Thu hút và giữ chân người tài - một vài trăn trở và kiến nghị

15/11/2010
Cho đến nay, có nhiều cách tiếp cận khác nhau về khái niệm nhân tài - người tài, trong từng quốc gia, từng ngành nghề, lĩnh vực. Tuy nhiên, hiểu một cách chung nhất nhân tài là những người có tri thức, học thức, có năng lực, tư cách, có thể tiến hành lao động sáng tạo, có khả năng làm việc hiệu quả, có thể đóng góp, cống hiến, và ảnh hưởng nhất định cho sự phát triển kinh tế và xã hội của từng quốc gia hay sự phát triển của từng ngành nghề, lĩnh vực.

Ở nước ta, công tác đào tạo và tuyển lựa người tài cho bộ máy hành chính đã được quan tâm, thực hiện từ năm 1070 khi nhà Lý dựng Văn Miếu, năm 1075 mở khoa thi đầu tiên để lựa chọn nhân tài, tiếp theo, năm 1076 mở Quốc Tử Giám để đào tạo, bồi dưỡng nhân tài…

Ngày nay, công tác đào tạo bồi dưỡng, thu hút và giữ chân người tài công tác trong bộ máy hành chính nhà nước vẫn tiếp tục là vấn đề giành được nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, khi đất nước bước vào ngưỡng cửa hội nhập,  sự chuyển dịch “chất xám” từ khối hành chính nhà nước đến khu vực tư ngày càng rõ nét. Hiện tượng công chức có năng lực, trình độ, có chí tiến thủ xin thôi việc, bỏ việc, xin chuyển công tác đã trở thành một làn sóng khá phổ biến. Chỉ tính riêng thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2003 đến năm 2007, trung bình mỗi năm có 1.500 cán bộ, công chức chủ động bỏ nhiệm sở chuyển sang khu vực ngoài nhà nước. Trong các ngành nghề, các ngành có hiện tượng chảy máu chất xám nhiều nhất là ngành tài chính, ngân hàng, giáo dục, y tế… Nhìn chung, có thể nhận định một số nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng nói trên như sau:

1- Thu nhập chưa đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống:

Chế độ tiền lương và đãi ngộ vật chất còn nhiều bất hợp lý và chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống. Cơ chế cào bằng trong lĩnh vực tiền lương còn khá đậm nét, chưa đủ lực để khuyến khích công chức lao động sáng tạo và nghiêm túc. Một công chức tốt nghiệp thạc sỹ, tiến sỹ ở nước ngoài khi trở về công tác chỉ có mức thu nhập từ 2.0 - 2.5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, ngay sau khi tốt nghiệp trở về, công chức đó có thể được các công ty “mời chào” với mức lương từ 1.200 -1.500 USD/tháng. Chính sự chậm trễ trong cải cách chế độ tiền lương, chế độ đãi ngộ vật chất và sự chênh lệch quá lớn trong khả năng thu nhập này đã làm nản lòng, dẫn đến sự ra đi của nhiều công chức.

2- Môi trường làm việc còn nhiều bất cập:

Có thể nói, thu nhập là một yếu tố hết sức quan trọng để thu hút và giữ chân người tài, tuy nhiên, đó không phải là yếu tố quyết định trong việc giữ chân người tài (Tại Nhật Bản và nhiều quốc gia khác, thu nhập của công chức vẫn thấp hơn khu vực tư nhân). Một trong những nguyên nhân “hắt hủi người tài” quan trọng khác là do môi trường làm việc còn chưa thực sự tạo cơ hội thuận lợi cho người có năng lực thanh thản lao động và cống hiến, thậm chí còn gây nhiều áp lực đè nặng lên những người thực sự có tài, có tâm. Công tác đánh giá công chức còn được thực hiện hình thức, cào bằng, chưa thực sự tôn vinh người có cống hiến. Công tác quy hoạch nguồn công chức lãnh đạo còn mang tính cục bộ, khép kín, mang nặng tư duy níu kéo, thiếu sự tìm tòi, đột phá. Công tác đề bạt, bổ nhiệm còn quá phụ thuộc vào quy trình bỏ phiếu tín nhiệm, mang nặng tư duy xếp hàng, sống lâu lên lão làng mà chưa thực sự tạo được một cơ chế chọn ưu thông qua cạnh tranh công bằng. Áp lực, sự đố kỵ từ những đồng nghiệp không đủ các phẩm chất cần thiết cho công tác chuyên môn…

  Trong thực tế, với những người có tâm huyết, muốn cống hiến chỉ đòi hỏi được đánh giá công bằng, đúng năng lực và bố trí đúng công việc. Là trí thức, với lòng tự trọng, những công chức có năng lực sẽ tìm một miền đất mới nơi mà họ được phát huy được tối đa năng lực và sở trường của mình. Chính vì vậy, khu vực hành chính công không thể là vũng ao tù với những người an phận mà khu vực này cần phải được tổ chức như một một nơi quy tụ được những giá trị sống tốt đẹp nhất, tạo dựng một môi trường làm việc hiệu quả nhất để thu hút và giữ chân người tài.

3- Nguy cơ tụt hậu trong tiếp thu những kiến thức mới:

Đối với những công chức có năng lực, nhu cầu cập nhật kiến thức mới là hết sức thiết yếu. Tuy nhiên, do quá trình sắp xếp, bố trí công việc trong tổ chức không hợp lý, một số lãnh đạo chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện cho công chức được tham gia các hội thảo, các khoá bồi dưỡng nên yêu cầu cập nhật, tiếp thu kiến thức mới không được đáp ứng. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự ra đi của các công chức có năng lực.

Trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã dành nhiều quan tâm cho công tác thu hút và giữ chân người tài như thường xuyên tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, cử cán bộ, công chức đi học tập, bồi dưỡng, đề bạt bổ nhiệm công chức trẻ... Tuy nhiên, hiện tượng công chức có năng lực, có kinh nghiệm xin thôi việc hoặc thuyên chuyển công tác đang có xu hướng gia tăng trong thời gian qua. Những công chức này chủ yếu là những người đã được đào tạo chính quy trình độ thạc sỹ, tiến sỹ luật từ các quốc gia có hệ thống pháp luật phát triển như Úc, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản… Từ những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng chảy máu chất xám trong thời gian qua, Bộ Tư pháp cần tiếp tục có những chính sách đột phá hơn để tiếp tục thu hút, đào tạo, bồi dưỡng và giữ chân những công chức có trình độ và năng lực công tác và cống hiện cho Bộ.

Ths. Nguyễn Xuân Tùng

Tài liệu tham khảo:

1.     PGS.TS. Lê Minh Thông, TS. Nguyễn Danh Châu - Kinh nghiệm công tác nhân sự của một số nước - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia (năm 2009).

2.     PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều - Về chế độ công vụ Việt Nam - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia (năm 2007).