Một số ý kiến về đạo đức hành nghề công chứng

01/11/2010
Để lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, trong thời gian vừa qua Bộ Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm Dự thảo Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng

Tọa đàm đã thu được nhiều ý kiến bổ ích cho việc xây dựng Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng trong thời gian tới. Dưới đây xin được trích dẫn một số ý kiến bàn về đạo đức hành nghề công chứng mà chúng tôi thu nhận được qua Tọa đàm để bạn đọc tham khảo và có ý kiến cho việc xây dựng Dự thảo Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng được hoàn chỉnh, phù hợp đối với công chứng viên đang hành nghề công chứng trong giai đoạn hiện nay.

Trước khi trích dẫn các ý kiến bàn luận về vấn đề này cần phải thừa nhận  rằng: chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng đang được xã hội hoan nghênh, ủng hộ. Sau gần 3 năn thực hiện Luật công chứng đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận và hiệu quả. Việc quy định về đạo đức hành nghề công chứng là một trong những vấn đề cần thiết trong hoạt động công chứng. Bởi vì, hoạt động công chứng trong đó công chứng viên là người được Nhà nước giao quyền, thay mặt Nhà nước chứng nhận tính xác thực và tính hợp pháp của các hợp đồng, giao dịch bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc tổ chức, cá nhân tự nguyện yêu cầu công chứng. Thông qua hoạt động nghề công chứng, công chứng viên là người góp phần bảo vệ  pháp luật, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng khi tham gia giao kết các hợp đồng, giao dịch tại tổ chức hành nghề công chứng. Do vậy, việc tuân thủ hiến pháp, pháp luật; khách quan, trung thực; chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản công chứng; tuân theo đạo đức hành nghề công chứng là nguyên tắc không thể thiếu đối với hoạt động hành nghề công chứng của công chứng viên. Chính vì vậy, khi bàn về đạo đức hành nghề công chứng các ý kiến cho rằng:

- Nói đến đạo đức công chứng viên cần phải nói đến tính đặc thù của nghề công chứng. Công chứng gắn liền với giao dịch dân sự, kinh tế thị trường, công chứng là việc xác định mối quan hệ giữa các bên tham gia vào hợp đồng, giao dịch. Do vậy, đòi hỏi tính chuẩn mực, độ tin cậy, tính hợp pháp cao. Một xã hội muốn xác định nền kinh tế có lành mạnh hay không phải được thể hiện qua các giấy tờ công chứng viên đã chứng nhận. Trách nhiệm của công chứng viên trong hoạt động công chứng rất lớn vì phải độc lập tác chiến trong hành nghề. Công chứng viên tuy hành nghề cá nhân nhưng việc làm của công chứng viên mang tính chất công nên được pháp luật quy định gọi tên cho công việc này là “công chứng”. Từ “công” ở đây là lấy danh nghĩa xã hội không phải lấy danh nghĩa “tư”. Hành vi công chứng mang tính tập thể nhưng không phải một tập thể làm mà chỉ một cá nhân làm nhưng phải mang tính đại diện cho Nhà nước. Do vậy, Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng phải mang tính đặc thù của nghề nghiệp, phải có tính khách quan, vô tư, phải có độ tin cậy và tính xác thực trong nội dung của Quy tắc.

- Quy tắc được ban hành với tính chất pháp lý như thế nào? nếu là văn bản pháp luật xử lý thì cần quy định cụ thể, khác với quy định nghề nghiệp là mang tính chất hướng dẫn. Về nội dung của quy tắc có nên quy định đạo đức hành nghề công chứng cho hai loại hình là công chứng viên hiện đang là viên chức nhà nước và loại hình công chứng viên không phải là viên chức nhà nước không?

- Với tính cách là một nghề, công chứng đòi hỏi phải có các tiêu chuẩn đạo đức về nghề nghiệp phù hợp với đặc thù của mình để bảo đảm cho hoạt động công chứng ngày càng phát triển tốt hơn. Đạo đức hành nghề công chứng là sự thể hiện việc đáp ứng yêu cầu công chứng một cách đầy đủ, nhanh chóng và phù hợp các quy định của pháp luật.

