Ở thời điểm này khi dịch vụ pháp lý của luật sư (LS) đã dần trở nên quen thuộc với người dân, nên chăng Việt Nam cũng cần tính đến việc xây dựng đội ngũ LS công trợ giúp pháp lý (TGPL).
Nhiều lợi ích thiết thực
So sánh hệ thống TGPL của một số nước trong khu vực và trên thế giới, một chuyên gia pháp lý đã đúc rút được nhiều ưu điểm nổi bật của mô hình LS công (một số nước gọi là LS nhà nước). Theo ông, điểm nổi bật đầu tiên của mô hình LS công chính là tiết kiệm chi phí cho nhà nước. Ông phân tích, LS công được tuyển dụng vào tổ chức TGPL và là công chức nhà nước, được trả lương cố định hàng tháng, hưởng các chế độ của một công chức như bảo hiểm, phụ cấp, nghỉ phép, được đào tạo, bồi dưỡng… và chịu sự điều chỉnh của các quy tắc đạo đức nghề nghiệp nhất định. Chi phí mà nhà nước đầu tư để duy trì và phát triển đội ngũ LS công là tương đối ổn định, bản thân các LS công không tự ý nâng chi phí lên. Ngoài ra, nhà nước không phải trả chi phí cho những công việc hành chính như việc xác nhận của các thẩm phán, công tố viên và điều tra viên về thời gian các LS sử dụng để thực hiện các hành vi tố tụng, thu thập các chữ ký và con dấu cũng như trả lương cho các cán bộ nhà nước để họ xử lý các chứng từ đề nghị thanh toán của các LS.
Qua thực tế nghiên cứu, thử nghiệm áp dụng mô hình LS công, nhiều nước cũng nhận thấy đây là một mô hình hiệu quả, thể hiện nhiều ưu điểm so với mô hình LS chỉ định cũng như LS tư thực hiện TGPL. Đó là các lợi thế như tạo ra môi trường cạnh tranh giữa LS công và LS tư tiết kiệm nguồn nhân lực đối với công tác quản lý LS; tăng tính chủ động, kịp thời cho việc thực hiện chức năng TGPL của nhà nước trong tư vấn, bào chữa, đại diện và giúp đỡ pháp luật cho đối tượng TGPL; tăng tính giám sát đối với hoạt động tư pháp thông qua sự tham gia các quy trình tố tụng của LS công một mặt giúp người nghèo, mặt khác giúp khắc phục sự lạm quyền, cố ý làm trái, gây oan sai trong hoạt động tư pháp…
Việt Nam nên hay chưa?
Quay trở lại với năm 2005 - thời điểm mà Quốc hội thảo luận Luật LS, chúng tôi được biết rằng Quốc hội đang đứng trước lựa chọn có nên có LS công hay không. Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - TS luật Trần Ngọc Đường (đại biểu Kiên Giang) đã làm cả hội trường ngạc nhiên khi lên tiếng ủng hộ việc có LS trong các cơ quan, tổ chức nhà nước (lúc này tạm gọi là LS công). Ông Đường nhấn mạnh, TGPL đang trở thành một xu thế tiến bộ trên thế giới và ở Việt Nam cũng vậy, nhất là TGPL cho người nghèo. Qua đây thấy rằng Nhà nước cần có đội ngũ LS của mình để bào chữa giúp người nghèo.
Ngược lại, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thế Vượng cũng đưa một số lý do để chứng minh vì sao “không nên có” LS công, cũng như không nên đặt ra vấn đề này trong dự án Luật LS. Theo ông Vượng, LS hoạt động với tính chất người làm nghề tự do và được quản lý theo tổ chức nghề nghiệp của họ, có sự chi phối bởi điều lệ. Trong khi pháp lệnh về công chức (nếu chế định được thông qua, LS công sẽ trở thành công chức) có nhiều điểm khác với đối tượng người hành nghề tự do.
Theo dõi diễn biến bên ngoài nghị trường cũng có ý kiến ủng hộ quan điểm của ông Đường. Mặc dù là người ngoài cuộc và không am hiểu nhiều về lĩnh vực luật sư nhưng theo nhận định của bạn đọc Trí Nghĩa, ở các nước tiên tiến LS công đã có từ lâu. “Ở nước ngoài, người dân hành xử khác nước ta, chỉ cần có vấn đề là họ nhờ LS ngay. Do đó, công tác xét xử cũng nhanh mà người nghèo cũng được lợi. Riêng ở ta, đa số dân có mức thu nhập thấp nên chuyện thuê LS là chuyện xa vời, nếu không muốn nói là không thể”, Trí Nghĩa tâm tư. Từ đánh giá trên, Nghĩa đề nghị, cần nghiên cứu ngay việc thành lập LS công cho dù trong thực tế công tác tố tụng của chúng ta chưa có tiền lệ tồn tại LS công. Nếu được như vậy thì người nghèo, người thu nhập thấp sẽ hưởng được những đặc quyền mà xã hội ưu ái và đó là việc làm đáp ứng được lòng mong đợi của xã hội.
