Ngày 26/4/1982 là mốc son lịch sử đáng nhớ nhất đối với các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức của ngành Tư pháp tỉnh Phú Thọ. Đó là sự kiện Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ được thành lập trên cơ sở tiền thân là Phòng Pháp chế thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, nằm trong dòng sự kiện chính trị - pháp lý Bộ Tư pháp được tái lập và hệ thống tổ chức của ngành Tư pháp từ Trung ương đến cơ sở được hình thành và củng cố.
Trải qua 40 năm, cùng với sự phát triển của ngành Tư pháp cả nước nói chung, ngành Tư pháp tỉnh Phú Thọ đã trải qua nhiều chặng đường và có bước trưởng thành đáng ghi nhận; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp và Tư pháp cấp huyện, xã ngày càng được mở rộng và tăng cường. Theo Nghị định số 143-HĐBT ngày 22/11/1981 của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư số 08/TT ngày 06/01/1982 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, vào những ngày đầu mới thành lập, Sở Tư pháp thực hiện chức năng tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước đối với 05 lĩnh vực (quản lý văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, quản lý Toà án nhân dân cấp huyện về tổ chức và thực hiện một số lĩnh vực công tác tư pháp bổ trợ, quản lý tư pháp cơ sở). Qua nhiều lần bổ sung, chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, đến nay, thực hiện Thông tư số 07/2020/TT-BTP ngày 21/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước đối với 26 nhóm lĩnh vực (công tác xây dựng và thi hành pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật; kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; pháp chế; chứng thực; nuôi con nuôi; hộ tịch; quốc tịch; lý lịch tư pháp; bồi thường nhà nước; trợ giúp pháp lý; luật sư, tư vấn pháp luật; công chứng; giám định tư pháp; đấu giá tài sản; trọng tài thương mại; hòa giải thương mại; thừa phát lại; quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản; đăng ký biện pháp bảo đảm; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; công tác tư pháp khác và dịch vụ sự nghiệp công thuộc ngành), gấp 5 lần so với những ngày đầu thành lập. Nhiều lĩnh vực công tác của Sở, ngành Tư pháp tỉnh Phú Thọ đã đạt được những thành công rất đáng tự hào.
Kể từ khi thành lập Sở cho tới hiện nay, công tác văn bản quy phạm pháp luật luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhất, đặc trưng nhất của ngành Tư pháp và được các thế hệ lãnh đạo ngành rất quan tâm xây dựng. Cùng với sự miệt mài, tận tâm và trí tuệ của lớp lớp cán bộ, công chức, chất lượng và tiến độ xây dựng, thẩm định, kiểm tra VBQPPL, tư vấn pháp lý luôn được cải thiện theo thời gian, dần khắc phục tính pháp lý thuần túy, gắn kết chặt chẽ hơn với các chỉ số và thực trạng kinh tế - xã hội; từng bước hạn chế tình trạng ban hành văn bản QPPL trái pháp luật, góp phần quan trọng trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật của tỉnh. Dấu ấn quan trọng của công tác văn bản là 4 lần thực hiện hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; tham mưu Lãnh đạo tỉnh tổng kết 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, tham gia góp ý dự thảo và triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013 cũng như triển khai các Luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp; hoàn thành cuốn "Sổ tay hướng dẫn thực hiện các thủ tục đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh Phú Thọ" dưới hình thức điện tử và xây dựng Trang Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để cập nhật thường xuyên các thông tin pháp lý hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp,… Sở cũng được Lãnh đạo tỉnh và các Sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị tín nhiệm trong tư vấn giải quyết các vụ việc phức tạp, các dự án trọng điểm của tỉnh,… Công tác theo dõi thi hành pháp luật bắt đầu được triển khai từ năm 2010, đặt nền móng hình thành bước chuyển chiến lược xây dựng và hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh việc duy trì các phương thức phổ biến pháp luật truyền thống, Sở đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để truyền tải nhiều thông tin pháp luật đến với đông đảo Nhân dân và cán bộ, CCVC trên địa bàn tỉnh; Sở đã xây dựng và quản trị 03 Trang TTĐT, 01 Fanpage Phổ biến, giáo dục pháp luật trên nền tảng mạng xã hội. Sở cũng định hướng tăng cường tuyên truyền trực quan thông qua băng zôn, khẩu hiệu, tờ gấp và phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông để gửi tin nhắn tuyên truyền pháp luật đến các thuê bao di động, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến. Điểm nổi bật của công tác PBGDPL trong thời gian qua là phối hợp tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam với Ngày Hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư hằng năm, đây là sáng kiến mang lại hiệu quả thiết thực, giúp Ngày Pháp luật Việt Nam dù mới được ra đời nhưng đã nhanh chóng lan toả trong đời sống xã hội. Với nhiều năm kiên trì thực hiện các phương thức, giải pháp tuyên truyền pháp luật đồng thời làm rõ trách nhiệm của các cấp, ngành, đặc biệt từ khi có Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Luật PBGDPL, đến nay công tác PBGDPL đã được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ và đạt được nhiều kết quả quan trọng; mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, công dân đều quan tâm tổ chức triển khai, tìm hiểu và thực hiện pháp luật; các thông tin pháp luật đa dạng và dễ tìm kiếm ở nhiều kênh, phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng.
