Hoạt động luật sư trong năm 2011: Nâng cao đạo đức và chất lượng hành nghề!

24/02/2011
Bước vào năm 2011 với nhiều kỳ vọng cho sự phát triển của Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN) và giới LS, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký LĐLS VN LS.Đỗ Ngọc Thịnh đã trao đổi về những việc cần làm trong năm Tân Mão này.

Đào tạo, bồi dưỡng là tiền đề, động lực

PV: Thưa ông, đối với LĐLSVN và các ĐLS, vai trò tự quản luôn được đặt lên hàng đầu. Vậy trong năm 2011, LĐ sẽ phát huy vai trò này như thế nào cho xứng đáng với vị thế của một tổ chức xã hội – nghề nghiệp toàn quốc của giới LS?

LS.Đỗ Ngọc Thịnh: Để thực hiện tốt vai trò này thì cần phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp và các hoạt động tương ứng. Trước hết, phải nâng cao chất lượng và đạo đức hành nghề cho đội ngũ LS, bởi đó là tiêu chuẩn đầu tiên để xã hội đánh giá, nhìn nhận về các LS, ĐLS và LĐLSVN. Tiếp đó là phát triển đội ngũ LS về số lượng, xây dựng hình ảnh giới LS và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho LS.

Tất cả những công việc đó phải được triển khai tương đối đồng bộ để góp phần nâng cao vị thế, vai trò của LĐLSVN trong nước và quốc tế, góp phần đưa LĐLSVN trở thành 1 tổ chức độc lập tương đối trong quan hệ pháp lý với NN và người dân trong xây dựng 1 tổ chức xã hội nghề nghiệp. Có như vậy người dân mới tin vào LĐ và LS là đội ngũ bảo vệ quyền lợi hợp pháp để khi quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm, họ sẽ tìm đến LS và các cơ quan NN để được bảo vệ.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về giải pháp của LĐLS nhằm nâng cao chất lượng hành nghề và đạo đức của LS trong năm 2011?

LS.Đỗ Ngọc Thịnh: Năm 2011, LĐ sẽ tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục để nâng cao chất lượng của LS trong cung cấp dịch vụ pháp lý, đáp ứng yêu cầu của người dân và xã hội; nâng cao đạo đức nghề nghiệp để hạn chế tối đa việc vi phạm pháp luật, đạo đức của LS trong quá trình hành nghề, thiếu tinh thần trách nhiệm với khách hàng.

Trong đó, LĐ nhận thức rõ, công tác đào tạo, bồi dưỡng là tiền đề, động lực. Tôi khẳng định, nếu làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng thì chất lượng hành nghề của LS sẽ được tăng rất cao, đáp ứng yêu cầu của xã hội nên đào tạo, bồi dưỡng cho LS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và sẽ được LĐ đẩy mạnh thực hiện trong năm 2011.

Tuy nhiên, công tác này phải được tiến hành bài bản, cẩn thận, để các LS thấy được vai trò của LĐLSVN, thấy được sự hỗ trợ của các tổ chức. LĐ sẽ kết hợp với các dự án nước ngoài xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng; tập huấn đội ngũ giáo viên cẩn thận và triển khai những nội dung kỹ năng trong hoạt động nghề nghiệp.

Không chỉ đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, LĐ còn lồng ghép tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, qui tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp cho các LS. LS phải có trách nhiệm nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội, phải sẵn sàng bảo vệ công lý khi công lý bị xâm phạm hay bẻ cong. Đây chính là đạo đức, bổn phận nghề nghiệp của LS mà LĐ sẽ tập trung để tuyên truyền, giáo dục.

PV: Đối với đội ngũ tập sự hành nghề LS, LĐ sẽ có tác động thế nào để nâng cao chất lượng tập sự?

LS.Đỗ Ngọc Thịnh: Những người tập sự hành nghề LS chưa phải là thành viên của LĐLS nên không thuộc diện LĐLS có thể tác động trực tiếp. Tuy nhiên, họ lại là “nguồn” cho đội ngũ LS trong tương lai nên LĐLS cũng sẽ có những hoạt động thiết thực để giúp họ có điều kiện tiếp cận với nghề nghiệp, học hỏi kinh nghiệm của những LS thành viên của LĐ. Đồng thời, LĐ sẽ tích cực triển khai tuyên truyền các văn bản pháp luật về tập sự hành nghề LS cho các ĐLS, LS thành viên để góp phần nâng cao chất lượng tập sự hành nghề LS.

LĐ phải “lên tiếng” khi LS bị cản trở tác nghiệp

PV: Vậy còn công tác bảo vệ quyền lợi hợp pháp của LS sẽ có bước tiến như thế nào trong năm nay?

LS.Đỗ Ngọc Thịnh: Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, LĐ đã rất quan tâm đến công tác này vì nó ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý và uy tín của LS. Năm 2011, LĐ sẽ kết hợp các ĐLS giải quyết nhanh chóng, kịp thời, chính xác các đơn thư khiếu nại, tố cáo của khách hàng và các chủ thể khác liên quan đến hoạt động của LS, trong đó lấy mục tiêu là bảo vệ quyền lợi hợp pháp của LS để giữ uy tín, nghề nghiệp của LS, mặt khác cũng phải giữ nghiêm minh, xử lý đúng pháp luật và điều lệ LĐLS, ĐLS tất cả những trường hợp vi phạm làm ảnh hưởng, mất uy tín của LS trước LĐLS, Nhà nước và xã hội.

Khi LS bị cản trở trong quá trình hành nghề thì LĐ phải thể hiện “tiếng nói”, thông qua việc phối kết hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng làm sáng rõ sự việc, đồng thời yêu cầu có hành vi cản trở phải tạo điều kiện cho LS hành nghề. LĐ cũng sẽ có phản ứng kịp thời với các cơ quan cấp trên của cơ quan đó để tháo gỡ khó khăn.

Đồng thời năm 2011, dự kiến LĐ sẽ ký các văn bản hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng cao nhất là Bộ Công an, TANDTC, VKSNDTC để đảm bảo quyền hành nghề hợp pháp của LS, đảm bảo sự tham gia của LS sẽ góp phần bảo vệ công lý, pháp chế, cải cách tư pháp và xây dựng NNPQ.

Hiểu theo nghĩa lớn lao hơn, quyền hành nghề của LS được đảm bảo thực chất là chế độ dân chủ ngày càng được mở rộng và hoàn thiện thực chất là quyền của nhân dân. Do vậy, việc thực hiện quyền này phải được đặt ra ngay từ việc xây dựng pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho LS hành nghề, trong đó quan trọng là 3 văn bản trên.

Năm 2011, LĐLS sẽ tập trung vào góp ý sửa đổi 3 luật cơ bản liên quan đến hoạt động LS là Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Luật sư và các văn bản có liên quan để đảm bảo quyền hành nghề của LS, để LS có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức tốt hơn và góp phần tạo dựng hành lang pháp lý cho LS đóng góp vào cải cách tư pháp và xây dựng NNPQ.

Bên cạnh đó, công tác khen thưởng của LĐ cũng là một nhiệm vụ quan trọng để động viên kịp thời những LS có nhiều việc đóng góp cho xã hội: như TGPL miễn phí, tuyên truyền giáo dục pháp luật… để khuyến khích, động viên.

LĐ là “cầu nối vững chắc”

PV: Được biết, LĐLS đã đưa ra mẫu trang phục LS để lấy ý kiến. Vậy năm 2011, LS Việt Nam sẽ có mẫu trang phục thống nhất khi tranh tụng chưa, thưa ông?

LS.Đỗ Ngọc Thịnh: Hội đồng LS toàn quốc sẽ thông qua trang phục LS và nếu vào phiên họp thứ 6 (tháng 2/2011) Hội đồng thông qua nghị quyết về trang phục thì LĐLS sẽ yêu cầu các LS khi tham gia phiên tòa phải mặc trang phục này khi tranh tụng tại Tòa.

Trang phục LS không chỉ để tạo hình ảnh mới của LS VN trước các cơ quan tiến hành tố tụng, xã hội và nhân dân mà còn nhắc nhở các LS về trách nhiệm của LS khi bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đương sự, giữ hình ảnh của LS.

Thông qua đó, các LS sẽ có ý thức dần nâng cao chất lượng hành nghề, giữ gìn phẩm chất đạo đức, xây dựng chuẩn mực của LS để mỗi LS thấy vinh dự khi vào nghề, thấy vị thế của LS được nâng cao. Đó cũng là mục tiêu phát triển của LĐ và của Đảng và Nhà nước khi tạo điều kiện cho LĐLS và LS hành nghề.

PV: Ông có nhận định gì về năm 2011 đối với hoạt động của LĐLS nói riêng và hoạt động quản lý LS nói chung?

LS.Đỗ Ngọc Thịnh: Quản lý LS phải được thể hiện bằng những hoạt động cụ thể, không chỉ là giải quyết đơn thư tố cáo mà còn phải thể hiện bằng các hoạt động về vai trò đoàn kết, tập hợp các LS. Vì nếu chỉ giải quyết khiếu nại, tố cáo đơn thuần thì không nâng cao được chất lượng hành nghề của LS, không tập hợp được LS, không phát triển được đội ngũ LS về số lượng.

Do đó, năm 2011, nếu LĐLS làm tốt các mặt nâng cao chất lượng hành nghề của LS, phát triển đội ngũ, bảo vệ quyền lợi của LS thì LĐLS sẽ thực sự làm tốt được vai trò tập hợp đoàn kết giới LS chung tay xây dựng nâng cao vị thế LĐLS trước Nhà nước, xã hội và nhân dân.

Năm 2011 có thể mới là năm “bản lề” phát triển của nhiệm kỳ 1 nên các kết quả công tác trong năm này sẽ giúp LĐ vị thế vững chắc, để giới LS gửi gắm niềm tin, để LĐLS là “cầu nối” vững chắc giữa giới LS với Đảng, Nhà nước, xã hội và ngược lại, tham gia tích cực vào công tác quản lý LS trong phạm vi của một tổ chức xã hội nghề nghiệp và góp phần thúc đẩy sự phát triển của giới LS Việt Nam.

PV: Trân trọng cảm ơn ông và chúc LĐLS cùng toàn giới LS 1 năm mới nhiều thành công và phát triển mạnh mẽ!

Hương Giang

Hiện LĐLS VN có 5.695 thành viên, trong đó có 62 ĐLS thành viên và 5.633 LS thành viên. Số người tập sự hành nghề LS đã đăng ký với các đoàn là trên 3.000 người.

Theo báo cáo của các ĐLS, tính đến hết năm 2010 cả nước có 2.520 tổ chức hành nghề LS và khoảng 200 chi nhánh, trong đó: 1.979 Văn phòng LS; 441 Công ty luật và 100 LS hành nghề với tư cách cá nhân. (Nguồn: LĐLS VN)

Theo thống kê tính đến hết năm 2010, các ĐLS đã tham gia giải quyết 52 vụ việc khiếu nại, tố cáo. Trong tham gia hoà giải tranh chấp giữa LS, người tập sự hành nghề LS với tổ chức hành nghề (9 vụ) hoặc giữa khách hàng với luật sư, tổ chức hành nghề LS (20 vụ). (Nguồn: LĐLS VN)