Tư pháp Nam Định: Sau 16 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 12-CT/TW

27/10/2008
Thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 12/7/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “vấn đề quyền con người và quan điểm chủ trương của Đảng ta”, trong 16 năm qua, Sở Tư pháp Nam Định đã triển khai tích cực đều khắp các mặt công tác, đưa vấn đề nhân quyền vào trong chương trình công tác tư pháp năm; đồng thời tổ chức triển khai, quán triệt vấn đề nhân quyền đến toàn bộ cán bộ, công chức trong toàn ngành và chỉ đạo công tác đấu tranh nhân quyền thông qua hoạt động tư pháp cơ sở.

Xác định “Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật” trong những năm qua, Sở Tư pháp đã tiến hành hàng nghìn cuộc tuyên truyền pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân trên các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội, cụ thể là Hiến pháp, Luật bầu cử đại biểu quốc hội, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Bộ luật Dân sự, Bộ luật lao động, Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn…. với các hình thức phong phú: Tuyên truyền miệng; Biên soạn, phát hành tài liệu; Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải cơ sở…

Thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn toàn tỉnh. Trong các buổi tuyên truyền, người nghe có thể hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của công dân khi tham gia các quan hệ pháp luật, “Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân.Nhà nước bảo đảm các quyền của công dân; công dân phải làm tròn nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước và xã hội. Quyền và nghĩa vụ của công dân do Hiến pháp và luật quy định” (Hiến pháp 1992).Công tác này được thực hiện hết sức nghiêm túc, cẩn trọng vì chính những cán bộ cơ sở là những người trực tiếp làm việc, tiếp xúc với nhân dân, giúp họ hiểu được những hình thức chống phá xã hội của các thế lực thù địch không chỉ giúp họ kịp thời có biện pháp ngăn chặn không để xảy ra hậu quả đáng tiếc mà còn  giúp họ phục vụ nhân dân cho tốt.

Hàng năm, phối hợp với Sở Nội vụ Nam Định tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật cho Trưởng ban Tư pháp và công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã của 229 xã, phường, thị trấn; tổ chức tập huấn kiến thức trên các lĩnh vực hành chính, dân sự, đất đai, hôn nhân – gia đình…cho hàng trăm tuyên truyền viên, hoà giải viên đang trực tiếp tham gia công tác tuyên truyền pháp luật, hoà giải ở cơ sở; cung cấp, bồi dưỡng cho họ kiến thức pháp luật liên quan trực tiếp đến người dân ở cơ sở như pháp luật về đất đai, dân sự, hôn nhân – gia đình, hành chính. Năm 2006, đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ hoà giải, cung cấp kiến thức pháp luật cho gần 200 tổ trưởng tổ hoà giải viên tiêu biểu trong toàn tỉnh, trên cơ sở đó, đội ngũ này sẽ là những đầu mối tiếp tục hướng dẫn, đào tạo kỹ năng cho các hoà giải viên ở đơn vị mình, phục vụ hiệu quả cho công tác hoà giải ở cơ sở;Năm 2007, chỉ đạo và giúp đỡ các huyện, thành phố tổ chức tập huấn nghiệp vụ hoà giải cơ sở cho đội ngũ hoà giải viên cơ sở nhằm từng bước kiện toàn, nâng cao năng lực trình độ cho đội ngũ hoà giải ở cơ sở. Năm 2008 đã tổ chức các hội nghị tập huấn  kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hoà giải cơ sở cho gần 500 hoà giải viên của 03 xã Xuân Ninh, Xuân Vinh, Xuân Tân (đây là các xã thuộc huyện chỉ đạo điểm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2008).

Sở Tư pháp phát hành Bản tin Tư pháp ra hàng quý (4.000 bản/số), biên soạn và phát hành hàng trăm bộ đề cương tuyên truyền các văn bản pháp luật phát hành đến cơ sở, cấp 2.796 cuốn sách pháp luật tới 466 thôn, xóm, tổ dân phố của 30 xã trong tỉnh; Hỗ trợ sách pháp luật cho 6 đơn vị thuộc Bộ đội biên phòng và một số xã trong tỉnh; biên soạn và phát hành hàng trăm tài liệu pháp luật cùng hàng nghìn tờ rơi, tờ gấp như: 1.000 quyển sách “Nghiệp vụ về hoà giải ở cơ sở”, 1.000 quyển sách “Chuyên đề về xử lý vi phạm hành chính”,… 7.000 tờ rơi pháp luật trên các lĩnh vực đất đai, giao thông đường bộ, phát hành nhiều Bản tin tư pháp (mỗi số khoảng 2.000 quyển), đồng thời phát hành các tài liệu, sách pháp luật khác do Bộ Tư pháp biên soạn đến cơ sở. Qua những tài liệu phát hành mục đích chính là giúp cho quần chúng, nhân dân ở cơ sở hiểu rõ quy định của pháp luật qua đó thực hiện quyền làm chủ đất nước cũng như nghĩa vụ của mình được tốt hơn. Tổ chức các cuộc thi “Hoà giải viên giỏi” lần thứ nhất (năm 2000), hội thi “Hoà giải viên giỏi” lần thứ hai (năm 2005). Hội thi các cấp đã thu hút trên 5.000 hội viên hoà giải ở cơ sở tham gia, 10 huyện, thành phố và hàng trăm đơn vị cấp xã đã tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để cuộc thi thành công. Thông qua Hội thi đã biểu dương những người làm công tác hoà giải ở cơ sở, góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật. Phối hợp với Báo Nam Định, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và Đài phát thanh cấp huyện, Đài truyền thanh cấp xã đã đưa thông tin, giới thiệu các văn bản pháp luật liên quan tới quyền con người một cách thường xuyên, hoặc thông qua trao đổi, giải đáp pháp luật theo yêu cầu của khán thính giả và mở các chuyên mục như: “Tìm hiểu chế độ, chính sách”, “Văn bản mới”, “Hỏi đáp pháp luật”, “Câu chuyện pháp luật”, “Toàn dân phòng chống ma tuý”… đặc biệt Chuyên trang, chuyên mục “Pháp luật và đời sống” nhằm giúp người dân nhận thức sâu sắc quyền và nghĩa vụ của mình…

