Kết quả đợt kết quả công tác xây dựng, ban hành và kiểm tra VBQPPL ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

02/10/2008
Qua kiểm tra, trong 02 năm 2006, 2007 và 6 tháng đầu năm 2008, HĐND, UBND 07 quận, huyện thuộc thành phố Đà Nẵng đã ban hành 73.093 văn bản các loại, trong đó có 267 văn bản quy phạm pháp luật và 72.826 văn bản hành chính.

Thực hiện Kế hoạch số 1030/KH-STP ngày 21/7/2008 về kiểm tra công tác xây dựng, ban hành và kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật của các quận, huyện thuộc thành phố Đà Nẵng năm 2006, 2007 và 6 tháng đầu năm 2008, Sở Tư pháp đã thành lập đoàn kiểm tra công tác văn bản ở 07 quận, huyện trên địa bàn thành phố. Từ ngày 05/8 đến ngày 26/8/2008, qua kiểm tra và làm việc trực tiếp tại Phòng Tư pháp và Văn phòng HĐND, UBND các quận, huyện, đoàn kiểm tra của Sở Tư pháp đã tiến hành kiểm tra 73.093 văn bản của HĐND, UBND 07 quận, huyện trên địa bàn thành phố ban hành trong hai năm rưỡi (2006, 2007 và 6 tháng đầu năm 2008), trong đó có 267 văn bản quy phạm pháp luật và 72.826 văn bản hành chính.

Kết quả công tác kiểm tra cụ thể như sau:

          1. Về công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật:

          a) Công tác xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật:

          Trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đa số các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các quận, huyện chưa thực hiện việc tổ chức lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức hữu quan, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trước khi đề nghị Phòng Tư pháp thẩm định theo quy định tại khoản 2 Điều 41 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân. Đây là quy trình bắt buộc theo quy định của Luật nên việc bỏ qua thủ tục này là không bảo đảm quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Và do đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động có liên quan tiếp theo như thẩm định của Phòng Tư pháp, xem xét, thông qua của UBND quận, huyện. Vấn đề ở đây không chỉ về mặt thủ tục mà phải khẳng định là tồn tại lớn nhất trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND quận, huyện, ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của địa phương.

          b) Công tác thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật:

Qua kiểm tra, đa số các quận, huyện đã thực hiện tốt công tác thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đây là bước chuyển biến tích cực của các địa phương so với trước đây. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2008, tỷ lệ văn bản quy phạm pháp luật do UBND quận, huyện ban hành có ý kiến thẩm định của Phòng Tư pháp đạt 100%. Bên cạnh đó, chất lượng thẩm định của Phòng Tư pháp quận, huyện ngày càng được nâng cao so với thời gian đầu mới triển khai thực hiện công tác thẩm định. Nhiều văn bản thẩm định đã nêu được những nội dung không phù hợp của dự thảo văn bản với các quy định của cơ quan nhà nước cấp trên, có văn bản thẩm định còn nêu ý kiến về tính khả thi của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Đa số các văn bản thẩm định của Phòng Tư pháp các quận, huyện đã thực hiện theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân về phạm vi thẩm định. Tuy nhiên vẫn có văn bản thẩm định chưa thể hiện đầy đủ các tiêu chí theo quy định về phạm vi thẩm định. Một số văn bản thẩm định còn sơ sài, chất lượng chưa cao, như: chưa nêu ý kiến của cơ quan Tư pháp đối với những nội dung không phù hợp của dự thảo, văn bản thẩm định đánh giá “kỹ thuật soạn thảo và văn phong ngôn ngữ sử dụng trong văn bản là phù hợp và đúng quy định”, trong khi đó, qua kiểm tra, dự thảo có khá nhiều điểm sai sót, chưa thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hoặc các ý kiến thẩm định về nội dung dự thảo không nêu tại mục 3 của văn bản thẩm định về tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo mà lại nêu ở mục 4 về ngôn ngữ và kỹ thuật soạn thảo văn bản.

          c) Trình tự xem xét, thông qua và ban hành VBQPPL:

Qua kiểm tra, trên thực tế, trình tự xem xét, thông qua và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND các quận, huyện chưa thực hiện theo đúng quy định tại Điều 44 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân như đã nêu trên. Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chỉ được Chủ tịch UBND quận, huyện xem xét và ký ban hành hoặc thông qua thường trực UBND quận, huyện (Chủ tịch và các Phó Chủ tịch) trước khi Chủ tịch ký ban hành mà chưa lấy ý kiến thành viên UBND, chưa tổ chức họp xem xét, thông qua theo trình tự Luật định.

Cá biệt trong các năm 2006, 2007 vẫn còn tình trạng cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện trình trực tiếp dự thảo cho Chủ tịch UBND quận, huyện xem xét, ký ban hành, không lấy ý kiến thẩm định của Phòng Tư pháp và không qua thủ tục trình ký của Văn phòng UBND quận, huyện.

