Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đánh giá về 02 năm thực hiện Luật Công chứng: “Thuận” cho nhà nước, “lợi” cho dân!

10/01/2010
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đánh giá về 02 năm thực hiện Luật Công chứng: “Thuận” cho nhà nước, “lợi” cho dân!
Luật Công chứng (CC) và Nghị định số 79/2007/NĐ-CP (về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực (CT) bản sao từ bản chính, CT chữ ký), ngày càng khẳng định rõ hơn vai trò của hoạt động CC, CT ở nước ta. Nhằm đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất các giải pháp đổi mới hoạt động CC, CT, trong 2 ngày 13-14/01 (ở Hà Nội) và 16-17/01 (ở TP.HCM), Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 2 năm thực hiện Luật CC và Nghị định 79. Trước thềm Hội nghị, PV đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng xung quanh hoạt động CC,CT thời gian qua.

PV: Ông có đánh giá như thế nào về những kết quả đã đạt được của hoạt động CC,CT, nhất là từ sau khi có Luật CC và Nghị định 79?.

Thứ trưởng Đinh Trung Tụng: Thời gian triển khai thực hiện Luật CC và Nghị định 79 chưa nhiều, nhưng kết quả đạt được là rất đáng khích lệ, thể hiện trên nhiều mặt.

Bước đầu có thể sơ bộ đánh giá, Luật CC đánh dấu sự đổi mới căn bản về tổ chức và hoạt động CC. Nhờ có Luật, hoạt động CC đã được xã hội hoá, dịch vụ hóa, chuyên nghiệp hóa thể hiện ở tốc độ phát triển của các Văn phòng CC. Hơn 2 năm triển khai Luật CC đến nay đã có 123 Văn phòng CC. Con số này có ý nghĩa to lớn nếu so sánh với số lượng Phòng CC của Nhà nước có được trong 16 năm (kể từ 1991 đến nay là 131 Phòng). Việc phát triển các Văn phòng CC đã góp phần phục vụ kịp thời nhu cầu CC ngày càng tăng, trong khi không đòi hỏi sự đầu tư về ngân sách và biên chế của Nhà nước. Kết quả hoạt động CC còn góp phần đáng kể thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực này.

Hoạt động CT cũng đạt được những kết quả rất lớn về cả số lượng việc và lệ phí. Tuy nhiên, kết quả lớn nhất mà Nghị định 79 đem lại là thể hiện được tinh thần cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ trong lĩnh vực CT. Nghị định 79 đã tách hoạt động CC, phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền CT cho Phòng Tư pháp và UBND cấp xã nên đã giảm tải cho các Phòng CC, góp phần giúp cho các Phòng CC chuyển sang chuyên nghiệp hóa. Ngoài ra, Nghị định 79 cũng quy định trình tự, thủ tục CT thông thoáng, đơn giản, rút ngắn thời gian CT, tạo thuận lợi cho người dân, hạn chế tình trạng bản sao văn bằng, chứng chỉ giả để trục lợi,...

 PV: PV:Một trong những mục tiêu của Luật CC là phát triển hoạt động CC theo hướng xã hội hóa, dịch vụ hóa. Ông có thể cho biết kết quả của việc thực hiện mục tiêu này trong hơn 2 năm qua ?

Thứ trưởng Đinh Trung Tụng: Xã hội hoá hoạt động CC là một trong những điểm mới của Luật CC. Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục duy trì, củng cố và phát triển Phòng CC do Nhà nước đầu tư về ngân sách và biên chế, thì Luật CC cho phép sự ra đời các Văn phòng CC do các cá nhân đầu tư và thành lập, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động CC, “xóa sổ” hiện tượng ùn tắc, quá tải, “cò” CC... tồn tại nhiều năm qua. Trên cả nước hiện đã có 32/63 tỉnh, TP trực thuộc TƯ có Văn phòng CC, trong đó, Hà Nội có 42 văn phòng, TP.HCM có 12 văn phòng, các tỉnh còn lại có từ 1 đến 7 văn phòng. Cùng với sự phát triển về số lượng thì chất lượng của CC viên cũng được quan tâm. Số CC viên mới được bổ nhiệm hành nghề tại các Văn phòng CC đều qua quy trình thẩm tra, xem xét, bổ nhiệm chặt chẽ và đúng quy định của pháp luật.