 Xác định chính sách, văn bản của các cơ quan nhà nước chính là sự thể chế hoá đường lối chủ trương lãnh đạo của Đảng bằng việc đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân, trong khi các thế lực thù địch vẫn thường xuyên tạc các chính sách pháp luật của Nhà nước ta là thiếu công bằng, không minh bạch làm cho quyền công dân bị hạn chế. Do đó, việc xây dựng và ban hành văn bản pháp luật là cực kỳ quan trọng, mục đích phải hướng về quyền lợi của người dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cá nhân, tổ chức hoạt động, làm giàu cho đất nước nhưng không trái pháp luật. Do đó công tác xây dựng và kiểm tra văn bản pháp luật của Sở Tư pháp Nam Định được hết sức chú trọng.Trong những năm qua, Sở đã tham gia đóng góp ý kiến và thẩm định vào hàng trăm dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương. Quá trình tham gia, nhiều ý kiến của Sở đã được cấp có thẩm quyền tiếp thu và được đánh giá là có chất lượng. Phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các ngành hữu quan tự rà soát văn bản theo yêu cầu của Bộ Tư pháp và UBND tỉnh về một số lĩnh vực đầu tư, tư pháp, dân sự….; giúp UBND tỉnh từ kiểm tra hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh ban hành, tổ chức kiểm tra văn bản QPPL do HĐND và UBND cấp huyện ban hành…Có thể nói công tác xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã góp phần tăng cường quyền làm chủ của công dân, nâng cao nhận thức cho người dân, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan ban hành văn bản theo thẩm quyền được giao.

Ngoài ra, trong công tác hành chính và bổ trợ tư pháp đã phối hợp với các cơ quan hữu quan xác minh và trả lời các trường hợp về quốc tịch, hộ tịch; trình UBND tỉnh quyết định cho đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài; ghi chú việc kết hôn đã đăng ký ở nước ngoài; thay đổi, đăng ký việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài; cấp phiếu lý lịch tư pháp. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và đảm bảo nhanh chóng thuận tiện cho người dân thực hiện các quyền của mình.Tiến hành chứng nhận bản sao, chứng nhận hợp đồng thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng, hợp đồng tặng cho, hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hợp đồng thuê mượn, giấy uỷ quyền cho tổ chức và cá nhân tạo điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, các thủ tục diễn ra đơn giản, gọn nhẹ tránh gây phiền hà cho người dân.

Về công tác thanh tra: Hàng năm, Sở Tư pháp đã thành lập Đoàn thanh tra công tác tư pháp tại các huyện và thành phố Nam Định trên các lĩnh vực: công tác thi hành án dân sự, đăng ký quản lý hộ tịch và sử dụng biểu mẫu, công tác chứng thực; xây dựng củng cố tủ sách pháp luật, tổ chức và hoạt động của Ban tư pháp; giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác tư pháp ở địa phương. Đoàn Thanh tra đã trực tiếp làm việc với các đơn vị trên, ghi nhận những kết quả đã đạt được, đặc biệt là trong việc thực hiện quyền dân chủ tại cơ sở, phân tích những mặt còn tồn tại, thiếu sót và đề nghị UBND các huyện, UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục có giải pháp cụ thể, sát với thực tiễn, đúng với quy định của pháp luật để thực hiện tốt hơn công tác tư pháp trên địa bàn, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của người dân đối với công tác ở cơ sở được thực hiện nghiêm túc…

Những kết quả đạt được của Sở Tư pháp Nam Định về công tác đấu tranh nhân quyền đã góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn tỉnh./.

 Trần Hồng Nhung - Sở Tư pháp Nam Định