          Đối chiếu với kết quả kiểm tra công tác văn bản năm 2006, có thể nhận thấy so với các năm trước các quận, huyện đã có những chuyển biến tích cực hơn trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, song việc tuân thủ vẫn chưa triệt để thể hiện cụ thể ở kết quả kiểm tra đã nêu ở phần trên đối với công tác xây dựng, thẩm định cũng như trình tự xem xét, thông qua và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND quận, huyện.

2. Về công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật

          a) Công tác tự kiểm tra đối với VBQPPL của UBND quận, huyện:

Qua công tác tự kiểm tra, một số Phòng Tư pháp đã thể hiện được vai trò, chức năng của cơ quan tư pháp trong việc giúp UBND quận, huyện phát hiện văn bản quy phạm pháp luật có nội dung không phù hợp với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên cũng như phát hiện văn bản hành chính có chứa quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, qua kiểm tra trực tiếp hồ sơ lưu thì các địa phương vẫn chưa thực hiện tốt công tác tự kiểm tra, cụ thể như: chưa lập sổ, phiếu kiểm tra đối với văn bản quy phạm pháp luật của UBND quận, hoặc lập Phiếu kiểm tra nhưng chưa đạt yêu cầu hoặc không đầy đủ. Bên cạnh đó, khi kiểm tra trực tiếp các văn bản quy phạm pháp luật của UBND các quận, huyện đã phát hiện một số sai sót như:

          + Văn bản quy phạm pháp luật được ban hành không đúng thẩm quyền; + Chưa thực hiện việc theo dõi và đánh số thứ tự riêng đối với văn bản quy phạm pháp luật mà theo dõi và đánh số thứ tự chung với văn bản hành chính; + Căn cứ pháp lý ban hành văn bản không đúng quy định - căn cứ văn bản hành chính hoặc căn cứ văn bản quy phạm pháp luật nhưng không phải là văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; + Ban hành dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật đối với những văn bản không chứa đựng quy phạm pháp luật; + Vẫn còn một số văn bản quy phạm pháp luật của UBND quận, huyện quy định sai về thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật: “có hiệu lực kể từ ngày ký”; có văn bản quy định hiệu lực trở về trước; Ngoài ra, vẫn còn văn bản quy phạm pháp luật không quy định thời điểm có hiệu lực của văn bản, nhất là văn bản Chỉ thị; + Chưa thực hiện việc gửi văn bản quy phạm pháp luật đến Sở Tư pháp để thực hiện việc giúp Chủ tịch UBND thành phố kiểm tra theo thẩm quyền đối với văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND quận, huyện theo đúng quy định.

* Các sai sót, tồn tại nêu trên tập trung vào văn bản quy phạm pháp luật của UBND quận, huyện ban hành năm 2006 và đã khắc phục dần trong những năm về sau.

b) Công tác kiểm tra theo thẩm quyền đối với VBQPPL của UBND các phường, xã trên địa bàn quận, huyện:

- Qua kiểm tra, một số địa phương chưa thực hiện công tác kiểm tra theo thẩm quyền thông qua việc chưa lập phiếu kiểm tra đối với văn bản quy phạm pháp luật của UBND phường, xã, như: quận Hải Châu, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, huyện Hoà Vang; một số địa phương lập phiếu kiểm tra chưa đạt yêu cầu, thể hiện qua việc qua kiểm tra hồ sơ thực tế có nhiều văn bản của các phường vi phạm về mặt hình thức nhưng cán bộ kiểm tra kết luận ở phiếu kiểm tra là không vi phạm về mặt hình thức, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với văn bản không chứa quy phạm pháp luật; chưa đề xuất, kiến nghị xử lý cụ thể tại phiếu kiểm tra ... (quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Sơn Trà).

- Kiểm tra trực tiếp một số văn bản quy phạm pháp luật của phường, xã (hồ sơ Phòng Tư pháp lưu kiểm tra) đã phát hiện văn bản phường, xã còn nhiều sai sót về hình thức văn bản, còn ban hành dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật đối với văn bản không chứa quy phạm pháp luật, căn cứ văn bản hết hiệu lực: căn cứ Pháp lệnh Về quyền hạn, nhiệm vụ của HĐND, UBND năm 1996 (một số phường thuộc quận Cẩm Lệ) ...

- Các phường chưa thực hiện việc gửi văn bản quy phạm pháp luật đến Phòng Tư pháp để kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật.

*Nhìn chung công tác kiểm tra ở các địa phương đã có những chuyển biến nhất định qua gần 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ Về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, thể hiện qua việc Phòng Tư pháp quận, huyện đã lập sổ, lập phiếu kiểm tra cũng như cũng đã có văn bản kiến nghị xử lý sau khi kiểm tra. Tuy nhiên để đáp ứng yêu cầu công tác kiểm tra văn bản, đề nghị UBND quận, huyện có sự quan tâm, chỉ đạo, theo dõi để công tác tự kiểm tra đối với văn bản quy phạm pháp luật của UBND quận, huyện cũng như công tác kiểm tra theo thẩm quyền đối với văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND xã, phường được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục nhằm phát hiện những văn bản vi phạm về nội dung cũng như hình thức để đề xuất hình thức xử lý cụ thể, kịp thời, đáp ứng yêu cầu và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước ở địa phương./.

Tạ Tự Bình