Hiện nay, mức phạt tiền trong Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008 (sửa đổi, bổ sung) đã bị coi là lạc hậu. Liệu trong dự luật Xử lý VPHC do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, mức phạt được thay đổi như thế nào, sẽ lấy mức lương cơ bản làm căn cứ?
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã chỉ đạo, theo Pháp lệnh năm 2008, mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính là 500 triệu đồng. Tuy nhiên, Pháp lệnh có thể thay đổi linh hoạt được, chứ khi đã ban hành Luật thì không thể thay đổi một sớm một chiều. Bộ trưởng cho rằng, mặc dù có nhiều biện pháp khác để lồng ghép, phối hợp với nhau song phạt tiền vẫn là hình thức xử phạt quan trọng. Vì vậy cần nghiên cứu xem trong Luật, mức phạt tiền có tiếp tục để mức tối đa không hay sẽ điều chỉnh theo hướng nào cho hợp lý với tình hình lạm phát từ năm 2008 đến nay. “Phải chăng, mức phạt cao nhất là 1 tỷ đồng, còn mức thấp nhất không phải là 10 nghìn đồng nữa nhưng sẽ không quy định mức tối đa trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước”, Bộ trưởng gợi ý trong cuộc họp nghe tổ biên tập Dự án Luật báo cáo chỉnh lý mới đây.
Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Lê Hồng Hạnh nêu thực tế, quy định về mức phạt tối đa rất nhanh lạc hậu nên rất cần có giải pháp để vi phạm hành chính bị xử lý nghiêm minh hơn. Chẳng hạn, khi những container rác thải được chở về cảng biển Việt Nam bị phát hiện thì người ta sẵn sàng không nhận là chủ hoặc thậm chí chấp nhận mức phạt 500 triệu đồng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Kinh nghiệm của Singapore cho thấy, nước này áp dụng mức phạt tăng cao dần và đến một mức cao nhất định, người vi phạm sẽ phải ra Tòa và như vậy để kinh doanh làm giàu thì bất cứ ai cũng phải tuân thủ pháp luật. Ông Hạnh kiến nghị, có thể dựa vào giá trị nào đó tương đối vững chắc để đưa ra mức phạt tiền phù hợp như mức lương cơ bản.
Theo Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến, đúng là nhiều nước trên thế giới có tính tiền phạt theo số lần mức lương tối thiểu. Riêng với Việt Nam nếu theo phương án này thì cách tính ra sao, có phải vẫn lấy “trần” của luật hình sự. Nhưng dù tính thế nào đi nữa, chúng ta cũng cần mạnh dạn đưa ra mức phạt và trong trường hợp cần thiết sửa mức “trần” của Bộ luật Hình sự là đề xuất của bà Yến.
Tuy nhiên, một số ý kiến không tán thành việc lấy mức lương cơ bản làm căn cứ vì cho rằng lộ trình sắp tới là mức lương cơ bản sẽ thay đổi liên tục. Phó trưởng Ban Thư ký Đỗ Đức Hồng Hà phân tích, mức lương cơ bản ở Việt Nam không ổn định trong khi Luật rất cần bảo đảm tính ổn định và khả thi. Vì vậy, ông Hà cho rằng phải nâng mức phạt tiền sao cho có tính dự báo và đủ sức răn đe.
Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế Dương Đăng Huệ lại có cách nhìn khác. Theo ông Huệ, mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính chủ yếu là để cảnh báo chứ không mang tính bồi thường. Điển hình là những vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, mức phạt cao nhất 500 triệu đồng có tác dụng răn đe, còn bồi thường có khi gấp rất nhiều lần. Do đó, quan điểm của ông Huệ là chúng ta không nhất thiết cứ đi căn ke, so đo tiền phạt bao nhiêu và rõ ràng sẽ không nên lấy nó để đền bù.
Còn Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế Hoàng Phước Hiệp đưa ra một căn cứ “quen mà lạ”. Đó là có thể dựa vào tình hình biến động giá cả kinh tế xã hội do Quốc hội công bố. “Nếu Quốc hội công bố giá cả biến động ở mức 30% chẳng hạn thì mức phạt tiền sẽ tăng lên tương ứng”, ông Hiệp ví dụ.
Cẩm Vân