NINH BÌNH: Văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND các huyện, thị xã ban hành có nhiều sai phạm.

05/09/2006
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư pháp và Kế hoạch số 05/KH-UBND ngày 16/03/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về việc thực hiện Chỉ thị 32/CT-TTg ngày 10/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) ở địa phương, vừa qua Sở Tư pháp Ninh Bình đã tiến hành kiểm tra công tác ban hành VBQPPL ( ban hành từ 01/7/2005 đến ngày 30/6/2006) tại 8 huyện, thị xã.

Tuy số lượng VBQPPL do các địa phương ban hành không nhiều, ( có 123 văn bản VBQPPL so với hàng chục ngàn văn bản hành chính thông thường khác) gồm 48 nghị quyết, 51 quyết định, 24 chỉ thị. Qua kiểm tra, đối chiếu với các VBQPPL của cơ quan Nhà nước cấp trên và Luật ban hành VBQPPL của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thì số văn bản có sai phạm về hình thức và nội dung cụ thể như sau: 31 văn bản sử dụng căn cứ pháp lý ban hành sai hoặc căn cứ pháp lý ban hành không phù hợp; 20 văn bản có một phần nội dung ban hành trái thẩm quyền; 109 văn bản có sai phạm, thiếu sót về thể thức, ngôn ngữ, kỹ thuật trình bày văn bản dẫn đến có các cách hiểu khác nhau khi triển khai thực hiện văn bản.


Một tồn tại khác dẫn đến chất lượng ban hành VBQPPL tại các địa phương còn hạn chế là: hầu hết các địa phương không thực hiện đúng, đầy đủ trình tự, thủ tục ban hành VBQPPL theo quy định của Luật ban hành VBQPPL của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân như không giao trách nhiệm cụ thể cho cơ quan chủ trì soạn thảo; trách nhiệm của các cơ quan phối hợp; báo cáo thẩm định; biên bản thẩm tra; ý kiến đóng góp của các thành viên UBND; biên bản biểu quyết thông qua...


Để nâng cao chất lượng công tác ban hành VBQPPL của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã trong thời gian tới, chúng tôi đề nghị lãnh đạo các địa phương có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về công tác ban hành VBQPPL.


Thứ nhất: Cần tuân thủ đúng trình tự, thủ tục về việc ban hành VBQPPL như quy định cụ thể trách nhiệm cơ quan soạn thảo, cơ quan tham gia soạn thảo, vai trò thẩm định của các phòng Tư pháp và trách nhiệm cá nhân người ký văn bản.


Thứ hai: Chấm dứt việc ban hành các văn bản thông thường như công văn, thông báo, quyết định cá biệt... để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Không để tình trạng khiếu kiện do việc ban hành, áp dụng VBQPPL có nội dung, hình thức không phù hợp quy định của pháp luật.

Thứ ba: Thực hiện việc bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật về xây dựng, thẩm định, ban hành VBQPPL cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch, cán bộ Ban pháp chế HĐND cấp huyện; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND cấp xã; Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND, cán bộ Phòng Tư pháp các huyện, thị xã và Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, cán bộ tư pháp, hộ tịch, cán bộ văn phòng UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh./.

(Quý Dương - Sở Tư pháp Ninh Bình)