Sóc Trăng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác hòa giải ở cơ sở

29/09/2021
Sóc Trăng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác hòa giải ở cơ sở
Trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Sóc Trăng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở từ đó góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, hạn chế chuyển các vụ việc tranh chấp chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, ngày 23/9/2021, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác hòa giải ở cơ sở, trong đó, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị -  xã hội các cấp thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp như sau: (i) Các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở; (ii) Chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hòa giải; phấn đấu hằng năm có 95% tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn, tỷ lệ hòa giải thành đạt từ 85% trở lên; (iii) Duy trì và nhân rộng mô hình bí thư chi bộ ấp, khóm đồng thời là tổ trưởng tổ hòa giải; Ủy ban nhân dân các cấp chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp chỉ đạo, hướng dẫn việc rà soát, đánh giá về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn; (iv) Quan tâm việc chi hỗ trợ đối với các tổ hòa giải và hòa giải viên; nghiên cứu thành lập thêm các tổ hòa giải ở những nơi có nhu cầu đáp ứng các điều kiện theo quy định; (v) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp bằng biện pháp hòa giải; chú trọng thực hiện có hiệu quả công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở, lồng ghép hoạt động hòa giải ở cơ sở với các cuộc vận động và phong trào thi đua ở khu dân cư; (vi) Tăng cường huy động các tổ chức thành viên và vận động người có uy tín, các chức sắc tôn giáo, người có trình độ pháp lý, kiến thức xã hội, đại diện các cơ quan, tổ chức liên quan... tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở; (vii) Ủy ban nhân dân các cấp thường xuyên theo dõi, kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở; định kỳ hằng năm, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp giám sát thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
   
 Về tổ chức thực hiện: Tỉnh ủy giao cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Chị thị này; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Báo, Đài phát thanh và Truyền hình và các cơ quan liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến về công tác hòa giải ở cơ sở; Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp và các cơ quan chuyên môn tham mưu xây dựng, ban hành kế hoạch cụ thể hóa các nội dung; chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện.
Phòng PBGDPL tỉnh Sóc Trăng