Tiếp tục nâng cao “Hàm lượng công tác dân vận” trong các lĩnh vực công tác của ngành Tư pháp

26/10/2010
Trong bài báo “Sao cho được lòng dân” viết ngày 12/10/1945 và bài “Dân vận” viết ngày 15/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân thì việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.

Kế thừa tư tưởng dân vận - công tác vận động quần chúng - của Người, Đảng ta đã luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền và toàn xã hội, là nhân tố thắt chặt mối liên hệ máu thịt không thể tách rời giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Từ đó, Đảng ta xác định công tác dân vận là trách nhiệm của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị, của mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang.

Với phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, với chức năng tạo dựng sự đồng thuận của nhân dân với Đảng và chính quyền, công tác dân vận giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc gìn giữ sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Triển khai thực hiện Chỉ thị 18/2000/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân vận và Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị (Ban hành kèm theo Quyết định số 290/QĐ-TW ngày 25 tháng 02 năm 2010 của Bộ Chính trị), hưởng ứng “Năm công tác dân vận của chính quyền” do Ban Dân vận Trung ương phát động, Bộ Tư pháp đã xây dựng, triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác dân vận, đảm bảo công tác dân vận có nội dung thiết thực, hiệu quả, lan toả đến từng nội dung hoạt động của Ngành.

1. Công tác dân vận trong lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật:

Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã khẳng định yêu cầu xây dựng và hoàn thiện một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, đảm bảo thực hiện các quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, hướng tới mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Quán triệt nguyên tắc cơ bản của công tác dân vận coi lợi ích của quần chúng nhân dân là điểm xuất phát của công tác quản lý hành chính, Bộ Tư pháp đã tích cực tham gia công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là các quy định pháp luật nhằm tạo dựng hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh lành mạnh của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hoàn thiện các thể chế nhằm bảo vệ kịp thời, đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo vệ lợi ích quốc gia trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Thực hiện yêu cầu này, trong giai đoạn 2000-2010, Bộ Tư pháp đã xây dựng và trình Quốc hội ban hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, Luật Luật sư năm 2006, Luật Công chứng năm 2006, Luật Thi hành án dân sự năm 2008, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, Luật Lý lịch tư pháp năm 2009, Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2009, Luật Nuôi con nuôi năm 2010… Đặc biệt, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2004 đã thể chế hoá yêu cầu lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, tiếp thu ý kiến của nhân dân, đảm bảo cho các văn bản, chính sách phù hợp với thực tiễn, lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Cùng với công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp cũng tích cực tham gia cùng các Bộ ngành góp ý, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên phạm vi toàn quốc và các địa phương. Bộ Tư pháp đã kiến nghị huỷ bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật có nội dung vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như Quyết định ban hành Tiêu chuẩn sức khoẻ lái xe của Bộ Y tế, Thông tư số 09/2009 hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế của liên Bộ Y tế - Tài chính, Quyết định số 51/2009/QĐ-UBND ngày 22/1/2009 của UBND thành phố Hà Nội Ban hành “Quy định về quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố Hà Nội”…

Qua quá trình xây dựng, thực hiện, theo dõi thi hành, kiểm tra văn bản pháp luật, dư luận nhân dân đã bày tỏ sự đồng tình ủng hộ và đánh giá cao vai trò của Bộ Tư pháp trong việc góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, bảo vệ kịp thời các quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước.

2. Công tác dân vận trong cải cách hành chính các lĩnh vực công tác của ngành Tư pháp:

  Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước gắn với thực tiễn Chỉ thị số 18 những năm qua Bộ Tư pháp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi, dễ hiểu, dễ thực hiện; hạn chế những sách nhiễu gây phiền hà cho công dân và các tổ chức, góp phần làm trong sạch bộ máy, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước và đặc biệt giảm đáng kể những sách nhiễu, phiền hà, hách dịch, cửa quyền của đội ngũ cán bộ, công chức; giảm thiểu đáng kể sự can thiệp bằng các biện pháp hành chính của các cơ quan nhà nước vào các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng, giảm thiểu cơ chế “Xin, cho”, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ hành chính.

