Phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi; “Siết chặt” đào tạo tiến sỹ; Được hưởng tín dụng ưu đãi thay vì miễn học phí: đây là ba vấn đề lớn nhất trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục được “mổ xẻ” trong ngày làm việc cuối cùng phiên họp thứ 22 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội diễn ra cuối tuần qua.
Phổ cập mầm non 5 tuổi
Nhiều ý kiến cho rằng đầu tư cho giáo dục mầm non trong thời gian qua chưa tương xứng, hiện tỷ lệ trẻ trong độ tuổi mầm non được đến trường còn thấp. Trẻ chưa được tiếp cận với các phương pháp dạy học mới, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ về mọi mặt vì đây là cấp học “nền móng”. Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục quy định “phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi” (hiện chỉ quy định phổ cập đối với giáo dục tiểu học và THCS).
Nhiều ý kiến đồng tình với việc bổ sung quy định nói trên. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, theo ông Nguyễn Văn Thuận, là hiện nay cơ sở vật chất của ta còn chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt ở các thành phố lớn. “Trường thiếu, nhiều khi cô muốn nhận trò nhưng cũng chịu”, ông Thuận bức xúc.
Ông Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đồng ý với ông Thuận và cho rằng quy định này đã thể hiện tại Nghị quyết 35 của Quốc hội mới ban hành ngày 19/6/2009 nên cần cân nhắc việc “luật hóa” phổ cập mầm non 5 tuổi, nếu không cẩn thận sẽ rất khó khả thi. Ông Đàn phân tích những khó khăn trên ba phương diện: cơ sở vật chất, giáo viên và giáo trình. “Chỉ cần ra khỏi Hà Nội đến vùng Hà Tây cũ thôi, mọi chuyện đã khác hẳn, chưa nói đến vùng sâu, vùng xa, nơi tỷ lệ trẻ được đến trường rất thấp”. Ông Đàn nêu thực tế.
Chỉ được hưởng tín dụng ưu đãi.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đánh giá: sau 3 năm triển khai Luật Giáo dục cho thấy, nhờ quy định miễn học phí mà nguồn tuyển sinh vào các trường sư phạm đã được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng thì bất cập là ở chỗ một bộ phận không nhỏ người học sau khi ra trường không tham gia giảng dạy, điều này gây lãng phí cho ngân sách nhà nước và không công bằng trong việc thực hiện chính sách học phí.
Do vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cần phải sửa đổi chính sách này theo hướng: thay vì miễn học phí, sinh viên sư phạm sẽ được hưởng tín dụng ưu đãi. Tức là nếu sau khi ra trường mà công tác trong môi trường sư phạm thì không phải hoàn trả khoản tín dụng đã vay.
Nhất trí với đề nghị của Chính phủ, tuy nhiên, theo ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội thì cần phải quy định rõ thời gian tối thiểu mà học sinh, sinh viên sư phạm ra trường đảm nhận công tác tại cơ sở giáo dục.
Nhìn nhận vấn đề ở một khía cạnh khác, ông Trần Thế Vượng, Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội đặt câu hỏi: nhiều sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm dù họ đã “gõ cửa” nhiều nơi. Ngược lại, những sinh viên ưu tú, khi chưa ra trường đã được các cơ quan nhà nước “mời” về làm việc. Dự thảo quy định cứng nhắc phải công tác trong các cơ sở giáo dục này, kia thì những trường hợp trên bắt họ hoàn lại khoản đã vay hay sao?
Cũng như ông Vượng, nhiều ý kiến tỏ rõ sự băn khoăn, vì nếu thay đổi chính sách sẽ tác động lớn với xã hội. Do đó, cần phải tính toán kỹ.
Kéo dài thời gian đào tạo tiến sỹ.
Hiện nay, Luật Giáo dục hiện hành quy định đào tạo trình độ tiến sỹ được thực hiện trong 4 năm học đối với người có bằng tốt nghiệp đại học, từ 2 đến 3 năm đối với người có bằng thạc sỹ. Trường hợp đặc biệt, thời gian đào tạo tiến sỹ có thể được kéo dài theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, quy định nói trên chưa phù hợp ở chỗ, thời gian 2 năm là quá ngắn đối với người có bằng thạc sỹ, như vậy sẽ không đảm bảo chất lượng. Ngược lại, một số trường hợp người có khả năng học tập có thể hoàn thành chương trình đào tạo trước thời gian luật cho phép. Do đó, Dự thảo đã quy định thời gian đào tạo tiến sỹ đối với người có bằng thạc sỹ là 3 năm (thay vì từ 2-3 năm như hiện nay); đồng thời bổ sung quy định cụ thể về thời gian đào tạo có thể được kéo dài (không quá 2 năm) hoặc rút ngắn (không quá 6 tháng) trong trường hợp đặc biệt.
Một số ý kiến trong Thường vụ không đồng ý mà đề nghị giữ nguyên như Luật hiện hành để đảm bảo tính linh hoạt cho cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, một số ý kiến lại đồng tình nhưng đề nghị quy định cụ thể hơn với những trường hợp rút ngắn thời gian đào tạo. Quan trọng nhất trong các quy định này là làm sao để chúng ta thực sự có được đội ngũ tiến sỹ có chất lượng chứ không phải vì thời gian dài hay ngắn mà “chín ép”.
Thu Hằng
Ông Trần Thế Vượng, Trưởng ban dân nguyện QH: nhiều sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm dù họ đã “gõ cửa” nhiều nơi. Ngược lại, những sinh viên ưu tú, khi chưa ra trường đã được các cơ quan nhà nước “mời” về làm việc. Dự thảo quy định cứng nhắc phải công tác trong các cơ sở giáo dục này, kia thì những trường hợp trên bắt họ hoàn lại khoản đã vay hay sao? |