 - Hoạt động CC cũng được chuyển sang chế độ dịch vụ công thay thế cho chế độ hành chính công trước đây trong lĩnh vực này. Nếu như trước đây chế độ lương của các CC viên không phụ thuộc vào số lượng và chất lượng các hợp đồng giao dịch mà họ chứng nhận và do đó không khuyến khích các được họ làm việc thì nay tình hình đã khác hẳn. Trong điều kiện hoạt động theo chế độ dịch vụ công, các tổ chức hành nghề CC luôn có sự cải tiến về phong cách phục vụ khách hàng, tệ quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu của một bộ phận cán bộ, nhân viên của phòng CC trước đây giảm hẳn. Thay vào đó là sự phục vụ tận tình, chu đáo, sẵn sàng làm thêm giờ để đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu CC của nhân dân, các tổ chức hành nghề CC, vì sự tồn tại và phát triển của các tổ chức hành nghề CC phụ thuộc vào sản phẩm và chất lượng dịch vụ, sự nhanh chóng, thuận tiện, chính xác của hoạt động CC, thu nhập của CC viên, của nhân viên CC phụ thuộc vào khách hàng, điều này đã tạo ra động lực khuyến khích tính chủ động, tích cực và ý thức trách nhiệm của CC viên khi thực hiện nhiệm vụ. Các tổ chức hành nghề CC đều lấy yếu tố “phục vụ khách hàng” là tiêu chí phục vụ hàng đầu và là một trong những yếu tố để cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động CC.

PV: Vậy tại sao đến nay mới có 36/63 tỉnh, thành phố phê duyệt Đề án quy hoạch tổ chức hành nghề CC? Điều đó có hạn chế quá trình xã hội hóa, dịch vụ hóa hoạt động CC không?

Thứ trưởng Đinh Trung Tụng: Theo quy định của Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04/01/2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật CC, thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm phê duyệt Đề án phát triển tổ chức hành nghề CC tại địa phương để đáp ứng nhu cầu CC của tổ chức, cá nhân. Cho đến nay đã có 36/63 tỉnh, thành phố phê duyệt Đề án và hiện vẫn còn nhiều tỉnh chưa xây dựng và phê duyệt Đề án. Sự chậm chễ này cũng một phần là do đây là vấn đề mới và khó, tùy thuộc vào điều kiện thực tế của từng địa phương và nhiều nơi cũng còn lúng túng. Năm 2010, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục hướng dẫn để các địa phương rà soát, điều chỉnh, xây dựng quy hoạch. Trên cơ sở quy hoạch của các địa phương và khảo sát, dự báo nhu cầu CC,  Bộ Tư pháp sẽ xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể tổ chức hành nghề CC ở Việt Nam đến năm 2020, làm cơ sở cho việc phát triển tổng thể các tổ chức hành nghề CC ở Việt Nam.

PV: Thưa Ông, Nghị định 79 bị đánh giá là “thêm việc cho cán bộ tư pháp - hộ tịch” và thực tế, việc thực hiện đã đặt ra một số bất cập, mà một số xuất phát từ chính trình độ của cán bộ tư pháp cơ sở. Bộ Tư pháp sẽ có biện pháp gì để khắc phục và đưa hoạt động CT vào đúng “quỹ đạo” trong thời gian tới?

