Công tác tư pháp Quý III năm 2008 ở Vĩnh Phúc

02/10/2008
Trong Quý III/2008 các đơn vị trong ngành Tư pháp từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Các nội dung công tác chính trong quý của ngành Tư pháp theo kế hoạch cơ bản đã hoàn thành, một số việc hoàn thành tốt như công tác phổ biến giáo dục pháp luật, công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, đặc biệt là công tác xây dựng, kiểm tra thẩm định văn bản quy phạm pháp luật.

Sở đã làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh uỷ và UBND tỉnh theo chức năng nhiệm vụ được giao, công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc, đạt được những kết quả đáng ghi nhận góp phần vào sự thành công và phát triển chung của tỉnh về kinh tế- xã hội. Các phòng Tư pháp đã tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo hướng dẫn nên các hoạt động tư pháp ở cơ sở có tiến bộ đáng kể.

Công tác xây dựng, kiểm tra, thẩm định và rà soát văn bản QPPL.Trong quý III năm 2008 Sở Tư pháp đã tổng hợp kết quả rà soát văn bản QPPL lên quan đến quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp trên địa bàn tỉnh để báo cáo Bộ Tư pháp theo chỉ đạo và yêu cầu đặt ra. Bên cạnh đó, Sở đã tham gia đóng góp ý kiến vào 12 dự thảo văn bản QPPL và thẩm định 10 văn bản QPPL của tỉnh trước khi ban hành; tham mưu trình UBND tỉnh ban hành báo cáo thực trạng tổ chức và hoạt động pháp chế trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tham mưu đề xuất, tư vấn áp dụng pháp luật để giải quyết nhiều vụ việc KN-TC phức tạp xảy ra trên địa bàn tỉnh, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, phát triển kinh tế xã hội.

  Ở cấp huyện và cơ sở. Công tác xây dựng, kiểm tra và rà soát văn bản QPPL đã được các phòng Tư pháp quan tâm chú trọng và tổ chức thực hiện đúng theo yêu cầu của Nghị định 135/NĐ- CP của Chính Phủ, sự chỉ đạo của Bộ và sở Tư pháp. Một số đơn vị đã thực hiện tốt việc rà soát văn bản QPPL thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp theo chỉ đạo của tỉnh. Do làm tốt công tác tham gia đóng góp ý kiến, thẩm định, kiểm tra và rà soát văn bản QPPL nên chất lượng ban hành văn bản của chính quyền địa phương đã được nâng lên rõ rệt, đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật và yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của các địa phương và của tỉnh.

Công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực trong nhận thức pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh hoà giải cơ sở và xây dựng tủ sách pháp luật theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp và đề nghị Bộ Tư pháp khen thưởng cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình, tiên tiến trong công tác này. Tham mưu để Ban chỉ đạo cuộc thi của tỉnh tổ chức tổng kết và trao giải cuộc thi “Tìm hiểu Luật quản lý Thuế” cho các tập thể và cá nhân xuất sắc. Trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức cuộc thi sân khấu “Tìm hiểu Luật Bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực trong gia đình”; tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định kiện toàn Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của tỉnh, thành lập Ban chỉ đạo cuộc thi, giúp Ban chỉ đạo cuộc thi ban hành hướng dẫn, thể lệ, đề cương, gợi ý trả lời. Sở đã phối hợp tốt với các ngành có liên quan trong việc ký kế hoạch liên tịch, triển khai tổ chức cuộc thi theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh. Quý III/2008, Sở đã xây dựng báo cáo sơ kết 5 năm về an ninh nông thôn, báo cáo công tác tuyên truyền đợt cao điểm phòng, chống ma tuý báo cáo UBND tỉnh và Bộ tư pháp; chuẩn bị xuất bản bản tin Tư pháp số 4 với số lượng gần 6.000 cuốn, xây dựng 03 chuyên mục băng cassette về phòng chống tội phạm, cải cách hành chính, phòng chống bạo lực gia đình, lĩnh vực y tế, an toàn giao thông với số lượng 2.800 chiếc phát cho đài truyền thanh cấp huyện, xã. Xây dựng 9 chuyên mục “Pháp luật và đời sống” trên Đài PT-TH tỉnh và Báo Vĩnh Phúc để tập trung tuyên truyền cho hai cuộc thi của tỉnh về tìm hiểu Luật quản lý thuế, Luật bình đẳng giới, luật phòng chống bạo lực trong gia đình, cải cách tư pháp và phục vụ cho Đại hội toàn thể Đoàn luật sư tỉnh nhiệm kỳ 2008-2011. Triển khai các nội dung phối hợp tuyên truyền với ngành chức năng như: Cục thuế, Sở Giao thông- vận tải, Sở Nội vụ, Công an tỉnh, Sở Lao động-TB&XH, Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc…