Với phương châm nói trên, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo, kiến nghị đơn giản hóa đối với 239 thủ tục hành chính theo các tiêu chí hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ trong tổng số 298 thủ tục hành chính được rà soát trong giai đoạn 2 (đạt 80%). Bộ Tư pháp đã niêm yết công khai thủ tục hành chính trên cổng giao tiếp điện tử; trên phương tiện thông tin đại chúng để các tổ chức và công dân biết, thực hiện và giám sát. Qua đó, hạn chế được sự đùn đẩy, né tránh của các cơ quan, đơn vị, của cán bộ, công chức. Nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần, thái độ phục vụ, ý thức tổ chức kỷ luật của đội ngũ cán bộ công chức, tạo sự nghiêm minh, nghiêm túc trong các cơ quan đơn vị. Đồng thời còn là cơ sở để nhân dân kiểm tra, giám sát và đánh giá được hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ngành.

Cùng với yêu cầu đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, để nâng cao chất lượng và hiệu quả phục vụ nhân dân trong các lĩnh vực hoạt động của Ngành Tư pháp, Bộ Tư pháp đang đẩy mạnh phân cấp quản lý cho các cơ quan tư pháp địa phương, thực hiện xã hội hoá một số lĩnh vực tư pháp còn gây nhiều bức xúc cho nhân dân. Trong lĩnh vực thi hành án dân sự, cùng với việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp đã hướng dẫn việc tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong lĩnh vực công chứng, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ chủ trương cho phép thành lập các văn phòng công chứng. Trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách, Bộ Tư pháp thành lập mạng lưới cộng tác viên trợ giúp pháp lý…Cùng với công tác xã hội hoá, Bộ Tư pháp cũng đã báo cáo Chính phủ đẩy mạnh công tác phân cấp, giảm tải công việc để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân như phân biệt bản chất giao dịch dân sự của hoạt động công chứng và bản chất quản lý hành chính của hoạt động chứng thực, bãi bỏ quy định về giới hạn địa giới hành chính đối với công tác chứng thực của các Uỷ ban nhân dân cấp xã. Trước yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, để đảm bảo trách nhiệm của Nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước trước nhân dân, Bộ Tư pháp đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước trong thực tế.

Yêu cầu cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân cũng được Bộ Tư pháp đưa thành nguyên tắc trong các lĩnh vực quản lý luật sư, tư vấn pháp luật,  giao dịch bảo đảm, trọng tài thương mại, bán đấu giá tài sản, giám định tư pháp, hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp…

3. Công tác dân vận trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và hoà giải ở cơ sở:

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hoà giải ở cơ sở được Bộ Tư pháp xác định là một trong những nội dung quan trọng của công tác dân vận, là một bộ phận không thể thiếu của công tác giáo dục chính trị tư tưởng.

Trong 10 năm qua, công tác PBGDPL đã ngày càng phủ rộng đối tượng được tuyên truyền PBGDPL, trong đó tập trung vào 5 nhóm đối tượng cần ưu tiên là nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ; cán bộ, công chức; thanh thiếu niên; người lao động, người quản lý; cán bộ công đoàn và lực lượng vũ trang nhân dân. Đổi mới phương pháp, đa dạng nội dung phổ biến, tuyên truyền đã giúp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gần gũi hơn với người dân. Mọi đối tượng thuộc các tầng lớp nhân dân thuộc nhiều vùng miền khác nhau đều được tuyên truyền các văn bản pháp luật phù hợp với đối tượng đó. Thông qua tuyên truyền, thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật, cán bộ, nhân dân được tìm hiểu, học tập pháp luật thuận lợi, kịp thời hơn; nhận thức pháp luật của nhân dân có chuyển biến rõ nét. Ở nhiều địa phương, tình hình khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp, sai pháp luật có chiều hướng giảm. Việc định hướng nội dung pháp luật cần tuyên truyền về cơ bản là phù hợp, đã bám sát các chủ trương, chính sách lớn của Đảng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương.

Trong 10 năm qua, công tác tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở trên toàn quốc đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hoà giải thành ở cơ sở đạt tỷ lệ cao, có nơi tới trên 90%. Tính đến hết tháng 6/2008, trên toàn quốc đã có 120.462 tổ hòa giải/128.425 thôn, tổ dân phố với 623.157 hòa giải viên. Chất lượng của đội ngũ hòa giải viên ngày càng được nâng cao. Trong số 623.157 hòa giải viên có 375.140 người có trình độ văn hóa từ trung học cơ sở trở lên, và 123.807 người có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên. Theo số liệu báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì tính từ năm 1999 đến năm 2008, tổng số vụ nhận hòa giải là 3.899.745 vụ, đã hòa giải thành 3.131.575 vụ đạt tỷ lệ 80.3%. Có thể nói, công tác hòa giải đã góp phần tích cực phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, hạn chế số lượng lớn các vụ việc không phải đưa ra giải quyết tại tòa án, các cơ quan nhà nước, tiết kiệm được công sức, tiền bạc của nhân dân, giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho ngân sách, củng cố, góp phần giữ gìn tình đoàn kết, tương thân, tương ái, gắn bó trong nội bộ quần chúng nhân dân, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội.

