Về hệ thống tòa án ở Đức
Đức là nhà nước Liên bang, do vậy, hệ thống tòa án được tổ chức tại cấp Liên bang và cấp Bang. Đức có 05 hệ thống tòa án chuyên biệt, bao gồm: hệ thống tòa án thường xét xử các tranh chấp về dân sự và các vụ án hình sự; hệ thống tòa án lao động; hệ thống tòa án hành chính; hệ thống tòa án tài chính và hệ thống tòa án về bảo hiểm xã hội.
Hệ thống tòa án lao động được coi là kết quả của sự chuyên môn hóa trong hoạt động xét xử dân sự của tòa án thường và các hệ thống tòa án tài chính và hệ thống tòa án bảo hiểm xã hội được coi là sản phẩm của quá trình chuyên môn hóa và từ hoạt động xét xử của hệ thống tòa án hành chính. Bên cạnh các hệ thống tòa án nói trên là Tòa án hiến pháp của Liên bang. Tòa án hiến pháp Liên bang xét các khiếu kiện bảo đảm tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật, các khiếu nại của công dân, nếu quyền công dân bị vi phạm từ hoạt động của cơ quan hành pháp, lập pháp.
Hệ thống tòa án thường (tòa án xét xử các vụ án dân sự và hình sự -ordentliche Gerichtbarkeit). Hệ thống này gồm bốn cấp là Tòa án khu vực; Tòa án liên khu vực; Tòa án cấp cao của Bang và Tòa án Liên bang về dân sự và hình sự.
Về dân sự, tòa án khu vực (Amtgericht) có thẩm quyền xét xử các tranh chấp có giá ngạch đến 6.000 Euro, các vụ án hôn nhân gia đình (không phụ thuộc vào giá ngạch). Việc giải quyết các tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình tại tòa án khu vực thông thường do một thẩm phán thực hiện (không có hội thẩm, kể cả các vụ hôn nhân và gia đình). Về hình sự, tòa án khu vực có thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự có mức hình phạt tối đa là 4 năm tù giam. Về cơ bản, tòa hình sự tại tòa án khu vực cũng xét xử thông qua 1 thẩm phán. Một điểm đáng lưu ý trong pháp luật về tố tụng dân sự của Đức là không phải mọi phán quyết sơ thẩm đều có thể yêu cầu xử phúc thẩm. Chỉ có thể yêu cầu phúc thẩm, nếu nội dung yêu cầu phúc thẩm có giá ngạch từ 6.000 Euro trở lên hoặc tòa án sơ thẩm cho phép phúc thẩm và ghi rõ trong bản án. Ngoài ra, Thủ tục tố tụng dân sự Đức có quy định về thủ tục đòi tiền nhanh (tòa án khu vực có thẩm quyền thực hiện thủ tục đòi tiền nhanh) đối với các quyền yêu cầu đòi tiền rõ ràng.
Tòa án liên khu vực (Landgericht), có thẩm quyền xét xử dân sự đối với các vụ tranh chấp có giá ngạch từ 6.000 Euro trở lên, xét xử phúc thẩm các bản án sơ thẩm của tòa khu vực. Các hội đồng xét xử dân sự sơ thẩm cũng như phúc thẩm tại tòa án khu vực bao gồm 3 thẩm phán chuyên nghiệp (đối với các hội đồng xét xử các tranh chấp về thương mại hội đồng xét xử gồm 1 thẩm phán chuyên nghiệp và 2 hội thẩm là thương gia). Cá biệt, có thể giao các vụ việc xét xử sơ thẩm cũng như phúc thẩm tại tòa án liên khu vực cho 1 thẩm phán. Tòa án hình sự thuộc tòa liên khu vực xét xử sở thẩm các vụ án hình sự từ 4 năm tù giam trở lên và xét xử phúc thẩm phán quyết sơ thẩm của tòa án khu vực. Việc giám đốc thẩm phán quyết của Tòa án liên khu vực chỉ được phép dưới những điều kiện nhất định (có những vấn đề mới phát sinh cần có đường lối xét xử thống nhất của tòa án cấp cao hơn, hoặc về cùng một vấn đề nhưng có sự vận dụng pháp luật khác nhau của các tòa án khác nhau ở cùng một cấp và việc một bản án có được giám đốc thẩm hay không được tòa án xét xử phúc thẩm xác định rõ trong bản án phúc thẩm).
