Ở nước ta hiện nay, quan hệ giữa công đoàn và các cấp quản lý là quan hệ đồng hành. Hai tổ chức này tuy khác nhau về chức năng, nhiệm vụ nhưng lại thống nhất về mục tiêu. Vì thế, mặc dù là tổ chức đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhưng nếu đứng ra tổ chức đình công thì cán bộ công đoàn lại thường cho đó là hành vi chống lại và sợ người sử dụng lao động xử phạt. Điều này càng rõ khi cán bộ công đoàn là người hưởng lương của chủ doanh nghiệp và pháp luật lại chưa có cơ chế gì để bảo vệ họ.
Cán bộ công đoàn – người sống giữa hai “làn đạn”
Đánh giá bước đầu ở nhiều nơi cho thấy, hoạt động công đoàn ở khu vực ngoài quốc doanh đã và đang rất kém hiệu quả. Và, nguyên nhân sâu xa là do cán bộ công đoàn ăn lương của chủ DN vì thế vị thế, vai trò của họ lại càng trở nên mờ nhạt. Có thể nói, tác nhân đưa đến tình trạng trên 2.474 cuộc đình công, lãn công trong thời gian gần đây chính là do thiếu hẳn sự lãnh đạo đình công của công đoàn mặc dù đã được luật trao quyền.
Không ngoa khi nói rằng cán bộ công đoàn cơ sở hiện nay là người đang sống giữa hai “làn đạn”. Vì một mặt, họ phải chịu sự chi phối rất lớn từ phía chủ DN bởi họ trực tiếp là người vừa phải ký hợp đồng lao động với chủ DN để thực hiện nhiệm vụ của chủ DN giao, ăn lương chủ DN trả, hưởng những quyền lợi (nếu có) từ chủ DN. Ở một góc độ nào đó, thì rõ rạng họ là người chịu ơn chủ DN và trong bối cảnh việc ít, người nhiều họ còn bị mối đe dọa bị sa thải thường xuyên lơ lửng nếu trái ý với chủ DN vì trong thực tế đã từng xảy ra việc cán bộ công đoàn cơ sở bị chủ DN trù dập, đuổi việc. Mặt khác, cán bộ công đoàn cũng lại chịu áp lực từ phía người lao động, bởi họ được người lao động giao phó đảm trách công tác công đoàn, đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Mỗi khi có tranh chấp, mâu thuẫn giữa chủ sử dụng lao động và người lao động tăng cao, công đoàn ở giữa bị dồn nén từ hai phía, trong bối cảnh đó vai trò của công đoàn bị lu mờ là điều khó tránh khỏi.
Đại điện tổ chức công đoàn của Công ty cổ phần xây dựng Sông Đà 5 đã đưa ra một con tính, với một Chủ tịch công đoàn bán chuyên có gần 2.000 thành viên và mục tiêu phấn đấu hoạt động công đoàn ở mức trung bình thì phải mất từ 30-40% thời gian làm việc trong tháng, nhưng phụ cấp kiêm nhiệm được hưởng là 0,4 x 650.000đ = 270.000đ/tháng. Như vậy, việc đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt tình ở Chủ tịch công đoàn có là quá cao trong khi nền kinh tế thị trường, ảnh hưởng về vật chất là rất lớn? Hơn nữa, chế tài để bảo vệ Chủ tịch công đoàn cơ sở khi có tài ương đến với mình về việc làm vật chất nằm ở đâu trong luật trong khi quyền và trách nhiệm lại quá lớn?
Cần lắm sự bảo vệ
Có thể khẳng định ngay rằng, xây dựng một “tấm áo giáp” pháp lý cho cá bộ công đoàn cơ sở không phải là vấn đề của riêng nước ta mà đã từng xảy ra tại rất nhiều quốc gia khác, nơi có sự hiện hữu của tổ chức công đoàn. Giải quyết vấn đề này, Luật Công đoàn của Trung quốc đã đưa ra các quy định khá rắn. Ví dụ như không được thuyên chuyển Chủ tịch công đoàn hay Phó chủ tịch công đoàn sang đơn vị khác trước khi họ kết thúc nhiệm kỳ; hay thời gian của hợp đồng lao động của những người đảm nhiệm hai vị trí này sẽ từ động gia hạn kể từ ngày họ đảm nhận chức danh và gia hạn bằng với nhiệm kỳ của họ; việc trù dập những cán bộ công đoàn đang làm nhiệm vụ bằng cách thuyên chuyển công tác sẽ bị cơ quan hành chính về lao động yêu cầu điều chỉnh và khôi phục lại vị trí và yêu cầu bồi thường nếu có, việc xâm phạm thân thể, danh dự cán bộ công đoàn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự...
Ở Việt Nam, khi xây dựng Luật Công đoàn cách đây 19 năm, các nhà làm luật hẳn chưa tính đến tình huống này. Vì thế, trong luật không hệ có một điều khoản nào nhắc tới cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn cơ sở và trong thực tế công tác công đoàn ở nhiều nơi không thể khởi sắc cũng vì nguyên do này. Từ bức xúc thực tiễn cũng như tiếp thu đóng góp của các công đoàn cơ sở, dự thảo Luật Công đoàn sủa đổi đã dành hẳn một điều quy định về cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn. Theo đó, người lao động làm công tác công đoàn không những được đảm bảo việc ký kết hợp đồng lao động phù hợp với nhiệm kỳ tham gia ban chấp hành, đảm bảo không bị chủ sử dụng lao động hạ lương, sa thải nếu không có sự chấp thuận của công đoàn cơ sở hai cấp, mà còn được hỗ trợ một khoản phụ cấp nhằm ổn định cuộc sống trong thời gian người lao động làm công tác công đoàn bị gián đoạn việc làm. Tuy nhiên, mức trợ cấp này là bao nhiêu thì chưa thấy quy định tới.
Xuân Hoa
Đại điện Liên đoàn lao động tỉnh Nam Định: Đề nghị xây dựng quỹ hộ trợ hoặc tìm việc làm mới cho cán bộ công đoàn cơ sở bị mất việc do hoạt động công đoàn. Ông Trần Văn Túy - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh: Luật CĐ sửa đổi cần có cơ chế phối hợp rõ ràng giữa công đoàn và chính quyền để nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức DN đối với công đoàn trong việc tổ chức thành lập và hoạt động của công đoàn, đảm bảo những điều kiện tối thiểu về cán bộ, kinh phí và bảo vệ cán bộ công đoàn. |