Hướng về cơ sở và đi vào chiều sâu
PV: Được biết, trong những năm gần đây, lãnh đạo tỉnh Điện Biên rất quan tâm tới công tác tư pháp, bà có thể cho biết sự quan tâm này được thể hiện cụ thể như thế nào?
*. Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, trong những năm gần đây, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Điện Biên đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác tư pháp địa phương.
UBND tỉnh đã thường xuyên chú trọng đến công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật phục vụ lãnh đạo quản lý điều hành; tập trung phân cấp mạnh hơn rõ hơn cho các cấp, các ngành; tạo hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị. Công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) cũng đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, ngày càng đi vào chiều sâu, bảo đảm tổ chức thực hiện các văn bản do cơ quan cấp trên ban hành và thực hiện nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật.
Chúng tôi cũng rất quan tâm tới công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL nhằm kịp thời phát hiện, xử lý những văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với thực tiễn và trái thẩm quyền, khắc phục những “khoảng trống” trong điều chỉnh pháp luật và hạn chế những sai sót trong công tác ban hành văn bản pháp luật.
Ngoài ra, công tác theo dõi thi hành pháp luật và bồi thường nhà nước là những nhiệm vụ mới nhưng đã được triển khai thực hiện theo đúng yêu cầu. Điều đánh ghi nhận là trong thời gian qua tại Điện Biên chưa có trường hợp nào vi phạm phải thực hiện bồi thường theo Luật Bồi thường Nhà nước.
PV: Tỉnh Điện Biên đã tổ chức tổng kết Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân, xin bà cho biết, định hướng tiếp theo mà tỉnh sẽ thực hiện nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật cho nhân dân trong tỉnh?
*. Điện Biên là tỉnh miền núi, có trên 400 km đường biên giới tiếp giáp với hai quốc gia là Lào và Trung Quốc. Đến nay, Điện Biên vẫn là một trong những tỉnh đặc biệt khó khăn của cả nước với nhiều đặc điểm có tính đặc thù cao trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Sau khi tổng kết Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, rút ra những bài học kinh nghiệm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật, chú trọng đi vào chiều sâu, hướng mạnh về cơ sở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân. Chúng tôi cũng đồng thời quán triệt cho đối tượng cán bộ, công chức những văn bản pháp luật liên quan đến trách nhiệm của cán bộ, công chức trong giải quyết công việc cho người dân; góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp.
Hiện nay, tại Điện Biên, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật đã được kiện toàn từ cấp tỉnh đến cấp xã và các ngành, hiệu quả hoạt động ngày càng được nâng lên.
Có thể nói, trong những năm gần đây, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh ngày càng được đẩy mạnh, luôn có sự đổi mới về hình thức và biện pháp, phù hợp với từng vùng, từng địa phương. Do đó, chất lượng ngày càng được nâng lên và đã thu hút được sự tham gia của đông đảo đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tổ chức bộ máy làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và đội ngũ tuyên truyền viên đã được củng cố, kiện toàn, hàng năm đều được tập huấn kỹ năng, bồi dưỡng cập nhật kiến thức pháp luật mới.
Một giải pháp tôi cho rằng rất quan trọng, đó là xây dựng và kiện toàn mạng lưới tuyên truyền viên pháp luật và các Tổ hòa giải ở cơ sở. Điện Biên có tới 21 dân tộc sinh sống, ngôn ngữ đôi khi cũng bất đồng, một cán bộ tư pháp có giỏi đến mấy cũng không thể biết hết tiếng của bà con dân tộc để nói cho bà con hiểu, chứ chưa nói nói đến việc tuyên truyền pháp luật để bà con làm theo mình. Bởi vậy, tại Điện Biên, mạng lưới các Câu lạc bộ, các Tổ hòa giải cơ sở đang từng bước được phủ sóng nhằm hỗ trợ người dân được tiếp cận và tìm hiểu pháp luật, góp phần nâng cao trình độ dân trí của nhân dân, giải tỏa những tranh chấp, vướng mắc pháp luật ngay tại cơ sở, giữ gìn đoàn kết cộng đồng. Tôi cho rằng, “cái bé” mà không làm tốt thì sẽ dẫn tới những hậu quả “to”. Mâu thuẫn ở cơ sở mà không được giải quyết tốt thì tình hình an ninh trật tự địa phương sẽ phải gánh thêm nhiều phiền phức. Đáng mừng là thời gian qua Điện Biên đã làm tương đối tốt công tác hòa giải ở cơ sở.
Cần tháo gỡ đồng bộ về con người và thể chế
PV: Là một tỉnh có tới gần 90% dân số thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí, bà nhìn nhận thế nào về những khó khăn của công tác này trên địa bàn tỉnh?
*. Nhận thức rõ hoạt động trợ giúp pháp lý là một chủ trương quan trọng của đảng và nhà nước ta, đặc biệt đối với tỉnh Điện Biên nên UBND tỉnh rất quan tâm tạo điều kiện cho trung tâm TGPL nhà nước của tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc kiện toàn cơ quan làm công tác TGPL cấp tỉnh và đã thành lập được 2 chi nhánh tại huyện Tuần Giáo và Mường Chà. Tỉnh cũng đã có quyết định về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch mạng lưới Trung tâm TGPL nhà nước và chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2010 – 2015 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đến năm 2015, tại tất cả các huyện còn lại trên địa bàn tỉnh ( trừ huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ) đều thành lập chi nhánh của trung tâm.
Hàng năm, tỉnh luôn quan tâm giao đủ biên chế theo đề nghị của Sở Tư pháp, tuy nhiên, cái khó hiện nay là Trung tâm TGPL vẫn chưa tuyển dụng đủ biên chế theo kế hoạch được giao do thiếu nguồn cán bộ có đủ tiêu chuẩn.
Chúng tôi cũng xác định, công tác TGPL thời gian tới cần phải tiếp tục tăng cường, hướng mạnh về cơ sở, trở thành cầu nối giữa nhân dân với chính quyền thì mới đáp ứng được nhu cầu, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
PV: Bà đã trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau và phần lớn đều là những công việc liên quan đến pháp luật trước khi đảm nhận cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh, theo đánh giá của bà, trong công tác tư pháp, nhất là tư pháp cơ sở, đâu là những tồn tại cần khắc phục?
*. Theo tôi, có một số hạn chế đang ảnh hưởng tới hiệu quả công tác tư pháp, đó là tình trạng chất lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành còn thấp, chưa chủ động, kịp thời; chậm cụ thể hóa các văn bản pháp luật của cấp trên. Bên cạnh đó, một số vấn đề bức xúc, ảnh hưởng ngay tới đời sống của người dân lại chậm được phát hiện.
Với tư pháp cơ sở thì hiệu quả hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp đông nhưng chưa mạnh, chưa có cơ chế vận hành đội ngũ này tham gia thường xuyên, chủ động trong thực hiện các Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật. Ngoài ra cũng phải kể đến một số bất cập trong hoạt động bổ trợ tư pháp, khiến công tác này chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, đặc biệt là công tác hành chính tư pháp còn nhiều yếu kém, nhất là nghiệp vụ chứng thực và hộ tịch ở cơ sở.
Những vướng mắc này có lẽ không phải chỉ Điện Biên gặp phải mà tôi cho rằng đó là những khó khăn chung của tư pháp cơ sở và cần phải sớm có những giải pháp đồng bộ để tháo gỡ.
PV: Xin cảm ơn bà!
Hồng Thúy