Quảng Ngãi: Đẩy mạnh cải cách hành chính trong ngành Tư pháp

01/09/2006
Trong 5 năm qua, việc triển khai thực hiện cải cách hành chính ở tỉnh ta đã đem lại những kết quả bước đầu khả quan, đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra; đồng thời tạo ra động lực mới thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển những năm đến. Thực hiện tiến trình cải cách hành chính toàn tỉnh đã ban hành hơn 80 cơ chế chính sách để tăng cường vai trò quản lý nhà nước, khuyến khích phát triển trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội và những cơ chế chính sách này đã thật sự đi vào cuộc sống, làm hấp dẫn các nhà đầu tư trong việc huy động, thu hút nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Các cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến cơ sở từng bước được kiện toàn theo hướng tinh gọn, đa ngành, đa lĩnh vực với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được phân định rành mạch, rõ ràng, đã hạn chế sự chồng chéo, trùng lắp giữa các cơ quan với nhau..., hầu hết các cơ quan, đơn vị sau khi kiện toàn đã phát huy được tác dụng. Việc áp dụng cơ chế “một cửa” được triển khai thực hiện hầu khắp các sở ngành, địa phương, bước đầu giảm phiền hà cho tổ chức, công dân và doanh nghiệp đến quan hệ giải quyết công việc; chất lượng, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy hành chính từ tỉnh đến cơ sở ngày càng được nâng cao.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định rõ nhiệm vụ xây chính quyền, trong đó cải cách hành chính là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu của toàn Đảng bộ trong cả nhiệm kỳ này. Đây là định hướng có tính nguyên tắc cơ bản và đặc biệt quan trọng cần phải được các cấp, các ngành quán triệt nghiêm túc, nhất là việc phải xây dựng thành chương trình, kế hoạch cụ thể của cơ quan, ngành, địa phương mình để triển khai đến tận cơ sở nhằm xây dựng chính quyền các cấp, các ngành trong sạch vững mạnh, hoạt động có hiệu quả, bảo đảm tổ chức, quản lý, điều hành thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Ngay sau Đại hội, Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 05/5/2006 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2010 nhằm: ”Đẩy mạnh cải cách hành chính, mở rộng phạm vi và thực hiện đúng thực chất cơ chế “một cửa”; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện tốt cơ chế phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ, kiên quyết khắc phục tình trạng chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn” được coi là bước đột phá quan trọng để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết này của Tỉnh uỷ đạt các yêu cầu đã đề ra, ngay trong ngành Tư pháp Quảng Ngãi cũng đòi hỏi sự quyết tâm cao của lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở phải thực sự quyết liệt trong việc chỉ đạo, điều hành trong toàn ngành gắn việc thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị (khoá IX) về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 với công tác cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực nhằm góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trước mắt cần tập trung giải quyết những nội dung chủ yếu liên quan đến tiến trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp như:

Tổ chức quán triệt nghiêm túc, đầy đủ cho cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành tư pháp của tỉnh Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị (khoá IX) về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Quyết định 136/2001-QĐ/TTg ngày 17/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 trong đó chủ yếu là các nội dung chính: Cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công và Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 05/5/2006 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2010, nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức, viên chức ngành tư pháp về các chủ trương trên. Đồng thời nhanh chóng khắc phục và xoá bỏ tâm lý còn ngại thay đổi lề lối, phong cách làm việc trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tư tưởng chần chừ, ỷ lại, trông chờ, ngại đổi mới trong tiến trình thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp chính là tự kìm hãm mình phát triển là có tội với Đảng, Nhà nước và có tội với nhân dân.

Lãnh đạo sở sẽ căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi được xác định trong Quyết định số 38/2006/QĐ-UBND ngày 19/7/2006 của UBND tỉnh để xây dựng quy chế làm việc của sở cho phù hợp tiến trình thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp trong ngành tư pháp toàn tỉnh. Từng bước hạn chế sự chồng chéo, trùng lắp, tiến tới phân định rõ chức năng, tăng thêm trách nhiệm và quyền hạn cho các phòng, đơn vị trực thuộc để triển khai thực hiện công việc được tốt hơn. Mặt khác cần phải quan tâm xây dựng cơ quan văn hoá, văn minh công sở, nhất là nâng cao tinh thần trách nhiệm, văn hoá ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành tư pháp khi tiếp xúc, quan hệ làm việc với các tổ chức và công dân. Đối với các phòng, đơn vị trực thuộc cũng phải xây dựng, ban hành cho được quy chế làm việc phòng, đơn vị theo tinh thần cải cách hành chính, cải cách tư pháp; trong đó việc phân công, phân nhiệm các thành viên của phòng, đơn vị phải rõ ràng theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đổi mới công tác tổ chức, cán bộ, trước hết cần ưu tiên làm ngay việc rà soát, sắp xếp, tuyển dụng, bố trí cán bộ, công chức, viên chức trong từng phòng, đơn vị trực thuộc bảo đảm đủ biên chế (ưu tiên tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học đạt loại khá, giỏi, có ngành nghề được đào tạo phù hợp với công việc dự kiến sẽ bố trí; không tuyển dụng cán bộ chưa qua đào tạo). Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành tư pháp có trình độ năng lực, đạo đức phẩm chất tốt, thái độ phục vụ chu đáo, tận tâm tận lực với công việc, ý thức chấp hành tổ chức kỷ luật, kỷ cương tốt đáp ứng yêu cầu công tác của ngành. Khắc phục tình trạng thừa nhân viên phục vụ, thiếu cán bộ nghiên cứu thực hiện nhiệm vụ chuyên môn..., đang còn tồn tại ở một số phòng, đơn vị trực thuộc trong ngành tư pháp. Cần loại ra khỏi ngành tư pháp những cán bộ, công chức không chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính hoặc có biểu hiện tiêu cực, cửa quyền, sách nhiễu, thiếu tinh thần trách nhiệm gây phiền hà, làm giảm lòng tin của nhân dân. Kiên quyết xử lý nghiêm, đúng pháp luật những tổ chức, cá nhân không chấp hành hoặc chấp hành không đến nơi, đến chốn quyết định của cấp trên.

Thực hiện công khai các mặt công tác, các lĩnh vực hoạt động của sở, nhất là việc cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công... để phát huy dân chủ trong nội bộ, tạo sự đồng thuận và ý thức tham gia kiểm tra, giám sát của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị. Công khai minh bạch tất cả các khâu khi giải quyết công việc với tổ chức và công dân của ngành tư pháp các cấp như: niêm yết công khai các văn bản quy phạm pháp luật, các quy trình và thời gian giải quyết công việc hành chính liên quan đến tổ chức và công dân. Đồng thời thông qua việc công khai quy trình giải quyết công việc cần kết hợp với việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật để mọi tổ chức, công dân biết, thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành tư pháp.

Song song với việc đề ra được những nội dung chủ yếu trên, việc tổ chức triển khai, đôn đốc thực hiện, thường xuyên kiểm tra, giám sát của các cấp và của nhân dân thì vấn đề có tính quyết định tới việc thành bại trong việc thực hiện tiến trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp chính là sự thể hiện quyết tâm, tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác học tập, tự giác và gương mẫu chấp hành, tận tâm, tận lực với công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành Tư pháp./.

Phạm Minh Hoà
(Phó giám đốc Sở Tư pháp Q.Ngãi)