Giải quyết khiếu nại hành chính: Cơ chế tài phán hành chính có ưu việt?

21/06/2010
Ở nước ta hiện nay, hoạt động giải quyết các khiếu nại và khiếu kiện hành chính đang được thực hiện bởi 2 cơ chế là hành chính và tư pháp. Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động này, vài năm gần đây, Việt Nam đã nghiên cứu giải quyết bằng cơ chế tài phán hành chính (TPHC). Nhưng cơ chế TPHC có phải là giải pháp tối ưu?

Từng được kỳ vọng

Mỗi năm, cơ quan hành chính nhà nước các cấp phải tiếp nhận và giải quyết hàng chục nghìn vụ khiếu nại. Chỉ tính riêng 3 năm 2006 - 2008, các cơ quan hành chính đã nhận được 303 nghìn đơn khiếu nại về gần 235 nghìn vụ việc. Cụ thể, UBND các cấp đã tiếp nhận hơn 214 nghìn đơn về hơn 182 nghìn vụ việc, các Bộ ngành tiếp nhận gần 89 nghìn đơn về khoảng 53 nghìn vụ việc.

Trong khi đó, số lượng các vụ kiện hành chính được giải quyết tại TAND chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với các khiếu nại tại cơ quan hành chính nhà nước. Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2008 cho biết, tại 28 tỉnh, trong số xấp xỉ 57 nghìn vụ việc khiếu nại hành chính đã giải quyết thì chỉ có 310 vụ việc công dân khởi kiện ra tòa án.

Trước thực tế như vậy, Chính phủ đặt vấn đề cần thiết phải thành lập thêm loại TPHC (mới) trong hệ thống cơ quan hành pháp và Đề án thành lập TPHC trong hệ thống hành pháp đã ra đời năm 2006. Theo Đề án, hệ thống cơ quan TPHC được tổ chức độc lập với các Bộ và UBND các cấp dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bao gồm: Cơ quan TPHC Trung ương; Cơ quan TPHC vùng thành lập ở 3 miền Bắc, Trung, Nam; Cơ quan TPHC khu vực (từ 3 - 5 huyện lập một cơ quan).

Đề án được khởi động với kỳ vọng làm cho hoạt động giải quyết khiếu nại hành chính có kết quả cao hơn bằng việc tách hoạt động hành chính ra khỏi hoạt động giải quyết khiếu nại hành chính ngay trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước. Có nghĩa giúp cho các cơ quan bị khiếu nại cứ làm công việc quản lý của mình không phải “bận” vào các việc giải quyết khiếu nại nữa. Mặt khác, việc giải quyết khiếu nại sẽ khách quan hơn.

TPHC khó là con đường sáng!

Ban soạn thảo Đề án diễn giải, hoạt động của cơ quan TPHC khá hiệu quả, việc giải quyết của thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước thường chỉ được coi là một giai đoạn tự xem xét lại quyết định, hành vi của mình bị khiếu nại và không khác nhiều so với các thủ tục hành chính thông thường. Ngoài ra, TPHC là việc giải quyết các khiếu nại hành chính được thực hiện bởi các cơ quan chuyên trách thuộc hệ thống hành pháp theo trình tự, thủ tục có tính chất tư pháp. PGS - TS Nguyễn Như Phát (Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật) rất băn khoăn về cách diễn giải trên khi chưa có điều kiện nào để thẩm định. Không những thế, ông cũng không hiểu tại sao một cơ quan thuộc hệ thống hành pháp lại áp dụng thủ tục tư pháp trong hoạt động của mình.

PGS - TS Vũ Thư (Viện Nhà nước và Pháp luật) khẳng định, chắc chắn cơ quan tài phán hành chính không thể hoạt động như một cơ quan tư pháp trong lòng hệ thống cơ quan hành chính nhà nước. Vì đây là cơ quan hoạt động có tính chất xét xử, mà đã xét xử thì phải thuộc thẩm quyền của tòa án theo quy định của Hiến pháp. “Hay là Việt Nam muốn thành lập hai mô hình tài phán để trở thành nước giật giải “quán quân” về tổ chức nền TPHC đồ sộ và đắt đỏ nhất thế giới?”, ông Thư thắc mắc.

Bản thân cơ quan chủ trì xây dựng Đề án - Thanh tra Chính phủ, trong quá trình nghiên cứu, cũng đã nhận thấy những hạn chế của việc thành lập các cơ quan TPHC. Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Văn Kim nhận định, xây dựng hệ thống cơ quan TPHC tức là hình thành một hệ thống cơ quan mới trong hành pháp là vấn đề rất phức tạp, liên quan đến các quy định của Hiến pháp, tổ chức bộ máy, cán bộ, điều kiện cơ sở vật chất… Vì vậy, trong một phiên họp Thường trực Chính phủ gần đây, Thủ tướng đã kết luận rằng không thành lập cơ quan TPHC thuộc hệ thống cơ quan hành pháp; giao TTCP dự thảo Báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về định hướng cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính.

Cẩm Vân

Hãy kiện toàn những gì đang có: Rất nhiều chuyên gia kiến nghị, trước khi có được những giải pháp mạnh mẽ, tích cực nhằm đổi mới toàn diện hệ thống TPHC, Việt Nam nên kiện toàn tổ chức hệ thống tòa án; mở rộng thẩm quyền xét xử đối với các khiếu kiện hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền khởi kiện hành chính, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và các cơ quan công quyền trước tòa án.