa” và đạo tạo tại các cơ sở chỉ là cung cấp kiến thức ban đầu. Muốn đào tạo chuyên sâu, liên tục cần được tiến hành ở các tổ chức hành nghề LS, với sự tham gia của các LS đã có thâm niên và kinh nghiệm. Đó là “trường học thực tiễn” đối với những người chuẩn bị và cả những người đã có thâm niên hành nghề LS. Do vậy, quá trình tập sự hành nghề LS (18 tháng) là rất quan trọng để trang bị “hành trang” đầy đặn cho các LS bước vào nghề.

Nâng cao chất lượng LS cả chiều rộng và chiều sâu cũng là điều kiện để tạo được môi trường chuyên nghiệp cho mỗi LS hành nghề, là “kim chỉ nam” để nghề và đội ngũ LS tìm được “chỗ đứng” thực sự phù hợp với vai trò trong công cuộc xây dựng NNPQ XHCN./.

Xuân Hương