Là chức năng, nhiệm vụ truyền thống của ngành Tư pháp, công tác hộ tịch trên địa bàn tỉnh đã có nhiều bước đột phá theo hướng tạo nhiều thuận lợi, hạn chế hiện tượng gây khó khăn, phiền hà và bảo đảm tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Đặc biệt, Sở đã chủ trì, phối hợp với các ngành đề xuất thực hiện hai thủ tục liên thông “đăng ký khai sinh – đăng ký thường trú – cấp thẻ bảo hiểm y tế” và “đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí”. Các thủ tục hành chính trong lĩnh vực này được thực hiện nhanh, chính xác và tiết kiệm chi phí. Toàn ngành đã và đang thực hiện lộ trình số hóa hàng triệu dữ liệu hộ tịch từ sổ giấy, cập nhật và từng bước kết nối đồng bộ với Cơ sở dữ liệu hộ tịch toàn quốc, Cơ sở dữ liệu dữ liệu quốc gia về dân cư; Sở tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến trên Cổng dịch vụ công cấp tỉnh.
Lĩnh vực bổ trợ tư pháp hiện nay đã phát triển lên thành 10 nội dung: công chứng; đấu giá tài sản; luật sư; giám định tư pháp; trợ giúp pháp lý; thừa phát lại; tư vấn pháp luật; trọng tài thương mại; hòa giải thương mại; quản lý, thanh lý tài sản. Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, hoạt động xã hội hóa đối với các lĩnh vực bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh diễn ra tương đối nhanh chóng; tính đến nay, tỉnh có 41 tổ chức với 196 người hành nghề trong lĩnh vực này (gồm 14 tổ chức hành nghề công chứng với 29 công chứng viên, 10 tổ chức hành nghề đấu giá với 24 đấu giá viên, 14 tổ chức hành nghề luật sư với 71 luật sư, 3 tổ chức giám định tư pháp với 43 giám định viên tư pháp và 29 giám định viên theo vụ việc). Nhìn chung, các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp đã đáp ứng tốt nhu cầu của các tổ chức và công dân trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý đối với các giao dịch, phục vụ đắc lực và bảo đảm tính chính xác, khách quan cho hoạt động của các cơ quan tư pháp. Sở bám sát các chỉ đạo của Bộ Tư pháp và tình hình thực tế để ban hành các văn bản chỉ đạo giải quyết, hạn chế các biểu hiện không lành mạnh, nắm bắt các sai sót, vi phạm trong hoạt động của các tổ chức để kịp thời chấn chỉnh và xử lý.
Các đơn vị sự nghiệp của Sở trong nhiều năm gần đây đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, chất lượng và hiệu quả hoạt động ngày càng nâng cao. Trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp của Sở trong lĩnh vực công chứng và đấu giá vẫn kiên trì phương châm gương mẫu thực hiện pháp luật, giữ vững đạo đức nghề nghiệp, không chạy theo lợi nhuận; vì vậy các đơn vị vẫn luôn được các tổ chức, doanh nghiệp và công dân đặt niềm tin, doanh thu của các đơn vị tăng trung bình 50%/năm, có đơn vị đạt gần 200% và luôn vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản là đơn vị đi đầu trong tỉnh về việc thực hiện đấu giá tài sản theo hình thức bỏ phiếu gián tiếp 01 vòng qua đường bưu điện; đáp ứng rất tốt yêu cầu phòng chống dịch Covid-19, hạn chế tối đa hiện tượng thông đồng, dìm giá, giảm thất thoát giá trị tài sản đấu giá. Trong giai đoạn hiện nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước đã nâng cao năng lực hoạt động theo hướng chuyên nghiệp trên cơ sở củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, đẩy mạnh hình thức thực hiện TGPL tham gia tố tụng, chú trọng các vụ việc phức tạp, điển hình; số lượng vụ việc có trợ giúp viên pháp lý tham gia chiếm trên 90% trong tổng số vụ việc TGPL đã thực hiện; số vụ việc tham gia tố tụng của các Trợ giúp viên pháp lý đều vượt chỉ tiêu được giao từ 1-3 lần. Công tác TGPL đã góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong hoạt động tố tụng.
