Hà Nội với chương trình PBGDPL từ năm 2008-2012: Đưa pháp luật đến với thanh thiếu niên

28/10/2008
Để tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân Thủ đô, ngày 21/10/2008 Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Thanh Hằng đã ký Quyết định số 1493/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố từ năm 2008-2012.

6 mục tiêu...

Với mục tiêu bao trùm là toàn thể các tâng lớp nhân dân Thủ đô sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố từ năm 2008-2012 (gọi tắt và Chương trình) đã đề ra 6 mục tiêu rất cụ thể, chi tiết. Theo đó, đến hết năm 2012 phải có 85% người dân Hà Nội được tuyên truyền pháp luật chung và các văn bản pháp luật chuyên ngành đến từng nhóm dân cư theo các địa bàn và đối tượng khác nhau. 100% cán bộ, công chức, viên chức được trang bị kiến thức pháp luật thuộc lĩnh vực hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của mình. 95% người sử dụng lao động được tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp, 70% người lao động được tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân, người lao động....

Đặc biệt, tầng lớp thanh thiếu niên, là tầng lớp hiện nay đang phát sinh nhiều vi phạm phạm pháp luật sẽ được chú trọng tuyên truyền các kiến thức pháp luật có liên quan trực tiếp, mật thiết tới đời sống, sinh hoạt của các em.

Chương trình cũng đề ra mục tiêu phải có 90-95% văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến người nước ngoài ở Hà nội sẽ được tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp. 

Và 4 đề án

            Để hoàn thành 6 mục tiêu trên, những nhiệm vụ chi tiết sẽ được giao cho từng Sở, ban ngành liên quan. Cụ thể, Sở Tư pháp sẽ chịu trách nhiệm thực hiện đề án củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác PBGDPL, các Sở NN và PTNT, Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TB&XH chủ trì thực hiện 3 đề án còn lại  tuyên truyền PBGDPL cho các đối tượng trong lĩnh vực mình quản lý.

            Một trong những giải pháp nhằm thực hiện Chương trình là vấn đề nâng cao chất lượng dạy và học pháp luật trong nhà trường ở các cấp học và trình độ đào tạo. Vì tầng lớp thanh thiếu niên hiện nay đang có nhiều hành vi phạm do thiếu hiểu biết về pháp luật nên nhất thiết phải thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục pháp luật chính khoá phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo. Các phương pháp dạy và học pháp luật sẽ được đổi mới, nâng cao theo hướng tăng cường sự chủ động của giáo viên, học sinh qua những tình huống thực tiễn.

            Là cơ quan chủ trì, Sở GD-ĐT cần đề ra yêu cầu với các trường tăng cường các hoạt động ngoại khoá pháp lý cho học sinh, sinh viên bằng nhiều hình thức như: tham gia các đợt sinh hoạt pháp luật, tìm hiểu các quy định pháp luật có liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi môn giáo dục công dân, pháp luật cũng phải định kỳ được tổ chức vì thực tiễn đã cho thấy tác dụng giáo dục của các cuộc thi này có sức lan toả rất rộng và lâu dài.

Xuân Hoa