           Ở cấp huyện và cơ sở. Các phòng Tư pháp đã chủ động tham mưu với cấp uỷ chính quyền làm tốt công tác tuyên truyền PBGDPL ở địa phương theo kế hoạch năm 2008 đã được duyệt. Các phòng Tư pháp đã phối hợp tốt với các ngành chức năng của huyện tổ chức thành công cuộc thi Tìm hiểu Luật quản lý thuế, được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, chất lượng bài dự thi ngày càng được nâng cao, tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh hoà giải cơ sở và xây dựng tủ sách pháp luật. Đồng thời bên cạnh đó đã thường xuyên theo dõi chỉ đạo sát sao công tác tuyên truyền PBGDPL ở các xã, phường thị trấn trong huyện, thị xã, thành phố. Lĩnh vực tuyên truyền tập trung chủ yếu vào một số văn bản pháp luật mới ban hành như: Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực trong gia đình, Luật công chứng, Luật quản lý thuế, Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật kinh doanh bất động sản, Nghị định 79/NĐ-CP…Một số đơn vị như Phòng tư pháp Vĩnh Yên, Yên Lạc đã phối hợp Trung tâm bồi dưỡng chính trị mở lớp tập huấn nghiệp vụ, trang bị kiến thức pháp luật cho cán bộ địa phương và cơ sở.

          Công tác hoà giải cơ sở tiếp tục được củng cố và duy trì, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, tỷ lệ hoà giải thành không ngừng được nâng cao. Tủ sách pháp luật ở cơ sở được quản lý và khai thác có hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật trong nhân dân.

Công tác thi hành án dân sự. Công tác THA dân sự trên địa bàn tỉnh tiếp tục được củng cố và tăng cường. Sở đã chỉ đạo các cơ quan THA dân sự các cấp tiến hành tổng rà soát toàn bộ các hồ sơ đang thi hành để phân loại chính xác từng vụ việc từ đó có kế hoạch giải quyết cụ thể cho từng vụ việc theo quy định của pháp luật. Đối với các vụ việc khó khăn, phức tạp cơ quan THA phải chủ động đề xuất, báo cáo Ban chỉ đạo tăng cường công tác THA cùng cấp để chỉ đạo các cơ quan liên quan cùng vào cuộc để giải quyết dứt điểm tránh khiếu nại, tố cáo kéo dài.

          Trong quý toàn tỉnh số án phải thi hành là : 4.485 việc = 168.429.389.000đ

Qua điều tra xác minh phân loại như sau:

+ Án có điều kiện thi hành là : 2.413 việc = 74.279.691.000đ

+ Án chưa có điều kiện thi hành là : 2.072 việc  = 94.149.698.000đ

Các cơ quan THA dân sự của tỉnh đã thi hành giải quyết được 906 việc bằng 6.451.641.000đ trên tổng số án có điều kiện thi hành.

          Các hoạt động chuyên môn được cơ quan THA quan tâm giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật. Công tác giải quyết KN-TC và xét, miễn giảm THA đã được chú trọng thường xuyên và đạt được những kết quả nhất định.

