Tư pháp Đồng Nai nỗ lực vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022

16/01/2023
Tư pháp Đồng Nai nỗ lực vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022
Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI; mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025. Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, Tư pháp Đồng Nai đã chủ động bám sát và khẩn trương triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý, tổ chức thực hiện với tinh thần vào cuộc “từ sớm, từ xa”; tập trung triển khai hiệu quả các nhiệm vụ và giải quyết, xử lý kịp thời những vấn đề mới phát sinh. Kết quả các mặt công tác có nhiều nổi bật, được Bộ Tư pháp đánh giá hoàn thành xuất sác nhiệm vụ được giao.
Trong năm 2022, Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua 35 Nghị quyết quy phạm pháp luật (QPPL); UBND tỉnh ban hành 54 Quyết định QPPL, Sở Tư pháp thực hiện góp ý hơn 1.500 dự thảo văn bản, thẩm định 77 dự thảo văn bản QPPL. Sở Tư pháp cũng đã thường xuyên kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, qua đó, kịp thời kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới để đảm bảo tính thống nhất, minh bạch và hoàn thiện của hệ thống văn bản QPPL. Đồng thời thực hiện tốt vai trò là ”người gác cổng” đối với việc xử lý các vấn đề liên quan đến pháp lý của các dự án, công trình lớn của tỉnh đặc biệt là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh, Sở Tư pháp tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật với nhiều hình thức phù hợp với đối tượng và địa bàn, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với những sự kiện chính trị quan trọng, các vấn đề dư luận quan tâm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật với nhiều hình thức đa dạng. Theo đó, Sở Tư pháp đã tổ chức thành công Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật năm 2022”, Hội thi tìm hiểu pháp luật về an toàn thông tin và bảo vệ bí mật nhà nước; chủ trì, phối hợp với công an tỉnh và trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống ma túy cho sinh viên của trường. Hội thi đã góp phần đẩy mạnh việc tuyên truyền phòng, chống ma tuý trong các trường học đồng thời huy động sự tham gia của các trường học trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Trong năm 2022, hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật qua mạng xã hội tiếp tục được nhân rộng với các mô hình fanpage trên facebook và OA trên zalo. Một số trang thu hút được hàng chục nghìn người theo dõi và hoạt động rất hiệu quả như “Thời sự Đồng Nai” của Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai với gần 262.000 người theo dõi; Báo Đồng Nai với hơn 134.000 người theo dõi; “Tuổi trẻ Đồng Nai” của tỉnh Đoàn với hơn 44.000 người theo dõi; “Thông tin giáo dục Đồng Nai” của Sở Giáo dục và Đào tạo với hơn 71.000 người theo dõi; “Hội Liên hiệp Phụ nữ Đồng Nai” với gần 42.000 lượt theo dõi; “Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai”, “Tuổi trẻ Công an Đồng Nai” với hơn 13.000 người theo dõi. Đây là hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật rất hiệu quả, giúp tiếp cận nhanh và nhiều các đối tượng tuyên truyền lại tiết kiệm chi phí. 
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2022 ngày càng thiết thực, đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả với chuỗi các sự kiện tổng kết 10 năm Ngày Pháp luật với nhiều hình thức như treo băng rôn tuyên truyền trên các tuyến đường; tuyên truyền, hưởng ứng trên phương tiện thông tin đại chúng, Cổng/Trang thông tin điện tử và hệ thống loa truyền thanh cơ sở, mạng viễn thông, mạng xã hội (facebook, zalo...); tổ chức toạ đàm, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao ở cơ sở, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở... Sở Tư pháp vinh dự là 01 trong 02 Sở Tư pháp trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Ngày Pháp luật.
Công tác trợ giúp pháp lý tiếp tục có những kết quả tích cực. Cụ thể, Trung tâm trợ giúp pháp lý và các chi nhánh đã trợ giúp pháp lý đã thực hiện 299 vụ việc với kết quả đánh giá chất lượng, hiệu quả 100% đạt tốt; thực hiện tiếp và tư vấn cho hơn 600 người dân không thuộc đối tượng được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí nhưng có nhu cầu giải đáp vướng mắc các vấn đề liên quan đến pháp luật hình sự, dân sự, đất đai và một số lĩnh vực khác.
Công tác quản lý nhà nước về hộ tịch, quốc tịch, chứng thực và cấp phiếu lý lịch tư pháp được thực hiện thường xuyên, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của Nhân dân. Trong năm 2022, giai đoạn 2 việc thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch điện tử theo Kế hoạch số 13190/KH-UBND ngày 14/11/2019 của UBND tỉnh về việc thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch lịch sử trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc đã hoàn thành.
