Hà Tĩnh: Linh hoạt, sáng tạo triển khai tiêu chí tiếp cận pháp luật tại xã, phường

24/05/2023
Hà Tĩnh: Linh hoạt, sáng tạo triển khai tiêu chí tiếp cận pháp luật tại xã, phường
Đến nay, tại tỉnh Hà Tĩnh có 209/216 xã, phường đạt chuẩn theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Nhiều xã, huyện có cách làm mới, sáng tạo góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân.
Linh hoạt tuyên truyền, sáng tạo cách làm
Về xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà không chỉ ghi dấu ấn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao mà còn là điểm sáng, nhiều cách làm hay trong tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL). Là địa phương vừa sáp nhập 3 xã gồm Phù Việt, Việt Xuyên, Thạch Tiến thành xã Việt Tiến có 2.697 hộ, 8.863 nhân khẩu trải dài trên 15 thôn. Bà Thái Thị An- Cán bộ Tư pháp-Hộ tịch xã Việt Tiến cho biết: Xã có địa bàn rộng vì vậy để làm tốt trong việc tuyên truyền PBGDPL đến tận người dân cần phải phối hợp vận động các đoàn thể ở địa phương vào cuộc.
Cụ thể như ở Việt Tiến thời gian qua phối hợp chặt chẽ với Hội Phụ nữ thành lập các câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, nổi bật 2 câu lạc bộ ở thôn Hòa Bình thành lập năm 2017 và thôn Bùi Xá thành lập năm 2021. Mỗi câu lạc bộ này gần 200 thành viên, khi thành lập có điều lệ bài bản, rõ ràng, mỗi tháng sinh hoạt một lần.
 
Tại huyện Thạch Hà thành lập được nhiều câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”.
 
Chị Nguyễn Thị Hạnh ở thôn Hòa Bình xã Việt Tiến nói: “Khi tham gia vào câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật tôi không chỉ được cán bộ tư pháp huyện, xã về tuyên truyền chính sách pháp luật theo chuyên đề từng tháng, quý, mà mỗi gia đình, mỗi người khi có vướng mắc về các thủ tục pháp lý như đất đai đều được cán bộ giải đáp, hỗ trợ miễn phí tận tình. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ như hiện nay nhiều thủ tục, giấy tờ giải quyết trên máy tính, điện thoại rất thuận lợi.
Tuy nhiên đối với người dân nông thôn chưa am hiểu sâu nên nhiều trường hợp vẫn bị các đối tượng lừa đảo trên mạng nhắm đến. Vì vậy, khi tôi tham gia vào câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật không chỉ được tiếp cận các thông tin tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt định kỳ mà thông qua chính mạng xã hội như Zalo, Facebook hàng ngày các thành viên trong câu lạc bộ gửi đến các văn bản, những bản tin pháp luật cảnh báo các dạng lừa đảo mới nhất để người dân phòng tránh”.
Còn tại huyện Kỳ Anh, tuyên truyền PBGDPL được địa phương này triển khai quyết liệt, linh hoạt với nhiều cách làm hay. Đặc biệt, trong công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thì huyện Kỳ Anh là một trong những địa phương dẫn đầu. Ông Lê Đình Nhất- Trưởng phòng Tư pháp huyện Kỳ Anh cho biết: Từ năm 2013 đến nay, UBND huyện đã ban hành 51 kế hoạch, hơn 80 văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Luật PBGDPL.
Toàn huyện đã tổ chức và lồng ghép tổ chức 4.453 hội nghị, lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hơn 379.574 lượt người; 17 cuộc thi thu hút 86.099 lượt người tham gia. Huyện Kỳ Anh cũng đã thực hiện 4.568 chương trình phát thanh trên sóng truyền thanh, đăng tải hơn 8.000 tin, bài trên phương tiện thông tin đại chúng.
Huyện Kỳ Anh đã thành lập được các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật như xây dựng chương trình truyền thanh “pháp luật với người dân”; thành lập 18 CLB pháp luật tại cơ sở và 1 CLB pháp luật cấp huyện, tổ chức các cuộc thi rung chuông vàng tìm hiểu pháp luật, cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về ATGT; phòng, chống bạo lực học đường và tác hại thuốc lá cho tất cả 19 trường học gồm 16 trường THCS và 3 trường THPT trên địa bàn. Phòng Tư pháp huyện triển khai xuống các xã, phường để phổ biến pháp luật thông qua mạng xã hội đến tận thôn, xóm đưa người dân vào nhóm Zalo để tuyên truyền phổ biến pháp luật.

Thường xuyên kiểm tra, đánh giá trung thực
Ông Đinh Văn Hồng-Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Tĩnh cho biết: Nhằm nắm bắt công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Sở Tư pháp thường xuyên theo dõi, đồng thời tổ chức kiểm tra tại tại nhiều địa phương.
 
Linh hoạt và đa dạng hóa trong việc tuyên truyền PBGDPL cho người dân và học sinh, sinh viên tại Hà Tĩnh.

Riêng trong năm 2022, Sở đã tham mưu Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã thành lập 3 đoàn kiểm tra, trực tiếp kiểm tra tại một số đơn vị cấp huyện và cấp xã, thành lập đoàn kiểm tra công tác tư pháp trong đó có nội dung kiểm tra về tình hình, kết quả thực hiện công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Ngoài ra, để phục vụ xem xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, UBND tỉnh giao Sở Tư pháp trực tiếp thẩm định việc thực hiện nhiệm vụ này tại một số địa phương.
Thông qua kiểm tra và nắm bắt thực tiễn triển khai Bộ tiêu chí tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp kịp thời tham mưu các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, hướng dẫn thực hiện nhiều nội dung liên quan đến tiếp cận pháp luật như: việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở; việc bố trí và phân công công chức trong thực hiện nhiệm vụ, việc bố trí nguồn lực và điều kiện bảo đảm thực hiện… Sở Tư pháp đã tiến hành rà soát các mô hình thông tin, PBGDPL có hiệu quả tại các ngành, địa phương, đơn vị, trên cơ sở đó đã tổng hợp, chọn lọc và giới thiệu một số mô hình để các địa phương tham khảo và nhân rộng.
Ông Hồng cho biết thêm: Việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Nhờ đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, Nhân dân; bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin của công dân đối với các quy định của pháp luật, xây dựng nền hành chính cơ sở ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại. Trong năm 2022 toàn tỉnh Hà Tĩnh có 209/216 xã, phường thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Có 7 đơn vị cấp xã không đạt chuẩn tiếp cận pháp luật do có người đứng đầu cấp ủy, chính quyền bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Nguyễn Hồng Lĩnh: Để thực hiện nhiệm vụ tham mưu quản lý Nhà nước về chuẩn tiếp cận pháp luật, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã bố trí, cấp kinh phí cho Sở Tư pháp từ 70-100 triệu đồng/năm, UBND cấp huyện đã bố trí từ 30-50 triệu đồng/năm. Riêng công tác PBGDPL, hàng năm UBND tỉnh bố trí cấp kinh phí cho cơ quan thực trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh từ 600-900 triệu đồng, mỗi Đề án PBGDPL được bố trí 150 triệu đồng, UBND cấp huyện bố trí từ 100-200 triệu đồng, cấp xã được bố trí từ 5-25 triệu đồng.
 
Hữu Anh