Tòa án cấp cao của bang (Oberlandesgericht), là tòa án xét xử phúc thẩm các bản án sơ thẩm dân sự của tòa án liên khu vực, xét xử phúc thẩm các vụ án hôn nhân và gia đình của Tòa án khu vực. Về hình sự, tòa án cấp cao của bang xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự về khủng bố. Thông thường mỗi bang có một tòa án cấp cao của bang, cá biệt có một số bang có 2 hoặc 3 tòa án cấp cao.
Ở cấp Liên bang, tòa án xét xử dân sự và hình sự có tên gọi là Tòa án Liên bang về hình sự và dân sự (Bundesgerichtshof). Về dân sự, Tòa án cấp cao của bang chủ yếu xét xử giám đốc thẩm. Về hình sự, Tòa án Liên bang là Tòa án phúc thẩm của Tòa án cấp cao của các Bang về các tội liên quan đến tội khủng bố, và xét xử sơ trung thẩm các vụ về an ninh quốc gia.
Hệ thống tòa án lao động (Arbeitsgericht), bao gồm tòa án lao động (Arbeitsgericht), tòa án lao động Bang (Landesarbeitsgericht) và Tòa án lao động Liên bang (Bundesarbeitsgericht). Tòa án lao động xét xử các tranh chấp lao động tập thể (giữa công đoàn và hiệp hội người sử dụng lao động) và tranh chấp lao động cá nhân (tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động)
Hệ thống tòa án hành chính (Verwaltungsgerichtbarkeit), hệ thống này gồm 03 cấp là Tòa án hành chính (Verwaltungsgericht), Tòa án hành chính của Bang (Landesverwaltungsgericht) và Tòa án Hành chính Liên bang (Bundesverwaltungsgericht). Hệ thống Tòa án hành chính có thẩm quyền xét xử các tranh chấp giữa một bên là cơ quan nhà nước và phía bên kia là công dân, cụ thể, tòa án hành chính có thẩm quyền xét xử các khiếu nại về các hành vi hành chính của cơ quan nhà nước (ví dụ khiếu nại về quyết định không cấp phép xây nhà về hạn chế quyền sử dụng bất động sản v.v...).
Hệ thống tòa án tòa án tài chính, bao gồm Tòa án tài chính Bang (Finanzgericht), Tòa án tài chính Liên bang (Bundesfinanzgericht). Hệ thống tòa án tài chính xét xử các tranh chấp về thuế giữa một bên là công dân và bên kia là cơ quan nhà nước.
Hệ thống tòa xã hội (Sozialgerichtsbarkeit), bao gồm Tòa án xã hội (Sozialgericht), Tòa án xã hội Bang (Landessozialgericht) và Tòa án xã hội Liên bang (Bundesozialgericht). Các tòa án xã hội xét xử các tranh chấp về trợ cấp xã hội giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền về xã hội và công dân.
Về công tác đào tạo các chức danh tư pháp
Ở Đức, việc đào tạo các chức danh tư pháp được thực hiện theo chương trình thống nhất (không tồn tại mô hình đạo tạo riêng cho từng nghề luật như nghề thẩm phán, nghề luật sư... mà chỉ có một quy trình đào tạo chung cho mọi nghề luật), gồm 2 giai đoạn, giai đoạn đào tạo tại các trường đại học (khoảng 4 năm), kết thúc giai đoạn này là kỳ thi quốc gia lần thứ nhất và giai đoạn đào tạo thực tế (khoảng 2 năm) tại tòa án, cơ quan công tố, văn phòng luật sư, cơ quan hành chính và một cơ sở do sinh viên tự chọn. Quá trình đào tạo các chức danh tư pháp được thực hiện một cách chặt chẽ, theo một chương trình đào tạo thống nhất trên toàn Liên bang đối với các chức danh tư pháp bao gồm thẩm phán, công tố viên và luật sư. Theo các chuyên gia của Đức, việc đào tạo các chức danh tư pháp theo một chương trình chung, thống nhất cho cả 03 chức danh tư pháp nêu trên có ưu điểm là thiết lập được mặt bằng kiến thức chung về chuyên môn, nghiệp vụ cho các chức danh này để họ hiểu và dễ thống nhất với nhau khi cùng tham gia vào một vụ việc, tạo điều kiện xét xử nhanh chóng, chính xác và chuyên nghiệp.
