Kết hợp với việc tổng kết 19 năm thực hiện Luật Công đoàn, vừa qua Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã giới thiệu những nét chính của Luật Công đoàn sửa đổi. Tăng quyền của tổ chức công đoàn, công đoàn viên, tăng trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp với tổ chức công đoàn và hình thành cơ chế bảo vệ những người tham gia công tác công đoàn là 3 vấn đề nổi bật trong dự thảo sửa đổi, so với luật hiện hành.
Quyền thì yếu, trách nhiệm thì né tránh
Theo Luật Công đoàn hiện hành (Luật Công đoàn năm 1990), người lao động, công đoàn viên, tổ chức công đoàn cơ sở có các quyền cơ bản như: quyền gia nhập, thành lập và hoạt động công đoàn; quyền đại diện; quyền tham gia kiến nghị; quyền kiểm tra, giám sát... Đặc biệt, trong số đó có quyền đại diện là quyền hiến định (được xác lập trong Hiến pháp), theo đó, tổ chức công đoàn thành lập theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam là người đại diện duy nhất của người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Sau 19 năm thực hiện, bên cạnh việc trở thành “cây gậy” pháp lý hữu hiệu cho mọi hoạt động của tổ chức công đoàn, Luật Công đoàn năm 1990 cũng bộc lộ nhiều điểm yếu, nhất là trong vấn đề khẳng định các quyền của công đoàn cũng như điều kiện đảm bảo để thực hiện các quyền đó.
Lấy ví dụ ở Công ty TNHH giày ChingLuh VN là công ty 100% vốn nước ngoài năm trong khu công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Tổ chức công đoàn cơ sở ở đây được hình thành cùng lúc với việc thành lập công ty, tỷ lệ đoàn viên công đoàn chiếm trên 60% tổng công nhân viên - lao động, có 8 cán bộ công đoàn chuyên trách, phòng làm việc khang trang với đầy đủ trang thiết bị cần thiết. Có thể nói, so với nhiều DN khác, Công ty TNHH giày ChingLuh VN đã rất quan tâm đến hoạt động công đoàn và tổ chức công đoàn cơ sở ở đây cũng có nhiều điều kiện tốt để phát triển hoạt động. Tuy nhiên, theo người đại điện tổ chức công đoàn của Công ty có mặt tham luận tại Hội nghị tổng kết 19 năm thực hiện Luật Công đoàn, thì tình hình thực hiện Luật Công đoàn tại Công ty thời gian qua cũng có không ít bất cập, nhất là trong việc thực hiện các quyền. Đơn cử, về quyền đại diện tham gia xử lý kỷ luật đối với người lao động vi phạm và giải quyết tranh chấp lao động của công đoàn, DN chưa thực hiện đúng chức năng của hội đồng xử lý kỷ luật, hội đồng hòa giải cơ sở. Việc DN thành lập hội đồng xử lý kỷ luật chỉ là một hình thức chống chế, việc xử lý kỷ luật tùy tiện theo ý chủ quan cá nhân của người quản lý, chứ chưa bám sát vào quy định của pháp luật. Tháng 4/2008, tại Công ty TNHH giày ChingLuh đã xảy ra một vụ ngừng việc lớn mà nguyên nhân là trước khi người lao động tiến hành ngừng việc, Ban chấp hành công đoàn cơ sở đã đại diện đưa ý kiến của người lao động thương lượng với ban lãnh đạo Công ty nâng lương và hỗ trợ cho người lao động khi gia cả tăng vọt, nhưng ban lãnh đạo Công ty đã không coi đề xuất của công đoàn là chính đáng, dẫn đến người lao động ngừng việc. Sự việc dù đã được giải quyết ổn thỏa, nhưng cũng cho thấy, “công lực” của quyền của công đoàn vẫn rất yếu, khiến cho DN sẵn sàng lựa chọn giải pháp không nghe - không giải quyết, nhất là khi những kiến nghị đó ảnh hưởng đến quyền lợi kinh tế của họ.
Nói thêm về sự né tránh trách nhiệm đối với tổ chức công đoàn của DN, tổng kết của Tổng Liên đoàn lao động VN cho thấy, nhiều chủ DN nhất là các DN dân doanh, DN FDI, tìm mọi cách né tránh, trì hoãn, ít tạo điều kiện thuận lợi để người lao động thực hiện quyền gia nhập, thành lập công đoàn vì họ quan niệm cho công đoàn thì trước mắt chi phí DN phải bổ sung thêm những ràng buộc như thỏa ước lao động tập thể, an toàn, bảo hộ, kinh phí 2% điều kiện hoạt động của cán bộ công đoàn... Sự cản trở, gây khó khăn của chủ DN được thực hiện bằng nhiều hình thức, biện pháp tinh vi nên rất khó cho việc kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật. Hiện nay, theo ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam - còn khoảng 60% DN dân doanh, 50%DN FDI có đủ điều kiện thành lập công đoàn nhưng chưa thành lập tổ chức công đoàn. Bên cạnh đó, cấp ủy Đảng, chính quyền nhiều nơi, nhiều lúc chưa thực sự quan tâm đến việc chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện Luật Công đoàn. Tình trạng khoán trắng việc thi hành luật cho tổ chức cong đoàn không còn là cá biệt ở nhiều DN, địa phương.