Công tác cải cách hành chính của Sở là một trong những nội dung đạt được nhiều thành công. Về cải cách thể chế, bên cạnh việc tham mưu đắc lực việc xây dựng hệ thống pháp luật của tỉnh, Sở đã tham mưu UBND tỉnh từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý đối với các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của ngành; cho tới nay, tất cả các nội dung được Trung ương phân cấp đã được tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh. Dấu ấn lớn trong công tác CCHC là ngay từ năm 2002, Sở đã nghiên cứu và đề xuất Lãnh đạo Tỉnh tổ chức thực hiện cơ chế một cửa sớm và trên diện rộng so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong nhiều năm gần đây, khi tỉnh thực hiện đánh giá chỉ số cải cách hành chính đối với các cơ quan cấp tỉnh và huyện hàng năm, Sở luôn giữ vững vị trí xếp hạng tốp 4 cơ quan dẫn đầu. Sở thực hiện thường xuyên việc chuẩn hóa, đơn giản thủ tục hành chính; rà soát, đề xuất nâng mức độ trực tuyến, 100% TTHC đều được phê duyệt quy trình giải quyết nội bộ. Sở đã thực hiện tiếp nhận và trả kết quả đối với 114 TTHC tại Trung tâm PV hành chính công tỉnh (trong đó 32 TTHC ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức 4, 78 TTHC mức 3 và 04 TTHC mức 2). Trung bình mỗi năm, Sở giải quyết khoảng 8 nghìn thủ tục hành chính, đứng thứ ba trong các Sở, ngành về số lượng giải quyết, song tỷ lệ hồ sơ quá hạn giảm dần theo từng năm, đến năm 2020, tỷ lệ hồ sơ đúng hạn và trước hạn đạt trên 99,7%; từ năm 2021 đến nay, không có hồ sơ quá hạn. Đây là sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ CCVC làm công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính của Sở. Sở đã từng bước hiện đại hóa, hoàn thiện các thiết chế của chính quyền điện tử, đã hoàn thành đầu tư Hội trường trực tuyến, tạo cơ sở thuận lợi cho việc tổ chức các hội nghị tập huấn, giao ban trực tuyến đáp ứng yêu cầu chung và trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Cùng với việc được bổ sung thêm nhiều chức năng, nhiệm vụ thì tổ chức bộ máy, số lượng cán bộ, công chức, viên chức của Sở cũng được tăng cường, củng số. Những ngày đầu thành lập, tổ chức bộ máy Sở chỉ có Lãnh đạo Sở, 03 phòng với 13 cán bộ, trong đó có 02 đồng chí có trình độ Đại học Luật, số cán bộ còn lại có trình độ Trung cấp hoặc chưa qua đào tạo. Qua nhiều lần kiện toàn, đến nay, tổ chức bộ máy của Sở gồm có Lãnh đạo Sở, 05 phòng chuyên môn và 04 đơn vị sự nghiệp; tổng số biên chế được giao 77 CCVC; tổng số biên chế có mặt là 71, trong đó: Nam 20, Nữ 51. Về chất lượng CCVC: Thạc sỹ Luật 14, Cử nhân Luật 35, Thạc sỹ chuyên ngành khác 4, Cử nhân chuyên ngành khác 12; trình độ lý luận chính trị: Cử nhân, cao cấp 12, Trung cấp 30. Ngạch công chức, viên chức: Chuyên viên cao cấp 01, Chuyên viên chính 10, Chuyên viên và tương đương 55, Cán sự 3. Đội ngũ công chức, viên chức đã được đào tạo và thực hiện nhiệm vụ theo chức danh nghề nghiệp và theo hướng chuyên nghiệp, Sở hiện có 02 Thanh tra viên (trong đó có 01 Thanh tra viên chính), 03 Đấu giá viên, 03 Công chứng viên và có 11 Trợ giúp viên pháp lý (trong đó 3 TGVPL hạng II, 8 TGVPL hạng III). Bên cạnh việc quan tâm xây dựng đội ngũ CCVC của cơ quan, Sở luôn coi trọng việc phối kết hợp với UBND các huyện, thành, thị trong củng cố, kiện toàn đội ngũ công chức Phòng Tư pháp và công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã. Đến nay, toàn tỉnh có 42 công chức Tư pháp cấp huyện, trong đó 100% công chức có trình độ Cử nhân trở lên (trong đó 78,5% công chức có trình độ Cử nhân Luật trở lên). Đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã gồm 408 biên chế (185 xã có 02 công chức trở lên), 100% công chức có trình độ Trung cấp trở lên, 79,4% công chức có trình độ Cử nhân trở lên (trong đó 62,5% công chức có trình độ Cử nhân Luật trở lên).