Cục trưởng Cục TGPL Tạ Thị Minh Lý nhớ lại, sau khi Luật TGPL được thông qua, Phó Chủ tịch Quốc hội hội Nguyễn Văn An lúc đó đã khẳng định, trong một chừng mực nào đó, việc chưa phân biệt LS công – tư còn dễ hiểu. Khi nhận thức của người dân, các bộ đã chín muồi thì chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi. “Người có điều kiện được sử dụng LS, còn người nghèo thì dùng trợ giúp viên pháp lý, nghe sao mà mủi lòng trong khi bản chất chính của trợ giúp viên cũng là làm dịch vụ của LS”, bà Lý chia sẻ.
LS Đào Ngọc Lý (Trưởng Văn phòng LS Đào Ngọc Lý): “Theo tôi là thừa và không cần thiết”
Luật LS có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007 đã quy định nhiều vấn đề quan trọng đối với LS và hành nghề LS như quyền và nghĩa vụ của LS, tiêu chuẩn, chức năng xã hội của LS, nguyên tắc hành nghề LS... nhằm đảm bảo việc trợ giúp pháp lý của LS cho các cá nhân và tổ chức trong xã hội ngày càng tốt hơn. Đối với hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí của LS cũng được khẳng định một cách rõ nét tại Điều 8 Luật LS: “Nhà nước khuyến khích LS và tổ chức hành nghề LS tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí”.
Như vậy, việc luật sư TGPL miễn phí cho các cá nhân và tổ chức đã được đảm bảo bằng pháp luật. Bởi vậy, nếu chúng ta đưa thêm chế định “LS công” thì có lẽ là thừa và không cần thiết, chưa nói là ở một khía cạnh nào đó có thể mang đến tác dụng ngược lại, làm hạn chế và cản trở hoạt động TGPL miễn phí vốn dĩ đang rất cần được khuyến khích và phát triển trong giai đoạn hiện nay.
Thừa là bởi cả trên phương diện lý luận cũng như thực tiễn đã thấy không cần thiết sự có mặt của chế định này. Khi có chế định “LS công”, dễ buộc người ta phải hiểu đã có sự khoanh vùng và chuyên biệt đối với LS thành hai nhóm là “LS công” và “không phải LS công”. Vậy những LS không thuộc nhóm “LS công” nếu gặp những tình huống cá nhân hoặc tổ chức có nhu cầu cần TGPL miễn phí thì rõ ràng là họ sẽ không thật thoải mái và hào hứng để TGPL miễn phí như trước kia nữa. Vô hình chung, chế định “LS công” đã đẩy số LS có kinh nghiệm và tâm huyết này ra xa hơn đối với hoạt động TGPL miễn phí.
Ngoài TGPL miễn phí cho người dân, số LS hàng năm phải đáp ứng yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số thành phố khác là rất lớn. Hoạt động trợ giúp này không phải bây giờ mới xuất hiện, nó diễn ra thường xuyên, liên tục từ khi có chế định LS theo Pháp lệnh LS năm 1987. Tôi vẫn nhớ một câu chuyện xảy ra cách đây khoảng 20 năm: có một đồng nghiệp khi ấy mới tham gia Đoàn LS TP Hà Nội đã phải tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng (mà ta quen gọi là vụ việc chỉ định) là 60 vụ việc trong 1 năm.
Quan điểm của tôi là, Luật LS đã quy định rõ, vấn đề là tạo môi trường và những yếu tố mang tính chất xã hội để tạo điều kiện khuyến khích các LS tích cực tự giác thực hiện công việc này. Các yếu tố tinh thần đối với LS rất cần được coi trọng, chẳng hạn như việc tôn vinh LS cần được quan tâm một cách thường xuyên và thoả đáng hơn nữa để LS có thêm nhiều tâm huyết tham gia TGPL miễn phí cho xã hội.
Với ý kiến cho rằng ở một số nước khác đã có chế định “LS công” còn ở ta thì sao? Tôi nghĩ không nên áp dụng một cách máy móc cứng nhắc vấn đề này vì đặc điểm kinh tế xã hội của họ khác biệt rất lớn đối với chúng ta. Ngay hệ thống LS ở Việt Nam cũng mới hình thành và phát triển sau khi có Pháp lệnh LS năm 1987, còn ở nhiều nước khác hoạt động LS đã hoạt động chuyên nghiệp từ hàng trăm năm rồi. |