Hoạt động PBGDPL và TGPL trên địa bàn huyện Khánh Sơn - tỉnh Khánh Hòa: Từng bước đi vào nề nếp và phát huy hiệu quả

27/10/2008
"Những năm gần đây, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật(PBGDPL) nói chung và trợ giúp pháp lý (TGPL) nói riêng trên địa bàn huyện đã góp phần tích cực vào việc thay đổi suy nghĩ, nhận thức pháp luật của người dân địa phương. Qua các đợt TGPL lưu động về vùng sâu, vùng xa của huyện, người dân nơi đây đã quan tâm nhiều hơn đến các quy định của pháp luật, hiểu biết của họ về pháp luật nhờ vậy cũng được nâng lên nhiều hơn trước". đồng chí Nguyễn Tất Hướng-Phó trưởng phòng Tư pháp huyện Khánh Sơn cho chúng tôi biết như vậy.

Là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Khánh Hoà, diện tích khoảng 33.000ha với dân số hơn 20.000 người, người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 75% (chủ yếu là dân tộc Răglăy). Địa bàn hiểm trở, đèo cao, sông suối nhiều đi lại rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo của người dân địa phương chiếm khoảng 37%, mặt bằng dân trí nhìn chung còn thấp. Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp chính quyền và Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh qua các đợt TGPL lưu động tổ chức tại các thôn, xóm, tổ dân phố đã từng bước giúp người dân địa phương nâng cao kiến thức pháp luật, đời sống ngày càng đi lên, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương được giữ vững.

Xác định hoạt động PBGDPL là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp. Bằng nhiều hình thức phong phú như tuyên truyền miệng, tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở, tổ chức Hội nghị giới thiệu văn bản luật, tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật, lồng ghép với sinh hoạt của các CLB của các đoàn thể ở cơ sở, in và cấp phát tài liệu tờ rơi, tờ gấp… nhằm chuyển tải đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đi vào đời sống xã hội, trực tiếp đến với người dân để họ biết và thực hiện theo đúng quy định. Với nhận thức đó, Phòng Tư pháp đã chú trọng công tác PBGDPL cho người dân địa phương qua từng thời điểm, điều kiện cụ thể của từng giai đoạn.

Kể từ năm 1998, khi Trung tâm TGPL được thành lập, Phòng Tư pháp đã phối hợp với Trung tâm trong các đợt TGPL lưu động, tư vấn pháp luật, mời luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân cũng như kiến nghị đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết những vụ việc còn vướng mắc của người dân trong quá trình thực hiện pháp luật. Trong những năm đầu khi Trung tâm mới thành lập, do những khó khăn chung về biên chế, phương tiện đi lại, kinh phí...nên công tác phối hợp còn hạn chế, hiệu quả đạt được chưa cao. Trong 4 năm (1998-2002) chỉ tổ chức được 10 đợt TGPL lưu động trên địa bàn huyện với khoảng 400 người tham dự. Địa điểm tổ chức TGPL lưu động chủ yếu được thực hiện ở trụ sở UBND các xã, bà con người dân tộc thiểu số ở vùng xa trung tâm chưa có điều kiện để thụ hưởng các hoạt động của TGPL.

Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, Phòng Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm tổ chức được nhiều đợt TGPL lưu động về các thôn, xã vùng sâu, vùng xa, đến tận các thôn, xóm, cụm dân cư. Số lượng các đợt TGPL lưu động tăng lên hàng năm, từ năm 2002 đến nay đã tổ chức được 60 đợt TGPL lưu động với trên 4.000 lượt người tham dự. Qua các đợt TGPL lưu động, chủ trương chính sách và những quy định pháp luật của trung ương và địa phương được phổ biến đến từng người dân ở cơ sở. Bên cạnh công tác PBGDPL, Trung tâm và Phòng Tư pháp đã tư vấn, hướng dẫn và giải đáp những vướng mắc của người dân trong việc thực hiện pháp luật với hơn 150 lượt người tìm đến nhờ tư vấn, chủ yếu trong các lĩnh vực tranh chấp đất đai, hôn nhân và gia đình, xử phạt vi phạm hành chính, chế độ chính sách đối với người có công Cách Mạng...

Song song với hoạt động PBGDPL và các TGPL, được sự hướng dẫn của Trung tâm, năm 2007, Phòng Tư pháp đã chọn điểm và thành lập 2 Câu lạc bộ (CLB) TGPL ở xã Sơn Lâm và Ba Cụm Bắc theo Dự án TGPL. Và năm 2008, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và Chương trình 135, Phòng Tư pháp đã chỉ đạo thành lập tiếp 3 CLB ở xã Thành Sơn, Ba Cụm Nam và Sơn Bình. Để các CLB này hoạt động hiệu quả, Phòng duy trì thường xuyên công tác kiểm tra và hướng dẫn CLB xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch đi xuống từng thôn, xóm làm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt là chú trọng đến hoà giải những mâu thuẫn gia đình, xích mích bất hoà trong làng xóm. Qua các hoạt động cụ thể, thiết thực và hiệu quả của CLB, người dân ngày càng tin tưởng vào các giải thích của thành viên CLB nên ít có khiếu kiện lên trên. Tuy thời gian hoạt động của những CLB chưa dài nhưng đã mang lại hiệu quả rất lớn trong công tác PBGDPL của địa phương, góp phần làm thay đổi nhận thức pháp luật của người dân, giúp họ từng bước hiểu biết thêm về các quy định pháp luật của Nhà nước.

Từ thực tế công tác PBGDPL và TGPL trên địa bàn huyện cho thấy: PBGDPL lồng ghép qua các hoạt động của TGPL được coi là biện pháp nâng cao nhận thức pháp luật của người dân địa phương, từng bước khẳng định được vai trò quan trọng trong việc giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này cũng đang gặp một số khó khăn như trình độ dân trí thấp, đời sống kinh tế của người dân trên địa bàn so với các địa phương khác trong tỉnh còn nhiều cơ cực nên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác vận động người dân đến tham dự các buổi TGPL lưu động. Rồi vấn đề sinh hoạt của CLB khá mới mẻ nên cần rất nhiều sự quan tâm hướng dẫn nhắc nhở của Phòng Tư pháp và Trung tâm...Đồng chí Nguyễn Tất Hướng tâm sự: Hiện nay hoạt động PBGDPL và TGPL đã đi vào nề nếp và bắt đầu phát huy tác dụng trong cuộc sống. Nhưng để công tác này đạt được hiệu quả cao tốt hơn thì cần sự quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa về kinh phí, con người cũng như về chuyên môn nghiệp vụ, nhất là đối với hoạt động của CLB.

Hy vọng rằng, trong thời gian tới, công tác PBGDPL và TGPL ở Khánh Sơn sẽ đạt được nhiều thành tích cao hơn, đáp ứng yêu cầu của Đảng và Nhà nước trong việc nhanh chóng đưa các chủ trương, chính sách và pháp luật vào cuộc sống, góp phần tích cực vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống ấm no và hạnh phúc cho người dân ở cơ sở, đặc biệt là người dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi.

Đặng Hữu