Các tỉnh Bình Dương và An Giang góp ý kiến vào các dự án Luật

11/09/2006
Đoàn Đại biểu Quốc hội hai tỉnh Bình Dương và An Giang vừa tổ chức các hội nghị để đại biểu các sở, ban, ngành, đòan thể và các huyện thị góp ý kiến vào các Dự thảo luật Cư trú, Bình đẳng giới , Dạy nghề và Dự thảo sửa đổi bộ Luật Lao động .

 Tại Bình Dương, góp ý kiến vào dự thảo Luật Cư trú, các đại biểu cho rằng nên áp dụng cả với người Việt Nam định cư ở nước ngòai khi trở về nước cư trú và người nước ngòai cư trú trên lãnh thổ Việt Nam; cấp hộ khẩu cá nhân cho những cá nhân sống chung với gia đình để tiện trong sinh họat hay giao dịch ...Ở Dự thảo Luật Bình đẳng giới, các đại biểu cho rằng điều kiện hưởng chế độ hưu trí hàng tháng của cán bộ, công chức và người lao động nam nữ phải như nhau; trong đó ưu tiên cho phụ nữ đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội, muốn nghỉ hưu trước tuổi 55 mà không bị trừ % lương hưu. Việc quy định tỷ lệ tham gia đại biểu Quốc hội, HĐND và lãnh đạo quản lý ở nữ không dưới 30% là mục tiêu để nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và cũng để phụ nữ nâng cao trình độ, vươn lên. Về dự thảo Luật Dạy nghề, các đại biểu Bình Dương đóng góp nhiều ý kiến về trình độ dạy nghề, tuyển sinh học nghề, hợp đồng học nghề, thi, kiểm tra, cơ sở dạy nghề, dạy nghề cho người tàn tật, khuyết tật... Về Dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động ở Điều 157 đến Điều 179a ( liên quan đến đình công và giải quyết đình công) các đại biểu đề nghị Luật phân biệt khái niệm tranh chấp lao động tập thể về quyền và về lợi ích; các nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động; thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp; thẩm quyền lãnh đạo đình công; trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp cuộc đình công bị tòa án tuyên là bất hợp pháp và giải quyết việc đình công tại tòa.

Tại An Giang, góp ý kiến vào dự án Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đa số ý kiến thống nhất với tên gọi "Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài"; tuy nhiên không đồng ý thành lập chi nhánh doanh nghiệp, bởi vì hiện nay có quá nhiều đơn vị dịch vụ họat động đẩy chi phí lên cao, khó quản lý. Nhiều tổ chức lợi dụng nhu cầu đi lao động ở nước ngoài để lừa đảo chiếm đoạt tiền của người lao động. Về phí môi giới và phí dịch vụ , các đại biểu An Giang chọn phương án 2, vì phương án này có nhiều ưu điểm, phân biệt rạch ròi về 2 khoản tiền môi giới và tiền dịch vụ. Về xử lý người lao động vi phạm, các đại biểu đề nghị bổ sung các quy định đối với người lao động vi phạm nghiêm trọng về hợp đồng lao động. Về doanh nghiệp nhận thầu, doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài , đề nghị quy định như mục 2 Chương II Dự thảo luật . Tại Điều 7: đề nghị bổ sung qui định người bảo lãnh có trách nhiệm đối với người lao động vi phạm nghiêm trọng về hợp đồng lao động. Điều 17, tại khỏan 2 bổ sung quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp khi để xảy ra rủi ro bất khả kháng đối với người lao động. Các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật này đã giao trách nhiệm cho quá nhiều bộ để mở rộng việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài dễ phát sinh phức tạp, khó quản lý. Đề nghị chỉ giao một đầu mối cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Để tránh tình trạng lừa đảo, đề nghị Luật không qui định hợp đồng cá nhân. Mọi hợp đồng lao động đi làm việc ở nước ngoài đều phải thông qua tổ chức pháp nhân quản lý.../.

(Theo TTXVN)