4. Công tác dân vận trong thực hiện quy chế dân chủ, quy chế công khai minh, bạch tài chính, quy chế tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo:

Để cụ thể hoá các phương thức dân vận, phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, nâng cao chất lượng công các phối hợp, lãnh đạo trong công tác dân vận,  Bộ Tư pháp đã xây dựng và ban hành Quyết định số 05/2006/QĐ-BTP ngày 21 tháng 6 năm 2006 ban hành Quy chế tiếp công dân của cơ quan Bộ Tư pháp, Quyết định số 02/2007/QĐ-BTP ngày 17 tháng 5 năm 2007 ban hành Quy chế thực hiện dân chủ của Bộ Tư pháp, Quyết định số 08/2007/QĐ-BTP ngày 16 tháng 7 năm 2007 ban hành Quy tắc công khai, minh bạch trong các lĩnh vực hoạt động của ngành Tư pháp, Quyết định số 06/2007/QĐ-BTP ngày 26 tháng 7 năm 2007 ban hành Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ Tư pháp, Quyết định số 880/QĐ-BTP ngày 28 tháng 4 năm 2009 ban hành Quy chế làm việc của Bộ Tư pháp, Quyết định số 86/QĐ-BTP ban hành Quy chế văn hoá công sở Bộ Tư pháp, Quyết định số 468/QĐ-BTP ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức Bộ Tư pháp… Qua quá trình triển khai thực hiện các quy chế nói trên, Bộ Tư pháp đã phát huy được tinh thần đoàn kết chặt chẽ, sức mạnh tập thể của đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tư pháp, phát huy tính sáng tạo của cá nhân, tinh thần trách nhiệm, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ Bộ, ngành được giao.

5. Một số kiến nghị:

Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế, chính quyền giữ một vai trò quan trọng trong công tác dân vận của cả hệ thống chính trị. Để đáp ứng yêu cầu của công tác dân vận chính quyền trong thời kỳ mới, Bộ Tư pháp cần tập trung vào một số nội dung sau:

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác dân vận trong các lĩnh vực công tác của ngành Tư pháp, đặc biệt là trong một số lĩnh vực còn nhiều phản ánh của quần chúng nhân dân. Phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cơ quan, từng cá nhân trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác dân vận. Cần đưa nội dung thực hiện công tác dân vận thành một tiêu chí bình xét đánh giá thi đua khen thưởng và đánh giá nhận xét cán bộ, công chức hàng năm.

- Cần tiếp tục mở rộng và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh”, các phong trào thi đua yêu nước để vận động, tập hợp, động viên, phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong các tầng lớp nhân dân, nâng cao trình độ dân trí; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ, công chức toàn ngành, nâng cao nhận thức, quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng nhân dân, về quan điểm “Lấy dân làm gốc” của Đảng về vai trò của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

- Kiến nghị tiếp tục hoàn thiện cơ chế công khai, minh bạch, luật hoá và bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền tự do, dân chủ của nhân dân trong các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội như quyền tiếp cận thông tin, quyền tham gia phúc quyết các chủ trương, chính sách phát triển lớn của Đảng và Nhà nước. Hoàn thiện các cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử, quyền trực tiếp giám sát, kiểm tra của công dân đối với các hoạt động của cơ quan, cán bộ, công chức; mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia vào công việc của Nhà nước.

Ths. Nguyễn Xuân Tùng

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ Chí Minh - Bàn về Nhà nước và Pháp luật - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia (năm 2005).

2. PSG.TS. Dương Xuân Ngọc – Quan điểm và nguyên tắc chỉ đạo tiến hành công tác dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh - Tạp chí Dân vận (Tháng 10 năm 2005).

3. Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị (Ban hành kèm theo Quyết định số 290/QĐ-TW ngày 25 tháng 02 năm 2010 của Bộ Chính trị).