Thi hành Luật Cán bộ, công chức: Ai là công chức? (Bài 2)

11/01/2010
Luật Cán bộ, công chức có tất cả 12 Nghị định hướng dẫn thi hành luật. Trong đó, có hai Nghị định đặc biệt thu hút được sự chú ý của CB-CC cũng như dư luận xã hội xoay quanh vấn đề xác định những người là công chức và hoạt động thanh tra công vụ.

Đơn vị sự nghiệp công lập có công chức không?

Hiện nay dự thảo Nghị định quy định những người là công chức đang trong quá trình chấp bút, nhưng đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm vì đúng như tên gọi, Nghị định sẽ chỉ ra nhưng người sẽ được gọi là công chức trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, trong cơ quan, đơn vị thuộc QĐND (mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng), trong cơ quan, đơn vị thuộc CAND (mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp) và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (gọi tắt là đơn vị sự nghiệp công lập).

Cũng từ quy định của Nghị định, vấn đề “đơn vị sự nghiệp có công chức không” - vốn là vấn đề hiện nay đang có nhiều tranh luận từ các nhà làm luật cũng như từ chính những người đang làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập - sẽ được hóa giải. Theo đó, câu trả lời là có, nhưng chỉ giới hạn trong một số vị trí.

Bên cạnh, người đứng đầu, cấp phó các đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước cấp ngân sách hoạt động và trực thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBTVQH, Chính phủ, Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Kiểm toán Nhà nước, Bộ, cơ quan ngang Bộ... là công chức, thì công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập được giao quản lý Nhà nước bao gồm người làm việc trong bộ máy lãnh đạo hoặc người giữ các vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ quản lý Nhà nước. Như vậy, có thể hiểu những người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp tự đảm bảo không phải là công chức, mà là viên chức quản lý được phân loại theo vị trí viên chức quản lý và viên chức thừa hành.

Thanh tra công vụ - “cảnh sát” của cán bộ, công chức

Có thể khẳng định ngay “thanh tra công vụ” là một cụm từ hoàn toàn mới và chưa hề có được nhắc đến trong hệ thống pháp luật Việt Nam kể cả Luật Thanh tra hiện hành. Phục vụ cho mục tiêu tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức và quản lý các hoạt động liên quan đến công vụ, công chức, xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân, từng bước đổi mới cơ chế quản lý công chức phù hợp với thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước, Điều 74, 75 Luật CB-CC đã đề cập tới vấn đề thanh tra công vụ. Tuy nhiên, do trong luật không định nghĩa về thanh tra công vụ nên trong dự thảo Nghị định quy định về hoạt động thanh tra công vụ cũng hề không đả động thế nào là thanh tra công vụ.

Dự thảo Nghị định chỉ quy định thanh tra công vụ có nhiệm vụ thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của CB-CC theo quy định của Luật CB-CC hoặc do cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền giao hoặc theo nội quy, quy chế làm việc của cơ quan tổ chức. Ngoài ra, thanh tra công vụ còn chịu trách nhiệm thanh tra cả việc thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, biệt phái, miễn nhiệm, xử lý kỷ luật công chức, thực hiện đạo đức, văn hóa giao tiếp trong thi hành công vụ của công chức... Đối tượng của thanh tra công vụ là CB-CC thuộc sự quản lý trực tiếp của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Giám đốc Sở, Chủ tịch UBND tỉnh, huyện, quận, thị xã, thành phố....

Người có thẩm quyền thực hiện thanh tra công vụ được chia thành các cấp như thanh tra Bộ, thanh tra Bộ Nội vụ, thanh tra Sở, thanh tra Sở Nội vụ, thanh tra tỉnh và thanh tra huyện. Thẩm quyền của thanh tra Bộ Nội vụ và thanh tra Sở Nội vụ được mở rộng hơn do thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành việc thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, biệt phái, miễn nhiệm, xử lý kỷ luật công chức...Hoạt động thanh tra công vụ tiến hành theo kế hoạch hoặc đột xuất vi phát hiện có vi phạm.

Như vậy, có thể nói “thanh tra công vụ” không chỉ là một hoạt động thanh tra hoàn toàn mới mà còn rất rộng và có thể hiểu nôm na đây chính là lực lượng “cảnh sát” giám sát các hoạt động của bản thân CB-CC cũng như liên quan tới CB-CC để đảm bảo đúng luật, kỷ cương công vụ. Vì thế, nên quá trình và hiệu quả thực hiện như thế nào vẫn chưa thể khẳng định, nhất là khi Luật Thanh tra hiện hành cũng bắt đầu được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn. Nhưng, theo ông Lê Trọng Vinh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Nội vụ đây là hoạt động nhất thiết phải có xuất phát trên quan điểm thanh tra công vụ hết sức quan trọng nhằm bảo vệ và giữ gìn trật tự, kỷ cương của hoạt động công vụ.

Xuân Hoa

“Đơn vị sự nghiệp công lập nói tại Nghị định này là các tổ chức được cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội thành lập và quản lý theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản, hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học, văn hóa, thể dụng thể thao, lao động - thương binh và xã hội, thông tin truyền thông và các lĩnh vực sự nghiệp khác được pháp luật quy định” (Khoản 3 Điều 6 Dự thảo Nghị định quy định những người là công chức)