Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh: Không thực hiện được phải quy rõ trách nhiệm

07/06/2010
Chất lượng công tác xây dựng pháp luật, trách nhiệm khi không thực hiện được chương trình đã đăng ký, tư tưởng “đăng ký cho có”... là những vấn đề được nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đưa ra sáng ngày 4/6 khi thảo luận tại Tổ về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011
          Xin vào bằng được, xin ra cũng… bằng được

Cử tri kêu nhiều về chất lượng luật. Bộ trưởng Bộ Xây dựng từng thừa nhận 80% giao dịch về nhà đất là không qua các cơ quan quản lý nhà nước, cho thấy các đạo luật liên quan như đất đai, nhà ở, thuế... không đi vào cuộc sống” - ĐB Phương Hữu Việt (Bắc Ninh) phản ánh. Trong khi đó, đầu tư cho công tác xây dựng pháp luật còn chưa thỏa đáng. ĐB Việt đề nghị tăng cường đầu tư cho công tác xây dựng pháp luật để nâng cao chất lượng, có chiến lược, ưu tiên trong xây dựng luật.

Cũng về chất lượng công tác xây dựng văn bản pháp luật, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) bức xúc: “Thực hiện nghị quyết của QH về chương trình xây dựng luật không nghiêm, còn nể nang, chủ yếu muốn được đăng ký. Vì vậy, có những dự án luật cơ quan thẩm tra phải sửa lại hết do quá sơ sài”. Thậm chí, ĐB này đã đưa ra phương án: “Nếu không xác định được trách nhiệm trong vấn đề này thì phải sửa Luật Ban hành VBQPPL, bỏ quy định QH thông qua NQ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm đi”.

Đồng tình, đại biểu Lê Minh Hồng, Hà Nam cho rằng: “Không thể kéo dài mãi chuyện lúc muốn đưa vào Chương trình thì cố gắng xin đưa vào cho bằng được, Quốc hội cũng cho, lúc không làm được lại xin đưa ra cho bằng được, Quốc hội cũng cho, mà không thấy phê bình hay khiển trách gì nên dễ nhờn ren”.

Đại biểu Nguyễn Văn Nhượng, Quảng Bình đề nghị: “Đã đến lúc Quốc hội phải kiểm điểm sâu hơn, nếu không những kỳ sau chuyện này sẽ lại vẫn lặp lại”

Các ĐB đều thấy rằng, nếu thực hiện không đúng NQ của QH về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chính là không thực hiện pháp luật nên Chính phủ cần có giải trình đầy đủ về trách nhiệm, nguyên nhân, biện pháp thực hiện. Hơn nữa, Chính phủ cũng có cần sự nhìn nhận cụ thể, sát vấn đề hơn, không nên “kết luận thực trạng thì “nặng” nhưng biện pháp toàn “kêu gọi”, năm nào cũng giống nhau” khi trình QH về chương trình xây dựng luật. Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư thích đáng cho công tác xây dựng pháp luật cả về nguồn lực tài chính và nhân lực.

Càng xông vào làm luật lớn, càng khó về kinh tế

Chia sẻ câu chuyện không thực hiện đúng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã đề ra, bên cạnh những nguyên nhân chủ quan, khách quan từ nhiều phía, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, đại biểu tỉnh Quảng Bình có đề cập đến nguyên nhân từ vấn đề kinh phí.  “Các dự án Luật, pháp lệnh nằm trong chương trình chuẩn bị đều không có kinh phí, mà không có kinh phí thì rất khó khởi động, triển khai, đến khi đi vào chính thức lại cập rập. Hiện nay có khái niệm hỗ trợ kinh phí cho công tác xây dựng luật, pháp lệnh, xem như việc xây dựng luật, pháp lệnh là đương nhiên về quản lý nhà nước rồi. Nhưng nói cho cùng về bài toán ngân sách, Bộ nào càng làm nhiều về thể chế, dám xông vào làm nhiều luật lớn cùng một lúc thì càng khó khăn về kinh tế. Vấn đề này chúng ta đã thảo luận nhiều rồi, vẫn chưa gỡ được”- Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết.

Không đồng tình với những lý do khiến nhiều dự án chưa được trình UBTVQH, các UB của QH theo đúng tiến độ đã dự kiến, cụ thể là dự án Luật Đầu tư công, ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên) nhấn mạnh, “đầu tư công là “mảnh đất màu mỡ” để tham nhũng, láng phí, thu hút nhiều nhà quản lý nên luật này rất quan trọng, giải quyết vấn đề đầu tư giàn trải, hiệu quả đầu tư, tránh tình trạng hàng nghìn ha đất đã được giải phóng mặt bằng nhưng vẫn để trống, trong khi người dân không có đất”.

Các ĐB còn đề nghị xây dựng, sửa đổi một số đạo luật cơ bản như sửa đổi Hiến pháp cho phù hợp với thực tế nước ta hiện tại và trong thời gian tới; ban hành luật về quy hoạch để có sự ổn định, không để “mỗi lần thay đổi quy hoạch là biết bao nhiêu doanh nghiệp, người dân “lao đao” theo”; rà soát các đạo luật về thuế tránh trùng lắp, dễ thực hiện, phù hợp với dân trí Việt Nam, “đừng mong áp dụng như các nước tư bản phát triển vì không phù hợp”; các luật về tổ chức.../.

Nhóm PV


Nhóm PV