Trong 40 năm qua, nhiều cán bộ, công chức, viên chức của Sở được luân chuyển, điều động, phát triển qua các vị trí công tác, các cơ quan và đại đa số đều được các đồng chí Lãnh đạo đánh giá là chuyên cần, có phương pháp nghiên cứu, khả năng tiếp cận công việc nhanh, hiệu quả công tác tốt và hơn nữa có năng lực giải quyết các nhiệm vụ phức tạp. Càng tự hào hơn khi nhiều đồng chí Lãnh đạo, công chức, viên chức của Sở đã trưởng thành, phát triển ở các cương vị Lãnh đạo tỉnh, các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện; đặc biệt, một trong 13 cán bộ đầu tiên khi thành lập Sở đã được Trung ương giao giữ vị trí, trọng trách cao nhất của tỉnh. Trong suốt chiều dài phát triển, Sở đã có những tấm gương công chức, viên chức trong khó khăn, vất vả của cuộc sống đời thường cũng như trong công việc, vẫn lao động tận tâm, nhiệt huyết, xung phong nhận những nhiệm vụ khó và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Thành công của các đồng chí lớp trước luôn là động lực cho các thế hệ CCVC của ngành hôm nay và mai sau thêm yêu ngành, yêu nghề và càng quyết tâm phấn đấu nhiều hơn nữa.
Những cống hiến của các thế hệ CCVC Sở đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng những danh hiệu và phần thưởng cao quý: Tập thể Sở nhiều năm được tặng Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp, UBND tỉnh. Đảng bộ Sở và các tổ chức đoàn thể nhiều năm liền được công nhận trong sạch vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều tập thể, cá nhân thuộc Sở đã được tặng các hình thức khen thưởng của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp, UBND tỉnh. Vinh dự hơn nữa, Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2002, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2008 và Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2021. Những thành tích mà ngành Tư pháp đã đạt được trước hết là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Bộ Tư pháp, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể; sự giúp đỡ và đồng thuận của Nhân dân. Và quan trọng, đó là sự quyết tâm, nỗ lực bền bỉ, trí tuệ, bản lĩnh của các thế hệ công chức, viên chức Sở Tư pháp.
Trong suốt chặng đường 40 năm, Sở, ngành Tư pháp luôn lấy những mục tiêu, yêu cầu cụ thể của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, việc hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp của tỉnh làm thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ và sự trưởng thành, tiến bộ của Sở. Thông qua đó thì tư duy quản lý, lãnh đạo định hướng phát triển các lĩnh vực công tác của ngành từng bước được đổi mới, bám sát và phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển của tỉnh, hướng đến đáp ứng tốt các nhu cầu pháp lý về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Cũng thông qua thước đo đó, Sở đã nhận thức đầy đủ về những hạn chế, khuyết điểm và luôn trăn trở tìm kiếm giải pháp khắc phục; đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu để trao truyền cho thế hệ CCVC hôm nay và mai sau tiếp tục vững bước đi lên.
Sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế đang tạo ra những cơ hội, thuận lợi lớn đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu, thách thức mới cho ngành Tư pháp. Càng đi sâu vào công cuộc cải cách hành chính, cải cách tư pháp và hoàn thiện hệ thống pháp luật, với các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, nhiệm vụ của ngành Tư pháp sẽ ngày càng nặng nề hơn. Đó là trách nhiệm chính, vai trò “nhạc trưởng” trong hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội, tập trung thực hiện khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh. Ngành Tư pháp phải phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan để tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành các chính sách, cơ chế thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; chủ động, tích cực, có hiệu quả hơn nữa trong việc tham gia tư vấn pháp lý đối với các vấn đề phức tạp, tồn tại trong quá trình chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hướng trọng tâm công tác tư pháp vào việc tham mưu đắc lực cho tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết những vấn đề pháp lý phát sinh ở địa phương; giải quyết hài hòa giữa chuẩn mực pháp luật với điều kiện thực tiễn của tỉnh, với mục tiêu cao nhất là xây dựng cơ chế, chính sách năng động, cởi mở thu hút đầu tư của các doanh nghiệp lớn, dự án lớn.
Thực hiện chiến lược xây dựng và hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh, công tác theo dõi thi hành pháp luật nói chung và theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói riêng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Sở nhận định đây là cơ hội thuận lợi để ngành Tư pháp phát huy và khẳng định vị thế, vai trò của mình. Vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu để có bước đi, giải pháp thích hợp, bố trí nhân lực, lựa chọn các lĩnh vực được xã hội quan tâm để tổ chức theo dõi, tham mưu giúp UBND tỉnh trong việc đánh giá thực trạng thi hành từng lĩnh vực pháp luật và kiến nghị các giải pháp sắc bén nhằm thúc đẩy thực thi pháp luật nghiêm minh hơn và tiến tới hoàn thiện pháp luật ở các lĩnh vực được theo dõi.
Với phương châm “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục được coi là nhiệm vụ trọng tâm của ngành, vì vậy cần phải có sự đổi mới về phương thức quản lý cũng như triển khai thực hiện. Bên cạnh việc tuyên truyền sâu rộng tới Nhân dân những văn bản pháp luật mới, cần thực hiện thông tin, phổ biến chính sách quan trọng trong dự thảo văn bản QPPL để thu thập được nhiều ý kiến đóng góp và tạo đồng thuận xã hội. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng nền tảng mạng xã hội để tuyên truyền đến người dân những quy định pháp luật theo hướng dễ hiểu, dễ thực hiện, giải đáp được những vấn đề mà người dân thường xuyên gặp vướng mắc trong đời sống. Tăng cường huy động các nguồn lực tham gia vào hoạt động PBGDPL.
Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực hành chính tư pháp, đặc biệt là những công việc có liên quan trực tiếp tới người dân như hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, xử lý vi phạm hành chính. Nhiệm vụ đặt ra cho toàn ngành là phải quyết liệt thực hiện đúng tiến độ việc số hoá dữ liệu hộ tịch; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ ở cơ quan Tư pháp các cấp; thường xuyên chuẩn hoá, đơn giản hoá thủ tục hành chính trong các lĩnh vực để việc cung cấp dịch vụ công cho người dân có thể thực hiện thuận lợi ở cả hai phương thức trực tiếp và trực tuyến. Tăng cường công tác bổ trợ tư pháp, nhất là việc hướng dẫn, nắm bắt tình hình, theo dõi, chấn chỉnh và xử lý vi phạm trong hoạt động bổ trợ tư pháp, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức hành nghề, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của công dân và hơn thế nữa là yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
Trên cơ sở nhận thức sâu sắc yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn và phát huy cao nhất hiệu suất công tác; xây dựng đội ngũ công chức, viên chức liêm chính, tinh thông nghề nghiệp, nắm vững pháp luật. Với niềm phấn khởi và tự hào về những thành tựu mà Sở Tư pháp đã đạt được trong gần nửa thế kỷ qua; khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tư pháp là cơ quan trọng yếu của chính quyền”; “Vấn đề tư pháp là vấn đề ở đời và làm người”, “Ở đời và làm người là phải yêu nước thương dân, phải tăng cường luật pháp dân chủ, cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn, phải nêu cao gương phụng công thủ pháp, nêu cao lẽ công bằng, chí công vô tư”, toàn thể CCVC quyết tâm không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ tư pháp, đề cao trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, thực hành tự phê bình và phê bình sâu sắc, thực chất theo đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 Khoá XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII. Luôn nêu gương trong chấp hành pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực tiễn; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kế tục sự nghiệp vẻ vang của các thế hệ đi trước, xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân; góp phần quan trọng xây dựng Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc./.
Trần Thị Nhung
Bí thư Đảng ủy – Giám đốc Sở Tư pháp