Công tác Hành chính Tư pháp. Công tác quản lý đăng ký hộ tịch theo Nghị định 158/2005/NĐ- CP, ngày 27/12/2005 của Chính Phủ tiếp tục được toàn ngành thực hiện đồng bộ đúng theo quy định của pháp luật. Trong Quý III năm 2008 Sở Tư pháp đã tham mưu đề nghị UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Một cửa liên thông” trong lĩnh vực Hộ tịch, Quốc tịch, Lý lịch tư pháp; tiếp tục phối hợp với cơ quan tư vấn xây dựng Đề án tin học hoá trong lĩnh vực hộ tịch, xây dựng Website của Sở; tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định cho phép tổ chức Helping Hands- Ailen hoạt động tại Vĩnh Phúc trong lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo và con nuôi có yếu tố nước ngoài. Sở Tư pháp đã tiến hành kiểm tra hoạt động của các Văn phòng con nuôi Quốc tế đang tiến hành các hoạt động hỗ trợ xin nhận con nuôi tại Vĩnh Phúc, kiểm tra công tác Tư pháp cơ sở theo chỉ đạo của Bộ tư pháp. Bên cạnh đó đã thụ lý và cấp phiếu lý lịch tư pháp cho 281 trường hợp, đăng ký kết hôn cho 07 trường hợp có yếu tố nước ngoài, đăng ký nuôi con nuôi 9 trường hợp, đăng ký khai sinh cho 02 trường hợp. Việc giải quyết các yêu cầu trên đều đảm bảo đúng pháp luật và thời hạn theo quy định tại bộ phận một cửa của Sở.

          Ở cấp huyện và cơ sở. Công tác đăng ký quản lý hộ tịch theo thẩm quyền quy định tại Nghị định 158/2005/NĐ-CP được các huyện, thị, thành phố thực hiện đúng trình tự, thủ tục từng bước đi vào nề nếp giảm bớt phiền hà và đem lại nhiều thuận lợi cho công dân khi có yêu cầu. Tuy nhiên ở một số xã trong công tác hộ tịch khi có người qua đời, hầu hết thân nhân không tự giác đi khai tử theo quy định mà chủ yếu do cán bộ tư pháp hộ tịch phải chủ động đôn đốc hoặc làm thay công việc này.

Hoạt động của các tổ chức Tư pháp bổ trợ. Trong quý III năm 2008, Phòng Bổ trợ tư pháp đã tham mưu cho lãnh đạo Sở trong việc tăng cường công tác quản lý các lĩnh vực: Công chứng, chứng thực, bán đấu giá tài sản, trợ giúp pháp lý nhà nước, giám định tư pháp, Luật sư, tư vấn pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động Công chứng được duy trì và đảm bảo theo Luật Công chứng. Quý III năm 2008 các phòng công chứng đã thực hiện công chứng được 933 hợp đồng giao dịch, chủ yếu là hợp đồng bảo đảm tiền vay thu lệ phí gần 140.000.000đ nộp ngân sách nhà nước.

 Ở cấp huyện và cơ sở. Các huyện, thị, thành phố duy trì có nề nếp việc thực hiện chứng thực theo cơ chế một cửa đảm bảo phục vụ kịp thời những yêu cầu của công dân và tổ chức đến yêu cầu chứng thực. Hầu hết UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện đúng các quy định của Nghị định 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký. Thực tế sau một năm thực hiện Nghị định 79/NĐ- CP đã đem lại nhiều tiện lợi cho công dân, tổ chức khi có yêu cầu chứng thực.

Trong quý III/2008 Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước phối hợp với Ban dân tộc tỉnh tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật, TGPL cho 4 đơn vị xã, thôn thuộc chương trình 135 của Chính Phủ. Thực hiện 15 cuộc Trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã, phường, thôn, làng trong tỉnh với 600 lượt người tham dự, tư vấn pháp luật tại chỗ cho 200 lượt người. Trong quý đã thụ lý 270 vụ việc và đã thực hiện trợ giúp được pháp lý 250 vụ việc thuộc các lĩnh vực hành chính, đất đai, dân sự, hình sự, thừa kế, nhà ở, chính sách…Tiếp tục thực hiện đề án kiện toàn tổ chức, bộ máy của trung tâm đã được UBND tỉnh phê duyệt, đề nghị bổ nhiệm 2 trưởng chi nhánh tại huyện Tam Đảo và Lập Thạch, dự kiến khai trương và đi vào hoạt động 02 chi nhánh này từ tháng 10 năm 2008.