Trên cơ sở chương trình đào tạo thống nhất, Bộ Tư pháp các Bang chịu trách nhiệm đào tạo các chức danh tư pháp. Một người muốn trở thành thẩm phán, công tố viên hoặc luật sư phải trải qua hai kỳ thi quốc gia do Bộ Tư pháp các Bang tổ chức, trong đó: (i) Kỳ thi quốc gia lần thứ nhất được tổ chức cho các sinh viên đã hoàn thành chương trình học 4 năm tại các trường Đại học, người thi đỗ được cấp bằng cử nhân Luật (Diplomjurist) và có thể làm việc tại các doanh nghiệp hoặc cơ quan nhà nước nhưng không được đại diện cho doanh nghiệp khi tham gia phiên tòa và không được làm công chức cao cấp của các cơ quan nhà nước; (ii) Kỳ thi quốc gia lần thứ hai được tổ chức cho các đối tượng đã có bằng cử nhân luật hoàn thành thời gian học thực tế 2 năm tại các Tòa án, Viện Công tố, các cơ quan hành chính nhà nước và các văn phòng, công ty luật. Những người thi đỗ kỳ thi quốc gia lần thứ hai về nguyên tắc có thể tự chọn nghề: Thẩm phán, Công tố viên hay Luật sư nhưng trên thực tế chỉ có 10% luật gia được trở thành Thẩm phán và Công tố viên (đó là những sinh viên xuất sắc nhất); số còn lại chủ yếu hành nghề luật sư. Điểm khác biệt giữa hai kỳ thi là kỳ thi thứ nhất mang tính lý thuyết, tập trung vào các môn học luật cơ bản và luật Châu Âu, trong khi đó kỳ thi quốc gia thứ hai chú trọng về luật tố tụng và giải quyết vụ án cụ thể.
Điểm đáng lưu ý là những sinh viên sau khi thi đỗ kỳ thi lần thứ nhất, khi tham gia đào tạo thực tế, kể cả những người sau này làm luật sư, đều được nhà nước hỗ trợ với mức 1000 euro/tháng và không phải hoàn trả trong trường hợp không thi đỗ kỳ thi quốc gia lần thứ hai.
Bên cạnh việc đào tạo các chức danh tư pháp như đã nêu trên, công tác bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ của Bộ Tư pháp, các chức danh tư pháp như thẩm phán, công tố viên và các nhân viên làm việc trong Toà án, Viện Công tố cũng được quan tâm tổ chức cả ở cấp Bang, Liên bang theo định kỳ hoặc theo yêu cầu công tác.
Hiện tại, theo yêu cầu thống nhất đào tạo cử nhân theo hệ Bachelor của Liên minh châu Âu, Đức đang đặt vấn đề cải cách đào tạo luật. Tuy nhiên, quan điểm chính thống vẫn muốn giữ nguyên cách đào tạo cử nhân luật như hiện nay (4 năm đào tạo đại học - cấp bằng Diplom) sau đó là giai đoạn đào tạo thực tế, kết thúc bằng kỳ thi quốc gia lần thứ 2. Hiện tại có một số trường đại học ở Đức bắt đầu thực hiện đào tạo theo hệ Bachelor (3 năm), chủ yếu chuyên về pháp luật kinh tế. Người có bằng Bachelor được làm luật sư tư vấn trong các doanh nghiệp, nhưng không được đại diện cho doanh nghiệp trong quan hệ với người thứ ba hoặc trước tòa án.
Hải Lộc