Bộ Tư pháp vừa quyết định thành lập Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột đặt tại TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Dự kiến, Trường sẽ tuyển sinh khóa đầu tiên vào tháng 11 – 12 năm nay. Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền nhân sự kiện quan trọng này.
Tăng cường năng lực cán bộ tư pháp cơ sở
PV: Xin Thứ trưởng cho biết xuất phát từ yêu cầu nào mà Bộ Tư pháp quyết định thành lập trường Trung cấp Luật ?
*. Bộ Tư pháp quyết định thành lập Trường Trung cấp Luật xuất phát từ những lý do chủ yếu sau đây. Thứ nhất, việc thành lập trường Trung cấp Luật là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu tăng cường năng lực của bộ máy hành chính nhà nước, đặc biệt ở cấp cơ sở, trong quá trình cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp tới năm 2020. Đó cũng là việc cấp bách nhằm thực hiện một trong các ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2009 của Ngành Tư pháp. Thứ hai, việc thành lập trường Trung cấp Luật nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ và lực lượng lao động có trình độ trung cấp. Theo khảo sát, thống kê của Bộ Tư pháp, hiện có khoảng 37% công chức Tư pháp - Hộ tịch trong cả nước chưa có trình độ trung cấp luật và thường có sự biến động do thay đổi vị trí công tác. Ngoài ra, việc thành lập một số trường trung cấp luật còn nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo trung cấp luật cho cán bộ, công chức công tác tại các Phòng Tư pháp, Thi hành án dân sự địa phương (cán sự pháp lý), đội ngũ giúp việc cho các chức danh tư pháp khác (như Thư ký Toà án, cán bộ giúp việc các Văn phòng Luật sư, Văn phòng công chứng và Phòng công chứng…), các doanh nghiệp, các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị - xã hội, cấp uỷ, chính quyền địa phương… Do đó, việc thành lập một số trường trung cấp luật sẽ góp phần tạo sự cân đối trong việc cung ứng nguồn lao động, khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” và chống lãng phí trong đầu tư cho giáo dục - đào tạo của Nhà nước và xã hội.
Ngoài ra, việc thành lập trường trung cấp luật cũng là nhằm khắc phục những bất cập trong đào tạo trung cấp luật hiện nay.
Ưu tiên đào tạo cán bộ cho Tây Nguyên
PV: Tại sao Bộ Tư pháp lại chọn khu vực Tây Nguyên để thành lập trường Trung cấp Luật đầu tiên, thưa Thứ trưởng?
*. Như chúng ta đều biết, trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta chủ trương tập trung mọi nguồn lực nhằm xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng khu vực Tây Nguyên, trong đó có mục tiêu củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở, từng bước xây dựng và hoàn thiện đội ngũ cán bộ chính quyền các tỉnh khu vực Tây Nguyên vững mạnh, đủ về số lượng, có phẩm chất và năng lực quản lý điều hành…Thực hiện chủ trương nêu trên, một số Bộ, ngành ở Trung ương đã thành lập các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp tại tỉnh Đắk Lắk (Đại học Tây Nguyên, Phân viện của Trường Đại học Giao thông vận tải, Phân viện của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh...), nhưng đến thời điểm hiện nay, khu vực Tây Nguyên vẫn chưa có cơ sở đào tạo luật, trong khi nhiệm vụ đào tạo, phát triển và tạo nguồn cán bộ Tư pháp - Hộ tịch tại chỗ, đặc biệt là cán bộ người dân tộc thiểu số có trình độ trung cấp luật ở khu vực Tây Nguyên rất cấp bách, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, cải cách pháp luật và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trước yêu cầu của thực tiễn và nhiệm vụ chính trị nêu trên, Bộ Tư pháp nhận thấy, trước mắt cần tập trung triển khai, xây dựng trường trung cấp luật tại khu vực Tây Nguyên (Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).
Khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”
PV: Chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo của Trường Trung cấp Luật được xây dựng theo hướng nào để đảm bảo chất lượng đào tạo cho các đối tượng học viên khác nhau?
*. Trên cơ sở mục tiêu, phương châm đào tạo là chú trọng trang bị kỹ năng nghề nghiệp theo yêu cầu công việc và giúp học viên có một nền tảng tư duy pháp lý cơ bản, từ đó góp phần tạo sự cân đối trong việc cung ứng nguồn lao động, khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” và chống lãng phí trong đầu tư cho giáo dục - đào tạo của Nhà nước, của xã hội nên nội dung và chương trình đào tạo trung cấp luật được xây dựng theo các yêu cầu sau đây. Một là, giúp học viên nắm vững các quy định của Hiến pháp; có kiến thức cơ bản về hệ thống pháp luật, nắm vững các nguyên tắc, quy định cơ bản của các ngành luật trong hệ thống ngành luật nước ta. Hai là, thiết thực, khoa học, liên thông và phù hợp với trình độ thực tế của học viên và tình hình kinh tế - xã hội của từng khu vực, từng vùng miền, từng giai đoạn và của đất nước. Ba là, giúp học viên dễ dàng vận dụng kiến thức đã được đào tạo vào công việc thực tiễn được giao, mang tính ứng dụng, cụ thể, sát thực tiễn, phù hợp với vị trí công việc sau khi học viên tốt nghiệp. Bốn là, tăng cường kỹ năng nghiệp vụ và kỹ năng thực hành phù hợp với từng đối
PV: Sau trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột, Bộ Tư pháp có dự định mở thêm trường Trung cấp Luật ở khu vực nào khác hay không?
*. Sau khi Trường Trung cấp Luật Buôn Mê Thuột được thành lập và đi vào hoạt động, theo từng giai đoạn, trên cơ sở đánh giá nhu cầu thực tế và nhiệm vụ chính trị được giao, Bộ Tư pháp dự kiến sẽ xây dựng các đề án cụ thể để từ năm 2009 đến năm 2020 có thể thành lập thêm 4 trường trung cấp luật trong phạm vi cả nước tại 4 khu vực là Đông Bắc, Tây Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây Bắc.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Hương Giang