Hướng nào cho việc tăng quyền, tăng trách nhiệm?
Bàn về chuyện tăng quyền, tăng trách nhiệm trong hoạt động công đoàn, nhiều ý kiến đóng góp của các tổ chức công đoàn cơ sở và công đoàn viên cho thấy, vấn đề thực chất không phải nằm ở chỗ tăng về mặt cơ học số đếm các quyền và trách nhiệm, mà chính là ở cơ chế đảm bảo việc thực hiện các quyền và trách nhiệm đó ra sao. Hay nói như đại diện tổ chức công đoàn của Công ty cổ phần xây dựng Sông Đà 5 thì tại Luật Công đoàn hiện hành, tổ chức công đoàn và người lao động cũng đã có tương đối đầy đủ các quyền nhưng việc thực hiện được các quyền này lại phụ thuộc vào rất nhiều đối tác. Mà nếu đối tác không tạo điều kiện và không thực hiện thì trách nhiệm sẽ ra sao lại chưa thấy luật đả động gì tới. Còn theo ý kiến của người đại diện tổ chức công đoàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thì pháp luật về công đoàn cần phải có những quy định cứng về việc công đoàn viên là thành viên trong các tổ chức, hội đồng, các hội nghị, các ban... trong đơn vị, doanh nghiệp, công ty... và trong các mối quan hệ khác có liên quan tới quyền, lợi ích và nghĩa vụ của công nhân viên – lao động. Có như vậy, việc thực hiện quyền công đoàn mới có tính khả thi.
Trả lời các đề xuất trên, ông Mai Đức Chính cho biết, xuất phát từ yêu cầu thực tế Luật Công đoàn sửa đổi sẽ đặc biệt chú trọng tới việc quy định cụ thể các quyền của công đoàn, trách nhiệm của Nhà nước, DN với công đoàn cũng như những đảm bảo cho hoạt động công đoàn, cơ chế giải quyết tranh chấp xử lý vi phạm quyền công đoàn. Theo đó, bên cạnh việc quy định rõ hơn, chi tiết hơn các hạng mục quyền của công đoàn và trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, DN đối với công đoàn, dự thảo Luật Công đoàn đã bổ sung hẳn một điều quy định về các hành vi nghiêm cấm các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân cản trở hoạt động công đoàn. Và, trong trường hợp phát sinh tranh chấp về quyền công đoàn giữa người lao dộng, tổ chức công đoàn với cơ quan, tổ chức, DN, đơn vị sử dụng lao động thì tùy theo loại tranh chấp để xác định thẩm quyền, thủ tục giải quyết theo quy định của pháp luật lao động, pháp luật khiếu nại, tố cáo hoặc có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án xét xử, cưỡng chế (đối với tranh chấp liên quan đến việc thực hiện trích nộp kinh phí công đoàn). Người vi phạm sẽ tùy theo mức độ mà bị xử lý kỷ luật, hành chính, bồi thường, đình chỉ hoạt động hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là những quy định chưa đầy đủ hoặc hoàn toàn chưa có trong Luật Công đoàn hiện hành.
Xuân Hoa
Nghiêm cấm: - Cản trở người lao động thực hiện quyền thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn - Phân biệt, đối xử vì ly do người lao động thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn - Gây khó khăn, cản trở việc thực hiện các quyền, trách nhiệm của tổ chức công đoàn - Sử dụng các biện pháp kinh tế và các thủ đoạn khác để can thiệp và tổ chức và hoạt động công đoàn - Không tạo những điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật cho tổ chức và hoạt động công đoàn. (Điều 9 dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi) |
Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Uỷ ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội: Sửa luật phải làm rõ và khẳng định hơn nữa quyền đại diện của tổ chức CĐ đối với NLĐ. Ông Nguyễn Văn Đức - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc: Đề nghị khi sửa đổi Luật CĐ cần quan tâm đến những quy định cụ thể rõ ràng, các chế tài xử phạt nghiêm minh với những trường hợp cản trở hoạt động CĐ. |