Sáng qua (11/8), Ban soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản (BĐG TS) đã họp cho ý kiến về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong quá trình soạn thảo như: tổ chức BĐGTS, hủy kết quả BĐG, biện pháp chấm dứt tình trạng “cò”, thông đồng, dìm giá… tại các cuộc BĐG.
Chuyên nghiệp hóa các tổ chức bán đấu giá tài sản
Thực trạng hoạt động của các tổ chức BĐG ở địa phương hiện nay rất đa dạng, không thống nhất và khó quản lý. Với 63 Trung tâm dịch vụ BĐGTS cấp tỉnh, 79 doanh nghiệp BĐGTS và các Hội đồng BĐGTS được thành lập theo Điều 37 Nghị định số 05, thì chỉ một phần trong số đó có hoạt động BĐG, còn chủ yếu BĐG chỉ là một ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp, mà như so sánh của ông Phạm Thanh Cao (Trưởng phòng Bổ Trợ tư pháp - Sở Tư pháp Hà Nội) hoạt động BĐG của các doanh nghiệp này “chỉ bằng 1 đốt ngón tay so với cả bàn tay”. Thậm chí có doanh nghiệp thành lập ra để… treo biển chứ không có trụ sở, hay danh sách đấu giá viên (ĐGV) rõ ràng.
Thực tế ở Hà Nội, đoàn kiểm tra hoạt động BĐG đã không ít lần phải lập biên bản về việc doanh nghiệp BĐG không hoạt động, bởi 21/31doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề kinh doanh BĐGTS trên địa bàn thành phố chỉ “có tên mà không có hoạt động”. Bà Nguyễn Thị Minh (Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp) cũng dẫn chứng hơn 20 doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh BĐG ở Đà Nẵng, nhưng đến nay chưa thực hiện 1 cuộc BĐG nào. Điều đó chỉ ra những bất cập trong quản lý hoạt động của các doanh nghiệp BĐG cần phải được giải quyết dứt điểm trong Nghị định mới.
Một trong những biện pháp mà tổ biên tập lựa chọn để chuyên nghiệp hóa các tổ chức BĐG là cân nhắc qui định thêm điều kiện cần thiết để các doanh nghiệp BĐG có thể hoạt động và khắc phục những hậu quả có thể xảy ra trong hoạt động BĐG. Vì thế, đại diện Cục Công sản (Bộ Tài chính) cho rằng, khi đó, doanh nghiệp BĐG sẽ là loại hình doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện nên cần đến 1 bộ điều kiện hoàn chỉnh. Hơn nữa, khi BĐG mới chỉ là 1 trong các ngành nghề doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mà doanh nghiệp “còn không hoạt động nổi” thì các doanh nghiệp BĐG chuyên nghiệp có thể “sinh tồn”?. Trước lo ngại này, Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên nhấn mạnh: cần chú trọng đến vai trò của các Trung tâm dịch vụ BĐG, coi đó là “sợi dây an toàn” của hoạt động BĐG trong khi liên tục phát triển các doanh nghiệp BĐG chuyên nghiệp.
Xử lý “cò” bán đấu giá
Hiện nay, “cò” hoạt động công khai tại các cuộc BĐG nhưng không dễ ngăn chặn hay xử lý. Không chỉ dẫn đến hiện tượng thông đồng, dìm giá do tình trạng “1 người mua 4 cò “hỗ trợ”, mà “cò” còn “ngăn sông cấm chợ” khiến những người thực sự muốn tham gia vào cuộc BĐG cũng không có cơ hội. Hậu quả là chỉ có 1 người tham gia đấu giá và theo qui định hiện hành, người này được mua tài sản với mức giá khởi điểm. Quan điểm của Thứ trưởng Liên, trường hợp này không còn là BĐG, mà chỉ là “thuận mua vừa bán” như những giao dịch thông thường.
Vì thế, dự thảo Nghị định mới phải giải quyết bằng việc tăng mức đặt cọc tham gia đấu giá cao hơn (hiện nay là 5% giá trị tài sản). Ông Cao đề xuất mức đặt cọc nên là 10-30%, nhưng theo ý kiến tổ biên tập thì mức đó là 0-15% tùy theo thỏa thuận giữa chủ sở hữu tài sản và tổ chức BĐG. Đồng thời, Thứ trưởng Liên đề nghị phải có qui định về trách nhiệm của những người ra giá cao, khi trúng đấu giá lại bỏ để người ra giá gần nhất được mua tài sản. Đây thường là hành vi thông đồng giữa những người tham gia đấu giá và cũng “truất quyền” trả giá của những người khác tham gia cuộc BĐG đó. Do đó, ngoài việc mất khoản tiền đặt cọc, phải buộc người trúng đấu giá nhưng tự ý bỏ phải đền bù khoản chênh lệch giữa giá đấu mình đưa ra và giá đấu của người liền kề thấp hơn. Có như vậy mới ràng buộc trách nhiệm của người tham gia đấu giá.
Chuẩn hóa đội ngũ đấu giá viên
Đội ngũ ĐGV đóng vai trò quan trọng đến chất lượng cuộc BĐG. Hà Nội hiện có 101 ĐGV nhưng chỉ có 42 người xuất trình được thẻ dù điều kiện xin cấp thẻ theo Nghi định số 05 còn rất đơn giản. Bà Minh cho biết, chuyên nghiệp hóa hoạt động BĐG cũng cần nâng cao chất lượng của ĐGV. Nghị định mới sẽ có các qui định cao hơn về tiêu chuẩn cấp thẻ: có bằng Đại học (Kinh tế hoặc Luật), kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động BĐG và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ (các lớp này sẽ do Bộ Tư pháp tổ chức). Dự thảo cũng hy vọng, với các điều kiện cao hơn đối với ĐGV thì trách nhiệm của họ cũng nâng cao như các chức danh tư pháp khác. Họ sẽ được quyền xử lý trực tiếp, kịp thời các hành vi thông đồng, dìm giá hoặc vi phạm nội qui cuộc BĐG…
Hơn nữa, các thành viên BST cũng băn khoăn về vấn đề phân cấp cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ ĐGV, căn cứ để thu hồi thẻ ĐGV... Theo ý kiến của nhiều thành viên BST, hồ sơ đăng ký cấp thẻ nộp tại Sở Tư pháp để Sở thẩm định, trình Bộ Tư pháp cấp thẻ ĐGV. Như vậy, vừa mở rộng địa bàn hoạt động cho ĐGV, vừa đảm bảo chất lượng của các ĐGV được cấp thẻ./.
Huy Anh