4 năm triển khai thực hiện Đề án xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án.
Nhiều giải pháp phát huy hiệu quả
Theo UBND TP. Hà Nội, có 3 giải pháp được Hà Nội triển khai nhằm nâng cao kết quả xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý. Đó là đa dạng hóa hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp như: tổ chức hội nghị, hội thảo; tọa đàm; lồng ghép vào các cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị, xã, thôn, tổ dân phố; viết tin bài phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn; cử luật gia tham gia tiếp công dân, tư vấn pháp luật giải quyết khiếu nại, tố cáo; phổ biến giáo dục pháp luật cá biệt; biên soạn, in, phát hành tờ gấp pháp luật, cuốn hỏi đáp pháp luật…;
Hiện nay, các đơn vị Hội và hội viên luật gia thành phố Hà Nội đang thực hiện hai cuộc vận động: “Mỗi hội viên luật gia là một tuyên truyền viên pháp luật, một cộng tác viên trợ giúp pháp lý đưa pháp luật vào cuộc sống”; “Mỗi hội viên luật gia Hà Nội mỗi tháng làm 01 việc theo chức năng, nhiệm vụ hội, xây dựng Hội Luật gia trong sạch, vững mạnh”.
Trong những năm qua, (nhất là trong năm 2020, 2021, khi cả nước thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19) Hội Luật gia thành phố Hà Nội đã tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý. Các đơn vị Hội và hội viên luật gia phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý qua zalo, facebook, trả lời phỏng vấn, giải đáp pháp luật, giao lưu tư vấn pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo viết, báo điện tử, đài phát thanh và truyền hình…).
Đặc biệt, 4 năm qua, Hà Nội tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình thực hiện xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý (từ 30 Tổ phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý ở cơ sở giai đoạn 1 lên 50 tổ). được Hội Luật gia thành phố Hà Nội xây dựng và triển khai hoạt động từ năm 2014 (thực hiện giai đoạn 1 của Đề án). Mô hình triển khai đạt kết quả tốt được cấp ủy, chính quyền và nhân dân đánh giá cao.
Thông qua việc thực hiện Đề án đã nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân về tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý. Từ đó mà quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện thực hiện xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý.
Thực hiện Đề án xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý đã khẳng định được vị trí, vai trò của Hội Luật gia và các tổ chức xã hội trong thực hiện các nhiệm vụ được nhà nước chuyển giao.
Cần mở rộng phạm vi tư vấn pháp luật
Tuy nhiên, theo UBND TP Hà Nội khó khăn là vị trí, vai trò của Chi hội Luật gia ở xã, phường, thị trấn chưa ngang tầm với chức năng, nhiệm vụ được giao nên khi triển khai thực hiện các nhiệm vụ hội (trong đó có nhiệm vụ xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý) gặp nhiều khó khăn. Nguồn lực (nhất là nguồn kinh phí) cho thực hiện xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý còn rất hạn chế, chủ yếu dựa vào hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, lực lượng những người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý ở cơ sở tuy đã được củng cố, kiện toàn, được bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ và kiến thức pháp luật nhưng vẫn còn ít về số lượng, thấp về chất lượng.
Hiện nay chính sách xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý đang được quy định trong ba văn bản quy phạm pháp luật là: Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Nghị định số 77/2008/NĐ-CP của Chính phủ về tư vấn pháp luật. Tuy nhiên, theo UBND TP Hà Nội, cả ba văn bản quy phạm pháp luật nêu trên có nhiều quy định lạc hậu, lỗi thời, không phù hợp với đường lối của Đảng, phù hợp với thực tế trong giai đoạn hiện nay. Nhất là những quy định liên quan đến xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý.
Hà Nội cũng đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017(sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan đến xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, xã hội hóa công tác trợ giúp pháp lý); Đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 77/2008/NĐ-CP về tư vấn pháp luật (mở rộng phạm vi tư vấn pháp luật, tăng vai trò tự quản của cơ quan chủ quản); Đề nghị TAND tối cao sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chế định bào chữa viên nhân dân; Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện Đề án (có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới).
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam