*Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
Thực hiện tốt công tác xây dựng, thẩm định và góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành, đảm bảo hoàn thành đúng thời gian và đạt chất lượng cả về hình thức và nội dung văn bản. Nội dung thẩm định cần tập trung vào các vấn đề: sự cần thiết ban hành văn bản; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản; tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo văn bản đối với hệ thống pháp luật; ngôn ngữ, kỹ thuật sọan thảo văn bản; tính khả thi của dự thảo. Ý kiến thẩm định phải thể hiện rõ quan điểm, chính kiến, đảm bảo có giá trị thiết thực. Chú trọng tới các nội dung của văn bản liên quan tới cải cách hành chính, đảm bảo sự thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp và các nội dung liên quan tới các cam kết với WTO.
Tiếp tục thực hiện Nghị định 135/NĐ-CP về kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và Chỉ thị 32/2005/CT-TTg ngày 10/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập tổ kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương liên quan tới quyền, nghĩa vụ của tổ chức và công dân, các thủ tục hành chính…để đề xuất hủy bỏ, thay thế theo chủ trương cải cách hành chính. Công tác kiểm tra phải được tiến hành thường xuyên, kết hợp với theo dõi việc xử lý các văn bản vi phạm đã phát hiện.
Thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ban hành năm 2006 để phát hiện những văn bản hết hiệu lực, những văn bản mâu thuẫn, chồng chéo; hàng tháng kịp thời lập và thông báo danh mục hiệu lực văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương ban hành để các tổ chức và công dân thực hiện thống nhất, nhanh chóng và chính xác.
*Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư trung ương Đảng. Tổng kết Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật của Chính phủ giai đọan 2003-2007, tiếp tục triển khai Chương trình hành động quốc gia phổ biến giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010.
Tập trung tuyên truyền, phổ biến các luật liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, các luật có hiệu lực từ 01-01-2007 và các luật ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân, được dư luận xã hội quan tâm như Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Phòng chống tham nhũng; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Nhà ở; Luật Cư trú; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội...; kết hợp công tác tuyên truyền với công tác trợ giúp pháp lý lưu động để tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật về cơ sở
Kiểm tra chất lượng đội ngũ hòa giải viên để có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực và kiến thức nghiệp vụ; Tiến hành tổng kết công tác hòa giải cơ sở năm 2006; Kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện việc chi hỗ trợ các vụ việc hòa giải thành, nhằm động viên, khuyến khích hoạt động hòa giải đạt hiệu quả hơn. Năm 2007 phải thực sự có sự chuyển biến mạnh trong công tác hòa giải cơ sở, phấn đấu đạt chỉ tiêu hòa giải thành của Bộ Tư pháp.
Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh năm 2007 và Kế họach triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2007, đặc biệt là việc củng cố, phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật các cấp và sự phối hợp giữa các thành viên. Tiến hành kiểm tra công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở một số Sở, Ngành và địa phương, đồng thời đề xuất Ủy ban nhân dân Tỉnh khen thưởng các cá nhân và tập thể có thành tích, xử lý đối với các cá nhân và tập thể không thực hiện nghiêm túc các quy định về phổ biến, giáo dục pháp luật.
*Công tác Hành chính tư pháp và Bổ trợ tư pháp.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong tất cả các lĩnh vực Hành chính tư pháp và Bổ trợ tư pháp, làm cho các họat động này thực sự thân thiện với người dân và doanh nghiệp; chủ động rút ngắn thời gian giải quyết các vụ việc (trừ các trường hợp phải đảm bảo thời gian niêm yết theo quy định) và xây dựng môi trường làm việc có văn hóa ở mỗi đơn vị; Giao các biểu mẫu tờ khai, hồ sơ đăng ký hộ tịch thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở về các cơ quan tư pháp địa phương để giảm bớt số lần đi lại của người dân; Kiên quyết chống và xử lý nghiêm các biểu hiện tham nhũng, gây phiền hà, sách nhiễu trong khi giải quyết công việc.
Tăng cường thực hiện việc kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ cho các cán bộ tư pháp cấp huyện, xã Nghị định 158/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch, Nghị định 69/2006/NĐ-CP về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT ngày 13-6-2006 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và môi trường hướng dẫn việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất; Thực hiện sơ kết 1 năm thực hiện Nghị định 158/NĐ-CP với thành phần là toàn bộ cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã và cán bộ tư pháp huyện; sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ về tăng cường quản lý quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài.
Tổ chức triển khai Luật Luật sư. Lập kế hoạch kiểm tra hoạt động của các Văn phòng luật sư trong tỉnh để kịp thời chấn chỉnh những sai phạm trong quá trình hoạt động của các tổ chức này.
Phối hợp với Sở Y tế, Sở Nội vụ trong việc xúc tiến thành lập Trung Tâm giám định pháp y và Trung tâm pháp y tâm thần tỉnh; tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật tố tụng cho các giám định viên và người giám định theo vụ việc.
Chủ động nghiên cứu và triển khai thực hiện tốt Luật Công chứng khi Luật này có hiệu lực; Tổ chức triển khai và kiểm tra, hướng dẫn Nghị định về chứng thực khi được Chính phủ ban hành; kiện toàn tổ chức bộ máy Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản để hoạt động ngày càng có hiệu quả, bảo đảm các thủ tục bán đấu giá thực hiện theo Nghị định 05/2005/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan.
*Công tác trợ giúp pháp lý.
Kiện toàn, củng cố bộ máy hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý, Nghị định 07/NĐ-CP ngày 12-01-2007 và Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg ngày 13-10-2006 của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng kế họach trợ giúp pháp lý năm 2007. Tổ chức tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên, cán bộ tư pháp huyện, cán bộ tư pháp-hộ tịch xã về các nội dung cơ bản của Luật Trợ giúp pháp lý và Nghị định hứơng dẫn thi hành, các kỹ năng trợ giúp pháp lý…tiếp tục duy trì trợ giúp pháp lý lưu động tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn. Tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa Trung tâm Trợ giúp pháp lý với các Phòng Tư pháp huyện và Phòng Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để kết hợp và nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý và tuyên truyền phổ biến pháp luật.
*Công tác thi hành án Dân sự.
Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, phấn đấu thi hành xong hòan tòan 75% về việc và 55% về tiền trong số việc có điều kiện thi hành. Tập trung giải quyết cơ bản số án tồn đọng; tranh thủ tối đa sự phối hợp, ủng hộ của các cơ quan liên quan và cấp ủy, Ủy ban nhân dân các địa phương đối với các vụ án lớn, phức tạp; tăng cường vai trò của Ban chỉ đạo Thi hành án cấp huyện.
Các cơ quan Thi hành án đẩy mạnh việc thường xuyên rà sóat án, xây dựng quy trình giải quyết thi hành án, quy trình cưỡng chế thi hành án, thực hiện việc phân công và theo dõi tiến độ giải quyết án của từng chấp hành viên và cán bộ nghiệp vụ; chú trọng hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra thường xuyên và đột xuất để kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn và xử lý các sai phạm.
Nghiêm túc thực hiện quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo đã ban hành, đảm bảo 100% đơn khiếu nại, tố cáo về thi hành án được giải quyết đúng luật định. Thực hiện việc tiếp xúc trực tiếp với người khiếu nại, tố cáo và những người liên quan để đảm bảo việc giải quyết chính xác, góp phần hỗ trợ công tác thi hành án.
Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong công tác thi hành án theo Chỉ thị số 32/2006/CT-TTg ngày 07-9-2006 của Thủ tướng chính phủ để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và góp phần chống tham nhũng.
Tiếp tục kiện toàn bộ máy các cơ quan thi hành án, nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ cán bộ công chức để đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Thi hành án dân sự tỉnh tổ chức xây dựng kế họach công tác thi hành án năm 2007 một cách tòan diện và phát động phong trào thi đua trong khối các cơ quan thi hành án.
* Công tác tổ chức - thanh tra.
Tiếp tục thực hiện việc quy hoạch cán bộ từ năm 2006 đến năm 2010. Ban hành kế hoạch thực hiện cụ thể, rà soát để đánh giá đúng thực trạng đội ngũ cán bộ, dự báo yêu cầu về cán bộ lãnh đạo của các đơn vị từ nay đến năm 2010. Chủ động tìm nguồn cán bộ ngoài phạm vi tổ chức, biên chế của đơn vị, quan tâm cân nhắc những cán bộ trẻ có triển vọng. Xây dựng đề án quy hoạch cán bộ, bảo đảm đúng tiêu chuẩn quy định cho từng chức danh.
Phối hợp với Sở Nội vụ và cấp ủy, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố khảo sát về tình hình biên chế, tổ chức, trình độ…cán bộ tư pháp cấp huyện và cán bộ tư pháp-hộ tịch xã, phường để kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ của cơ quan Tư pháp cấp huyện và cấp xã. Đồng thời tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ tư pháp cơ sở, đặc biệt là các chuyên đề như: Nghiệp vụ hộ tịch, Nghiệp vụ chứng thực, Kỹ năng hòa giải, trợ giúp pháp lý…
Triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ và giải pháp phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng của Bộ Tư pháp, của UBND tỉnh và của ngành Tư pháp tỉnh.
Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 74/2006/NĐ-CP ngày 01/8/2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Tư pháp và Nghị định số 76/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp.
Phòng Tuyên truyền, PBGDPL -Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.