Trong kế hoạch hướng dẫn Luật Giao thông đường bộ năm 2008, mới đây Bộ Giao thông vận tải đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (thay thế Nghị định 146/2007/NĐ-CP). Xét dưới góc độ xây dựng luật, đây cũng là một hoạt động bình thường theo đúng trình tự, thủ tục xây dựng VBQPPL theo luật định và sự việc cũng không có gì đáng nói nếu như trong dự thảo Nghị định không có một số điều khoản tương đối có... vấn đề.
Vi hiến vì bức xúc thực tiễn
Đó là, bên cạnh việc đưa ra các mức phạt phù hợp với từng hành vi vi phạm theo đúng tinh thần của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, Khoản 6 Điều 53 dự thảo Nghị định đã quy định thêm “để phù hợp với tình hình thực tế, trên địa bàn thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, được áp dụng mức tiền phạt cao hơn đến 100% so với mức tiền phạt quy định tại Chương II của Nghị định...” Khi xây dựng nội dung này, Bộ Giao thông đã căn cứ vào thực tế tắc đường đang xảy ra ngày càng nghiêm trọng tại các thành phố lớn và các giải pháp cấp bách chống ùn tắc giao thông đã và đang được thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết 16. Và, cũng cần phải nói thêm rằng, ý tưởng tăng gấp đôi mức phạt này không phải lần đầu tiên được trình làng vì đã nhiều lần được Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đề cập, thậm chí chính thức kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng khung phạt riêng.
Tuy nhiên, khi thẩm định toàn bộ dự thảo nói chung và quy định nói riêng này, quan điểm của Bộ Tư pháp là không nhất trí. Vì theo Bộ Tư pháp, việc bắt người dân tại hai thành phố trên chịu mức tiền phạt cao hơn đến 100% (tức là gấp đôi) như quy định là không đúng tinh thần của hệ thống pháp luật Việt Nam, cụ thể là Hiến pháp năm 1992 với quy định tại Điều 52 mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Từ quy định này, có thể thấy cơ chế áp dụng pháp luật thống nhất nhất thiết phải được duy trì trên nguyên tắc bình đẳng, tránh việc cùng một hành vi vi phạm nhưng chủ thể thực hiện ở mỗi nơi lại bị cơ quan có thẩm quyền áp dụng quy định xử phạt khác nhau.
Hơn nữa, Bộ Tư pháp cũng cho rằng, cả hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh, tuy là thành phố lớn nhất nhì cả nước nhưng hiện còn có số lượng rất lớn người có thu nhập thấp, thậm chí thuộc diện nghèo. Bên cạnh đó, người ngoại tỉnh tham gia giao thông tại 2 thành phố này là rất lớn, nên mức phạt cao đối với những đối tượng như vậy sẽ tạo nên sự bất bình đẳng, không khả thi... Mặt khác, tiêu chí địa bàn cũng chưa bao giờ được nhìn nhận dưới góc độ là một tình tiết tăng nặng để tăng mức hình phạt.
Tựu trung lại, thẩm định của Bộ Tư pháp, với nội quy định như vậy, điều luật bị coi là trái với quy định của đạo luật gốc, đạo luật cao nhất là Hiến pháp, hay nói cách khác điều luật đã vi hiến.
Không thể xem nhẹ bất kỳ yêu cầu nào
Như đã nói ở trên, toàn bộ câu chuyện này là một hoạt động hết sức bình thường giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm định theo đúng trình tự, thủ tục đã được quy định tại Luật Ban hành VBQPPL năm 2008. Nhưng, 3 vấn đề có thể nhìn thấy được ở đây là vai trò thẩm định của Bộ Tư pháp, cũng như các “quy tắc vàng” mà các cơ quan chủ trì soạn thảo phải tuyệt đối tôn trọng trong quá trình xây dựng pháp luật cũng như vai trò của tổ chức pháp chế Bộ, ngành - vốn vẫn được mệnh danh là “người giữ cửa pháp luật”, “cánh tay nối dài” của Bộ Tư pháp.
Thứ nhất, với vai trò là cơ quan thẩm định luật đã được quy định trong chức năng, nhiệm vụ của mình theo tinh thần của Nghị định 93/2008/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đã và đang làm đúng những nội dung thẩm định đã được Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 đề cập tới. Đó là thẩm định tính hợp hiến, hợp pháp, thẩm định nội dung của văn bản luật đó trong môi tương quan với toàn bộ hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống pháp luật mà nó có liên quan nói riêng, thẩm định tính khả thi của từng điều luật...Và, việc thẩm định này hoàn toàn được thực hiện trên góc độ pháp lý, khoa học và đặt mục tiêu xây dựng một Nhà nước pháp quyền và lợi ích của nhân dân lên trên hết chứ không vì quyền lợi, hay lợi ích của bất kỳ một chủ thể nào, một ngành nào.
Ở góc độ cơ quan chủ trì soạn thảo, nhìn chung hiện nay, trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền và hệ thống pháp luật, các cơ quan soạn thảo (mà cụ thể là các Bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ) đã ý thức được vai trò, nhiệm vụ của mình để chú trọng đầu tư chất xám, nhân lực vào công tác xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng văn bản, nhiều khi từ bức xúc của thực tiễn, cũng có lúc cơ quan soạn thảo đã “tạm quên” và đưa vào những điều khoản không hợp lý thậm chí là vi hiến như ví dụ nói trên. Và, khi được Bộ Tư pháp góp ý thẩm định, phần lớn các điều khoản này đã được lược bỏ hoặc chỉnh sửa cho hợp lý hơn.
Tuy nhiên, thực tế này cũng cho thấy, tình trạng xây dựng luật theo cảm tính, không đặt nội dung văn bản pháp luật mà mình đang xây dựng trong mối tương quan chung với toàn bộ hệ thống pháp luật quốc gia, quốc tế (điều này cũng rất cần khi Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập và đã là thành viên của WTO), hệ thống pháp luật mà văn bản luật đó có liên quan, mặt bằng xã hội, dân trí, thậm chí là bỏ qua cả các quy định của đạo luật gốc là Hiến pháp... đang là tình trạng không hiếm xảy ra. Và, chính những lỗi này cũng là các “quy tắc vàng”, là những điều kiện cần và đủ mà các cơ quan chủ trì soạn thảo luôn luôn phải ghi nhớ, nằm lòng trong hoạt động xây dựng pháp luật của mình.
Bên cạnh đó, vai trò của pháp chế Bộ, ngành cũng rất quan trọng, các cán bộ làm công tác pháp chế nếu được tham gia ngay từ đầu trong quá trình xây dựng pháp luật hoặc được tham gia thẩm định sẽ chính là điều kiện cần và đủ để một đạo luật đáp ứng được hết những yêu cầu đặt ra đối với một VBQPPL theo luật định.
Kết
Quay lại với câu chuyện của dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, về cơ bản những ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đã được Bộ Giao thông vận tải nghiêm chỉnh tiếp thu và chỉnh lý như lời khẳng định của ông Nguyễn Văn Thuấn – Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông với báo giới ngày 17/8. Riêng đề xuất tăng mức xử phạt tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, bà Trịnh Minh Hiền – Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Giao thông vận tải cho biết “Sở dĩ có quy định này vì cơ quan soạn thảo đã xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn, chứ không có hề vấn đề duy ý chí khi xây dựng luật. Tuy nhiên, sau khi có kết quả thẩm định của Bộ Tư pháp chúng tôi đã ghi nhận và lược bỏ điều khoản này trong dự thảo trình Chính phủ. Tuy nhiên, để đảm bảo sự tôn trọng cũng như bảo lưu các ý kiến đã đóng góp, chúng tôi sẽ đưa nội dung này vào nhóm vấn đề còn có ý kiến khác nhau để Chính phủ xem xét và quyết định ”
P.V
Ông Đặng Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp - đơn vị đã trực tiếp thẩm định dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ Trong quá trình thẩm định, chúng tôi thấy “sáng kiến” kiểu như thế này không chỉ riêng Bộ Giao thông vận tải mắc mà còn rất nhiều Bộ, ngành khác nữa. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hiểu nguyên nhân vì sao mà họ lại mắc những “sáng kiến” như vậy. Nhưng đã là cơ quan thẩm định chúng tôi phải căn cứ theo đúng những quy định của pháp luật mà làm và tuyệt đối không nghiêng về lợi ích của bất kỳ một chủ thể hay ngành nào. Tuy nhiên, tôi cũng mong muốn khi xây dựng luật, các cơ quan chủ trì soạn thảo cần chú ý tới tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của cả hệ thống pháp luật, mối tương quan chung của văn bản luật với toàn bộ hệ thống pháp luật quốc gia, tính chất của Nhà nước pháp quyền chúng ta, mặt bằng xã hội... chứ đừng xây dựng luật theo tư duy cảm tính hoặc thấy lợi cục bộ trước mắt mà làm, không coi trọng việc đảm bảo quyền và lợi ích của người dân. Vì như thế, không những là vi hiến, mà còn không tôn trọng pháp chế xã hội chủ nghĩa và lợi ích của Nhà nước, nhân dân. |