 

 
Đối với công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức hành nghề, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và tính pháp lý của các hợp đồng, giao dịch; thực hiện nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi sai phạm. Trong năm 2022, Sở Tư pháp đã thanh tra, kiểm tra 21 tổ chức hành nghề công chứng, kiểm tra đột xuất 07 văn phòng công chứng, xử phạt với số tiền hơn 200 triệu đồng.
Bên cạnh đó, các tổ chức hành nghề đấu giá trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đấu giá 177 cuộc; tổng giá trị khởi điểm tài sản đưa ra đấu giá hơn 207 tỷ đồng; tổng giá trị tài sản bán được qua đấu giá là gần 221 tỷ đồng; chênh lệch giữa giá khởi điểm và giá trị tài sản bán được gần 14 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước hơn 177 triệu đồng; các tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện công chứng 311.232 việc, thu phí gần 136 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 15 tỷ đồng; các tổ chức hành nghề luật sư đã thực hiện 1.825 việc, doanh thu đạt hơn 39 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 3,5 tỷ đồng.
Công tác chuẩn tiếp cận pháp luật tiếp tục được Sở Tư pháp quan tâm tham mưu thực hiện gắn với nhiệm vụ của ngành tư pháp trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Sở Tư pháp đã đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ của Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022”; tổ chức 12 hội nghị tập huấn kỹ năng hòa giải cho đội ngũ tập huấn viên cấp huyện, hòa giải viên ở cơ sở với hơn 3.600 người tham dự. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 936 tổ hòa giải, với 5.436 hòa giải viên, từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/10/2022, các tổ hòa giải đã tiếp nhận 1.534 vụ việc yêu cầu hòa giải, trong đó hòa giải thành 1.168 vụ (đạt tỷ lệ 78%), cao hơn năm 2021 (77%).
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính tiếp tục phát huy hiệu quả, chất lượng phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn. Sở Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành quản lý công việc trong cơ quan; khai thác, sử dụng hệ thống quản lý văn bản vào công việc; sử dụng chữ ký số điện tử. Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng các phần mềm chuyên ngành, phần mềm một cửa liên thông hiện đại (Egov) trong việc theo dõi quá trình tiếp nhận, luân chuyển, giải quyết và trả kết quả hồ sơ. Kết quả trong năm 2022, Sở Tư pháp đã tiếp nhận, giải quyết hơn 25.000 hồ sơ thủ tục hành chính, đúng và trước hạn hồ sơ đạt tỷ lệ trên 97%. Tiếp tục triển khai đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến thông qua mạng Internet và hệ thống bưu điện; chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Tăng cường thực hiện Quy trình quản lý, vận hành các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đã triển khai tại Sở Tư pháp theo hướng xác định rõ trách nhiệm của từng công chức, viên chức; nhận, trả hồ sơ thông qua hệ thống bưu chính; tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ, tra cứu thủ tục hành chính, gửi thông báo, thư xin lỗi qua tin nhắn SMS, Zalo.
Về công tác hộ tịch, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh tổng kết 6 năm thi hành Luật Hộ tịch. Đặc biệt, trong năm 2022, ban hành các Kế hoạch kiểm tra chuyên đề về công tác hộ tịch tại địa phương. Qua đó chấn chỉnh và tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, tồn tại trong công tác đăng ký hộ tịch, lưu trữ sổ hộ tịch và một số vấn đề cần lưu ý trong việc phối hợp cơ quan công an cấp mã số định danh cá nhân. Trong năm 2022, các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn tỉnh đã cấp 30.906 giấy khai sinh (trong đó có 174 trường hợp có yếu tố nước ngoài); 8.620 đăng ký khai tử (có yếu tố nước ngoài là 34 trường hợp); 17.415 trường hợp đăng ký kết hôn (có yếu tố nước ngoài là 01 trường hợp). Triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch toàn tỉnh được 1,6 triệu thông tin, phục vụ tra cứu và kết nối liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo yêu cầu của Đề án 06.
Với những kết quả nêu trên, năm 2022, Sở Tư pháp được Bộ Tư pháp đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác tư pháp và công tác thi đua, khen thưởng. Trong năm có 01 tập thể nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 01 tập thể và 01 cá nhân nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, 07 tập thể và 07 cá nhân nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về các thành tích trong các phong trào thi đua theo chuyên đề.
Đồng Hoa