Cần nhanh chóng đưa các ứng dụng tin học vào các hoạt động của ngành Tư pháp

05/09/2006
Sự phát triển như vũ bão của khoa học - kỹ thuật - công nghệ trong những năm gần đây đã làm cho thế giới có nhiều đổi thay kỳ diệu, nhất là các ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã làm thay đổi cả nếp suy nghĩ, cung cách làm ăn không những trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, mà thực sự đã thổi luồng sinh khí vào xã hội đang khao khát, tìm kiếm để vươn tới đỉnh cao của khoa học.

Những năm qua, Nhà nước (thông qua các đơn vị hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp...) đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ làm thay đổi diện mạo của Việt Nam trong sơ đồ phát triển công nghệ thông tin trên thế giới. Giờ đây ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực hoạt động của toàn xã hội kể cả các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí... trở thành công cụ không thể thiếu. Việc tích cực và chủ động sử dụng các dịch vụ viễn thông và các ứng dụng công nghệ thông tin sẽ tạo đà cho sự phát triển theo định hướng chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển Việt Nam điện tử với công dân điện tử, Chính phủ điện tử, doanh nghiệp điện tử, giao dịch và thương mại điện tử.

Hiện nay ở hầu hết các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học đều đã sử dụng Internet, và sự xuất hiện của các cơ sở dịch vụ Internet công cộng ở hầu khắp mọi nơi từ đồng bằng, đô thị tới các huyện miền núi xa xôi đã minh chứng phần nào những tiện ích đó, và dần dần công nghệ thông tin sẽ trở thành món ăn như “cơm ăn, nước uống” hàng ngày không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt. Ngày nay không những trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mà ngay cả người nông dân cũng đã lập những Website riêng cho mình để vừa quảng bá vừa xác lập quyền sở hữu về thương hiệu nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động sản xuất kinh doanh, làm ăn buôn bán của mình.

Để sớm đạt yêu cầu xây dựng và phát triển Việt Nam điện tử với công dân điện tử, Chính phủ điện tử, ngành Tư pháp từ trung ương đến địa phương đã có các trang thông tin điện tử thường xuyên truyền tải các bộ luật, luật, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản điều hành trong hoạt động của cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp; tổng hợp, cập nhật thông tin đang diễn ra hàng ngày trong cả nước làm cho việc trao đổi, tìm hiểu thông tin của mọi công dân (kể cả người nước ngoài) khi có nhu cầu trên mạng Internet ngày càng đa dạng, phong phú hơn, thuận tiện hơn.

Thông qua các trang Website của tỉnh, ngành Tư pháp Quảng Ngãi đã thường xuyên cập nhật, truyền tải các văn bản pháp luật, các chủ trương chính sách của đảng, nhà nước…, do vậy người dân có thể dễ dàng tìm được những văn bản, những quy định mà họ cần, kết quả này làm cho người dân thật sự tin vào tính hiệu quả của tin học trong đời sống xã hội, làm giảm thiểu những tiêu cực, phiền phức. Đồng thời đây cũng chính là kênh thông tin quan trọng để các chủ trương chính sách của đảng, nhà nước đến với các tổ chức và công chúng nhanh nhất, thuận tiện nhất và hiệu quả cao.

Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay vẫn còn mang nặng tính thử nghiệm; một số văn bản của cơ quan trung ương, các bộ ngành đến chính quyền địa phương chưa nhiều, chưa đồng bộ làm ảnh hưởng việc truyền tải, phổ biến, tuyên truyền, khai thác thông tin trên mạng của mọi tổ chức, công dân. Mặt khác, lãnh đạo một số cơ quan đơn vị chưa thật sự quan tâm, chưa chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin ở cơ quan, đơn vị; có tâm lý còn ngại thay đổi lề lối làm việc, không quen cách làm việc xử lý văn bản trên mạng. Các trung tâm tin học mọc lên như nấm, nhưng chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu. Các cơ sở dịch vụ Internet công cộng nở rộ, nhưng chủ yếu là chơi trò chơi điện tử, chát - mà đối tượng chủ yếu là học sinh, sinh viên (nhưng hầu hết chủ dịch vụ Internet công cộng chưa qua đào tạo về quản lý, khai thác Internet để có đủ điều kiện về kỹ thuật và trách nhiệm trong việc cung cấp dịch vụ cho người sử dụng theo quy định của pháp luật), càn có sự giám sát, quản lý chặt chẽ của các cơ quan hữu quan.