Thứ trưởng Đinh Trung Tụng: Thực tế hiện nay ở hầu hết các địa phương đều giao công tác CT cho bộ phận hành chính một cửa tiếp nhận, cán bộ tư pháp - hộ tịch kiểm tra và tham mưu giúp cho Chủ tịch hoặc phó Chủ tịch UBND ký CT. Cách làm này là phù hợp, tuy nhiên cũng gây quá tải công việc cho cán bộ làm công tác tư pháp - hộ tịch. Hiện cán bộ tư pháp – hộ tịch đang phải kiêm nhiệm nhiều đầu việc khác nhau, đòi hỏi nhiều thời gian để thực hiện. Mặt khác, số lượng 1-2 cán bộ tư pháp/cơ sở cấp xã là quá ít so với số lượng công việc, cùng với trình độ pháp lý của cán bộ làm công tác tư pháp cấp xã còn yếu, không đồng đều cũng là nguyên nhân dẫn đến sự “quá tải” trong công việc của đội ngũ này. Do đó, cần tăng biên chế cán bộ tư pháp - hộ tịch cho các UBND, đặc biệt là cấp xã, tăng cường chuẩn hóa đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp (tối thiểu phải có trình độ từ trung cấp Luật trở lên), tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ qua các lớp tập huấn nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác tư pháp tại địa phương hoặc vùng miền.

Bộ Tư pháp chủ trương mở mộng loại hình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp ở địa phương. Hiện đã thành lập trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột (tại TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) để đào tạo cán bộ có trình độ trung cấp luật đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu chất lượng cho các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ. Trong thời gian tới sẽ mở thêm tại một số vùng để đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

PV: Bộ Tư pháp chuẩn bị sơ kết 2 năm thực hiện Luật CC nhằm tiến tới sửa đổi văn bản này. Ông có thể cho biết định hướng chính của việc sửa đổi Luật CC lần này?

Thứ trưởng Đinh Trung Tụng: Sắp tới, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức Hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện Luật CC nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được về tổ chức và hoạt động CC,  phát hiện những vướng mắc, bất cập để nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật CC.

Kết quả sơ kết 2 năm thực hiện Luật CC ở các địa phương cho thấy, chủ trương xã hội hóa CC là hết sức đúng đắn và Luật CC đã phát huy tác dụng trong cuộc sống, những mặt được là cơ bản. Tuy nhiên, cũng có một số bất cập đã nảy sinh và một số vấn đề thực tiễn đòi hỏi nhưng chưa được quy định trong Luật.

Trên cơ sở kết quả sơ kết 2 năm thực hiện Luật CC trên toàn quốc, Bộ Tư pháp sẽ tiến hành rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật CC nhằm phát huy những điểm tích cực và khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo điều kiện cho hoạt động CC phát triển ngày càng chuyên nghiệp hơn, nâng cao chất lượng CC viên, tăng cường quản lý nhà nước trong điều kiện xã hội hóa CC. Đồng thời, cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định có liên quan trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở và các văn bản quy phạm pháp luật khác thống nhất, đồng bộ với Luật CC.

Trân trọng cảm ơn ông!

H.Giang (thực hiện)

Hiện nay, trên cả nước đã có 254 tổ chức hành nghề CC với 636 CC viên; trong hơn 2 năm các tổ chức hành nghề CC đã thực hiện được 1.485.550 việc với tổng số phí CC thu là 549.456.407.359 đồng; tổng số thù lao CC thu là 39.456.878.465 đồng; tổng số tiền nôp thuế và nộp ngân sách nhà nước là 256.658.098.145 đồng.

Theo báo cáo thống kê của các địa phương, trong thời gian 2 năm qua (từ 01/7/2007 đến 30/6/2009):

Phòng Tư pháp CT được: 17.133.547 hợp đồng giao dịch, 132.362.071 bản sao; 2.950.746 trường hợp CT chữ ký và thu được 41.192.493.000  đồng lệ phí.

UBND cấp xã CT được: 20.461.519 hợp đồng giao dịch, 1.282.694.724 bản sao, 5.149.784 trường hợp CT chữ ký và thu được 268.005.643.000 đồng lệ phí