Có nhiều người băn khoăn khi gộp “sổ đỏ sổ hồng” vào một giấy thì các thông tin về tài sản sẽ được thể hiện như thế nào? Đây không chỉ thuần tuý là vấn đề về kỹ thuật.
Cuối tuần qua, Bộ Tài nguyên và môi trường đã hoàn thiện Dự thảo Thông tư quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để đưa ra lấy ý kiến địa phương. Cùng với Dự thảo Nghị định về vấn đề trên dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tuần này, việc sớm ban hành Thông tư sẽ giúp việc triển khai được nhanh chóng, thuận lợi mà không phải chờ đợi vì thiếu văn bản hướng dẫn.
Giấy chứng nhận: có thể chỉ ghi tên vợ hoặc chồng.
Thể hiện những thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất dự thảo Thông tư quy định: đối với hộ gia đình ngoài tên chủ sở hữu, địa chỉ của người đại diện hộ gia đình và của người vợ (hoặc chồng) người đại diện đó; nếu hộ gia đình đề nghị chỉ ghi tên vợ hoặc chồng thì phải có văn bản thoả thuận của hai vợ chồng có chứng thực của UBND xã nơi hộ đó đăng ký thường trú hoặc có chứng nhận của công chứng nhà nước.
Trường hợp người đại diện hộ gia đình không có vợ (hoặc chồng) hoặc có nhưng không có quyền sử dụng đối với diện tích đất chung của hộ gia đình thì chỉ ghi họ, tên, năm sinh và số giấy chứng minh nhân dân (nếu có), địa chỉ nơi đăng ký thường trú của người đại diện.
Trường hợp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của cả vợ và chồng thì ghi cả tên vợ và chồng; nếu vợ và chồng cùng thống nhất đề nghị chỉ ghi họ, tên vợ hoặc chỉ ghi họ, tên chồng thì phải có văn bản thoả thuận của hai vợ chồng có chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc chứng nhận của công chứng nhà nước; nếu vợ (hoặc chồng) là người không được nhận quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất tại Việt Nam thì chỉ ghi họ, tên, năm sinh và số giấy chứng minh nhân dân (hoặc số hộ chiếu, ngày và nơi cấp hộ chiếu, quốc tịch đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà ở), địa chỉ nơi đăng ký thường trú của cá nhân là người được nhận quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất tại Việt Nam.
Về người đứng tên trên giấy chứng nhận, Dự thảo Thông tư quy định rõ những trường hợp: người sử dụng đất không có tài sản gắn liền với đất, nhiều người cùng có quyền sử dụng đất, hoặc quyền sở hữu với tài sản, nhiều người có quyền sử dụng đất đồng thời sở hữu tài sản trên đất…
Trường hợp có quá nhiều tên mà không ghi hết trên giấy chứng nhận thì sẽ có danh sách kèm theo (theo mẫu).
Đăng ký chuyển quyền: không quá 10 ngày
Nhiều người quan tâm, với một giấy mới, sau khi đã cấp giấy chứng nhận, biến động về tài sản (ví dụ tặng, cho, chuyển nhượng, góp vốn…) sẽ được thể hiện trên giấy như thế nào và trình tự thủ tục ra sao? Dự thảo Thông tư quy định rõ nơi nộp hồ sơ và nhận kết quả đăng ký biến động theo cơ chế: nộp tại đâu, nhận tại đó.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất tại xã, thị trấn thì có thể nộp hồ sơ tại UBND xã, thị trấn và trong thời hạn ba (03) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, UBND xã, thị trấn có trách nhiệm chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện.
Đối với các trường hợp chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất Dự thảo chia hai trường hợp: tổ chức trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì nộp hồ sơ và nhận kết quả tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh; hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho tổ chức trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài thì nộp hồ sơ và nhận kết quả tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện.
Thời hạn chung trong việc kiểm tra và chuyển hồ sơ là 5 ngày. Thời gian để thực hiện các thủ tục đăng ký biến động do UBND cấp tỉnh quy định nhưng không vượt quá mười (10) ngày, không kể thời gian người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện nghĩa vụ tài chính; trường hợp phải trích đo địa chính thửa đất thì thời gian thực hiện thủ tục hành chính được tăng thêm nhưng không quá hai mươi (20) ngày.
Trường hợp thực hiện thủ tục đăng ký biến động mà phải cấp Giấy chứng nhận thì thời gian thực hiện thủ tục hành chính được tăng thêm nhưng không quá ba (03) ngày làm việc;
Với quy định mới về thời hạn đăng ký biến động như trên, theo Bộ Tài nguyên môi trường sẽ giúp người dân thực hiện đầy đủ, kịp thời các quyền và nghĩa vụ của mình mà không “ngại” vì mất nhiều thời gian như trước đây.
Thu Hằng