Để nhanh chóng thức hiện chủ trương xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, công dân điện tử, từng bước đáp ứng nhu cầu xã hội hoá công nghệ thông tin; Quyết định số 28/2006/QĐ-UBND ngày 18/5/2006 UBND tỉnh về mục tiêu phát triển công nghệ thông tin đến năm 2010, thì ngành Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi cần tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

Xây dựng hệ thống mạng công nghệ thông tin ngành tư pháp trong mối liên kết với tin học, truyền thông tạo thành cơ sở hạ tầng thông tin của tỉnh phải là công cụ quan trọng hàng đầu trong quản lý, điều hành ở trong cơ quan - các đơn vị trực thuộc với các tổ chức, công dân, nhằm từng bước thực hiện chính quyền điện tử, công dân điện tử, doanh nghiệp điện tử, thương mại điện tử... theo lộ trình của Chính phủ. Từng bước thử nghiệm giao tiếp trực tuyến giữa chính quyền với tổ chức và công dân thông qua cổng giao tiếp điện tử (theo hướng dẫn của trung ương); có kế hoạch xây dựng mô hình chính quyền điện tử, gắn cải cách hành chính với tin học hoá quản lý nhà nước trong thời gian tới, sớm đưa các dịch vụ công lên mạng qua cổng giao tiếp điện tử để phục vụ tổ chức và công dân, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

Xây dựng các cơ sở dữ liệu tổng hợp, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và tiếp tục hoàn thiện, cập nhật, bổ sung thông tin vào các cơ sở dữ liệu đã xây dựng tiến tới cung cấp các dịch vụ để mọi tổ chức, công dân có thể nắm thông tin hữu ích và tiếp cận dần với các dịch vụ hành chính công trên mạng.

Nâng cao nhận thức về công nghệ thông tin về sử dụng, khai thác Internet cho cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành tư pháp từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Phối hợp các sở ngành, cơ quan chức năng phổ biến, tuyên truyền việc đưa chương trình tin học (khai thác, ứng dụng và trao đổi thông tin trên mạng Internet) vào trường học, vào khu vực dân cư; thực hiện chương trình đưa Internet về nông thôn...

Tổ chức tuyên truyền “Chương trình triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” đến mọi đối tượng, nhất là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên…, các thành phần kinh tế về tiện ích khi sử dụng công nghệ thông tin, mà chủ yếu là khai thác, sử dụng Internet trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thực hiện mục tiêu từng bước xã hội hoá tin học và đưa các ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của ngành tư pháp là mục tiêu phấn đấu của toàn ngành. Do vậy đòi hỏi sự quyết tâm cao của lãnh đạo ngành phải thực sự quyết liệt trong việc chỉ đạo, điều hành trong toàn ngành; nhất là xoá bỏ tâm lý còn ngại thay đổi lề lối làm việc, không quen cách làm việc xử lý văn bản trên mạng và sự đồng thuận của từng cán bộ công chức sẽ là điều kiện tiên quyết cho lộ trình Chính phủ điện tử, công dân điện tử, doanh nghiệp điện tử, giao dịch và thương mại điện tử của Chính phủ được thực hiện. Đồng thời thông qua giao dịch điện tử sẽ làm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của ngành đạt hiệu quả hơn; các nhu cầu về dịch vụ công của mọi tổ chức, công dân được thuận tiện hơn, gần với chính quyền hơn, và việc giám sát các hoạt động của chính quyền các cấp cũng sẽ được chặt chẽ hơn./.

(Phạm Minh Hoà - Phó giám đốc Sở Tư pháp Quảng Ngãi)