Quý III/2008 Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản đã thụ lý 11 hồ sơ vụ việc đề nghị bán đấu giá tài sản với tổng giá trị của tài sản theo giá khởi điểm là 3.010.697.228đ, trong đó có 9 hồ sơ vụ việc của các cơ quan THA dân sự trên địa bàn tỉnh và 02 hồ sơ của các tổ chức tín dụng. Trung tâm đã ký kết 11 hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá tài sản với tổng giá trị của tài sản theo giá khởi điểm là 9.615.592.910đ. Triển khai thông báo bán đấu giá tài sản 17 vụ việc với tổng giá trị tài sản theo giá khởi điểm là 12.339.993.910đ, trong đó đã tổ chức bán đấu giá thành 05 vụ việc với tổng giá trị tài sản đã bán được là 2.345.700.000đ, chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh tiến hành định giá 03 vụ việc với tổng giá trị tài sản được xác định là 1.592.000.000đ, tham gia định giá cùng THA dân sự tỉnh 01 vụ việc với giá trị tài sản được định giá là 5.951.092.000đ. Trong quá trình triển khai bán đấu giá đã có 03 vụ việc xin dừng bán đấu giá với tổng số tiền theo giá khởi điểm là 5.902.512.000đ.

          Trong quý Sở đã phối hợp với các ngành, các cấp xây dựng báo cáo chuyên đề về luật sư báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tư pháp, chỉ đạo Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Đại hội toàn thể luật sư của tỉnh nhiệm kỳ 2008-2011. Sở đã tiến hành kiểm tra toàn diện hoạt động của 07 tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh, phối hợp với Sở Tư pháp Hà Nội kiểm tra 01 chi nhánh văn phòng luật sư hoạt động tại Hà Nội. Rà soát đội ngũ luật sư, rà soát tổ chức và hoạt động của Ban chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng kỷ luật của Đoàn luật sư, làm thủ tục đăng ký hoạt động cho 6 Văn phòng luật sự, chấm dứt hoạt động 01 văn phòng luật sư và đang phối hợp với Sở Tư pháp Hà Nội bàn giao các tổ chức hành nghề luật sư có trụ sở Văn phòng đặt tại Mê Linh có nguyện vọng chuyển về Hà Nội. Tuy nhiên, đội ngũ Luật sư so với yêu cầu hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, tính chuyên nghiệp chưa cao, chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao và nhu cầu pháp lý của xã hội.

Trong quý Sở đã tổ chức trao thẻ giám định viên tư pháp cho 03 giám định viên tư pháp mới được bổ nhiệm, phối hợp với các ngành hữu quan xây dựng báo cáo của tỉnh trong 4 năm thi hành pháp lệnh Giám định tư pháp. Phối hợp với Sở Y tế kiểm tra toàn diện Trung tâm giám định pháp y và Trung tâm giám định pháp y tâm thần, rà soát đội giám định viên báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tư pháp.

Công tác thanh tra, giải quyết KN-TC: Trong quý Thanh tra Sở đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch số 599/KH-LNTP, ngày 20/6/2008 của liên ngành Kiểm sát- Toà án- Công an- Tư pháp - Thi hành án về tiếp tục rà soát đơn khiếu nại- tố cáo trong lĩnh vực Tư pháp. Quý III/2008 đã tiếp 9 lượt công dân đến đề nghị giải quyết KN-TC, trong đó chủ yếu là đề nghị THA, giải thể HTX may Thống Nhất thành phố Vĩnh Yên, nhận và giải quyết 4 đơn thư khiếu nại về việc THA và cấp sai giấy khai sinh. Tham gia tư vấn giải quyết KN- TC các vụ việc theo yêu cầu của UBND tỉnh và các địa phương. Thanh tra sở còn cử cán bộ tham gia 2 Đoàn công tác của tỉnh về việc kiểm tra, đôn đốc giải quyết KN-TC trên địa bàn huyện Bình Xuyên, Vĩnh Tường.

Công tác giải quyết KN-TC về lĩnh vực THA tiếp tục được quan tâm, chú trọng, các cơ quan THA trong tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, không để xảy ra tình trạng khiếu nại vượt cấp.

Kim Yến