- Đạo đức hành nghề công chứng phải thể hiện trong giao tiếp, ứng xử với đồng nghiệp, với người yêu cầu công chứng và sự vận dụng, áp dụng các quy định của pháp luật vào việc chứng nhận các hợp đồng, giao dịch.

- Nội dung Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng phải quy định để bắt buộc công chứng viên thực hiện đúng pháp luật khi hành nghề, phải thật sự khách quan, trung thực, không thiên vị, không vì lợi ích cá nhân, sự quen thân làm ảnh hưởng đến lợi ích người khác, không công chứng hợp đồng, giao dịch có nội dung trái đạo đức xã hội. Công chứng viên phải luôn coi trọng uy tín của mình đối với công việc chuyên môn, không thực hiện những hành vi làm tổn hại đến danh dự cá nhân, thanh danh nghề nghiệp, không sử dụng trình độ chuyên môn, hiểu biết của mình trong công việc để trục lợi, gây thiệt hại cho người yêu cầu công chứng.

- Việc xây dựng Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng là một trong bốn vấn đề quan trọng của Nguyên tắc hành nghề công chứng. Luật công chứng quy định, công chứng viên phải tuân theo đạo đức hành nghề công chứng, khi xã hội hóa hoạt động công chứng được đưa vào thực hiện thì đạo đức hành nghề công chứng là vấn đề đang được xã hội quan tâm.

- Hiện nay một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến hoạt động của công chứng viên nên việc ban hành Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng là rất cần thiết để nâng cao tính hiệu quả trong hoạt động công chứng, tính tự quản của công chứng viên, Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng cần mang tính quy phạm pháp luật.

- Đạo đức hành nghề công chứng là phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện để giữ gìn uy tín, thanh danh nghề nghiệp, xứng đáng với sự ủy thác của Nhà nước, sự tôn trọng và tin cậy của nhân dân.

- Nội dung Quy tắc dạo đức hành nghề công chứng phải quy định được sự chuẩn mực về phẩm chất, chuẩn mực về xử sự trong khi hành nghề. Sự chuẩn mực đó được thể hiện trong nhiều mối quan hệ như với đồng nghiệp, với cá nhân, tổ chức có yêu cầu công chứng. 

- Việc ban hành Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, tên gọi phải  tuân theo quy định tại Điều 11 Luật công chứng. Đạo đức nghề hành nghề công chứng cần có quy định về việc phấn đấu trau dồi phẩm chất, thường xuyên học tập nâng cao trình độ, tìm tòi nghiên cứu kiến thức về các lĩnh vực liên quan đến hoạt động nghiệp vụ chuyên môn; tích cực tham gia các hoạt động trao đổi kiến thứcỏitao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp, tôn trọng, bảo vệ danh dự, uy tín cho đồng nghiệp, có thái độ thân thiện, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ.

-  Đạo đức hành nghề công chứng phải bắt buộc được công chứng viên luôn thể hiện sự văn minh, lịch sự khi tiếp xúc với người dân, khi thực hiện việc công chứng, công chứng viên cần có thiện chí và phải tư vấn cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ về hệ quả pháp lý phát sinh sau khi hợp đồng, giao dịch được công chứng. Công chứng viên phải có trách nhiệm hướng dẫn cho người yêu cầu công chứng lựa chọn hình thức văn bản công chứng phù hợp để bảo đảm tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch.

- Đạo đức hành nghề công chứng viên là sự tận tình, hòa nhã giải đáp thắc mắc của người yêu cầu công chứng để họ hiểu đúng pháp luật, ý chí của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch phải phù hợp với các quy định của pháp luật. phải giải thích cho người yêu cầu công chứng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với nhà nước, về quyền được khiếu nại, tố cáo của người yêu cầu công chứng khi tham gia ký kết hợp đồng, giao dịch.

- Công chứng là dịch vụ công nên trong hoạt động hành nghề công chứng thì việc ban hành Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng là cần thiết. Việc hướng dẫn cho người dân thực hiện đúng pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội cần đưa vào trong nội dung quy tắc. Cần bổ sung thêm quy định về xử phạt, việc tổ chức thực hiện.

Trên đây là một số ý kiến về Tọa đàm Dự thảo Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng xin được giới thiệu để bạn đọc quan tâm tham khảo.

PT