Mặc dù việc hợp nhất “sổ đỏ, sổ hồng” có hiệu lực từ 1/8 vừa qua theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản tuy nhiên, dự kiến phải đến cuối năm “một giấy” mới chính thức được cấp cho người dân. Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang gấp rút hoàn thiện Dự thảo Nghị định về vấn đề này, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 8/2009.
Điểm nổi bật trong Dự thảo Nghị định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất nói trên là thay vì người dân phải đến hai cơ quan để được cấp hai loại giấy thì nay đã thu về một mối, nhà đất và tài sản gắn liền với đất nay được thể hiện chỉ trên một giấy.
Theo Dự thảo Nghị định, người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư nộp hồ sơ và nhận Giấy chứng nhận tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh. Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tại phường nộp hồ sơ và nhận Giấy chứng nhận tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện
Đặc biệt, đối với người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tại xã, thị trấn nộp hồ sơ và nhận Giấy chứng nhận tại UBND xã, thị trấn (trừ trường hợp cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận đã mất). Trong thời gian không quá hai mươi (20) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, UBND xã, thị trấn có trách nhiệm chuyển hồ sơ cho Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện.
Như vậy, với quy định nêu trên, người dân của các xã, thị trấn sẽ không còn phải lặn lội đến tận Trung tâm huyện lỵ, nơi đặt các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để nộp hồ sơ, UBND cấp xã sẽ giúp họ việc đó.
Đơn giản về thủ tục
Trước đây, khi còn tồn tại cơ chế nhiều giấy, nhiều cửa, bản thân người có quyền sử dụng đất đồng thời với tài sản gắn liền với đất đã thấy phức tạp vì một loại tài sản của mình nhưng phải cần đến mấy giấy chứng nhận, và có được nó phải đến nhiều cơ quan khác nhau. Phức tạp hơn là các trường hợp quyền sử dụng đất là của một người, nhưng nhà ở và các tài sản gắn liền trên đất lại của người khác. Dự thảo Nghị định đã chia từng trường hợp để có những quy định cụ thể về hồ sơ, thủ tục, kể cả với trường hợp thửa đất không có tài sản gắn liền với đất hoặc có tài sản nhưng không có nhu cầu xác nhận quyền sở hữu hoặc có tài sản nhưng thuộc quyền sở hữu của chủ khác.
Rút ngắn thời gian giải quyết.
Cũng theo Dự thảo Nghị định, thời gian thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quy định tại Nghị định này do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không vượt quá năm mươi (50) ngày đối với trường hợp cấp giấy chứng nhận hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà có nhu cầu bổ sung xác nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (quy định trước đây là 55 ngày – PV)
Đối với trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận là không vượt quá 30 ngày; trường hợp cấp lại Giấy chứng nhận bị mất không vượt quá 40 ngày (không kể thời gian công khai kết quả thẩm tra, thời gian người đề nghị cấp Giấy chứng nhận thực hiện nghĩa vụ tài chính); trường hợp phải trích đo địa chính thửa đất thì thời gian thực hiện thủ tục hành chính được tăng thêm nhưng không quá hai mươi (20) ngày.
Cùng với những cải tiến trong yêu cầu về hồ sơ (giảm bớt một số loại giấy tờ) với quy định về thời hạn nói trên, nhiều ý kiến cho rằng người dân sẽ được thuận lợi hơn khi làm các thủ tục liên quan đến giấy chứng nhận. Trước mắt, thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong khi chưa thể cấp “một giấy” ngay vì còn chờ văn bản hướng dẫn thì các địa phương tiếp tục nhận hồ sơ, làm các thủ tục cần thiết khi cá nhân, tổ chức có yêu cầu.
Thu Hằng
Đối với người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tại xã, thị trấn nộp hồ sơ và nhận Giấy chứng nhận tại UBND xã, thị trấn (trừ trường hợp cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận đã mất). Trong thời gian không quá hai mươi (20) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, UBND xã, thị trấn có trách nhiệm chuyển hồ sơ cho Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện. |