Quảng Ngãi tổ chức hội nghị góp ý dự thảo Luật Quốc tịch Việt Nam

02/10/2008
Đoàn đại biều Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi vừa tổ chức hội nghị để lấy ý kiến tham gia góp ý dự thảo Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi. Sau 09 năm thực hiện các quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998, nhiều quy định của luật không còn phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước, có những quy định khi áp dụng vào thực tiễn đã phát sinh những bất cập, không phát huy được hiệu quả.

Vì vậy, các đại biểu tham dự hội nghị đều thống nhất ý kiến cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Quốc tịch Việt Nam là rất cần thiết, các quy định của pháp luật về quốc tịch hiện nay cần phải xử lý mềm dẻo hơn cho phù hợp với tình hình mới và chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tại hội nghị lãnh đạo Sở Tư pháp nhất trí với nội dung của dự thảo về sửa đổi nguyên tắc một quốc tịch sao cho mềm dẻo hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho những trường hợp công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài và những người nhập quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn giữ được quốc tịch nước ngoài. Tuy nhiên việc chuyển từ nguyên tắc một quốc tịch cứng sang một quốc tịch mềm dẻo sẽ làm phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài đồng thời có quốc tịch nước ngoài. Đối với quy định tại khoản 4 Điều 12 của dự thảo “Trường hợp công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài thực hiện giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam thì quốc tịch được áp dụng là quốc tịch ghi trong hộ chiếu khi người đó nhập cảnh vào Việt Nam” quy định trên sẽ làm cho các cơ quan, tổ chức lúng túng khi giải quyết các giao dịch liên quan đến công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài, việc xác định quốc tịch đề ghi trong các giấy tờ của đương sự rất khó khăn, vì sẽ gắn với việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của đương sự.

Quy định về các điều kiện để được nhập quốc tịch Việt Nam như “Biết tiếng việt đủ để hoà nhập cộng đồng Việt Nam” và “Có khả năng đảm bảo cuộc sống tại Việt Nam” nhiều đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo cần phải quy định cụ thể, rõ ràng hơn để tạo điều kiện thuận lợi khi triển khai thực hiện, như biết tiếng việt ở mức độ nào mới được cho là đủ để hoà nhập cộng đồng hoặc có khả năng ở mức nào thì mới cho là đảm bảo cuộc sống tại Việt Nam. Về điều kiện người không quốc tịch và người nước ngoài phải “Thường trú ở Việt Nam từ năm năm trở lên”. Sở Tư pháp đề nghị nên quy định là: “Đã thường trú liên tục ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch”. Quy định về giấy cho thôi quốc tịch nước ngoài (khoản 3 Điều 22 của dự thảo) và giấy xác nhận cho thôi quốc tịch nước ngoài (khoản 3 Điều 25 của dự thảo) Cơ quan soạn thảo nên quy định thống nhất là giấy cho thôi quốc tịch nước ngoài.

Trong dự thảo Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi) đã bỏ các quy định về cấp Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam và Giấy chứng nhận mất quốc tịch Việt Nam, vấn đề này đã được giải thích trong dự thảo báo cáo giải trình của UBTVQH. Tuy nhiên kể từ khi thực hiện Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998 đến nay, theo số liệu thống kê thì số lượng công dân Việt Nam yêu cầu cấp Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam ngày càng tăng. Ở tỉnh Quảng Ngãi từ năm 1999 đến nay có 03 trường hợp người nước ngoài yêu cầu xin Giấy chứng nhận không có quốc tịch Việt Nam và 07 trường hợp công dân Việt Nam yêu cầu xin cấp Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam để bổ túc hồ sơ cá nhân, kết hôn, làm thủ tục hồi hương, đầu tư . . .Vì vậy, nếu bỏ quy định về cấp Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam thì khi công dân Việt Nam có yêu cầu xin cấp Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam, sẽ không có căn cứ quy định của pháp luật làm cơ sở thực hiện và không được cơ quan nào tiếp nhận để giải quyết. Đồng thời người nước ngoài cư trú tại Việt Nam yêu cầu cấp Giấy chứng nhận không có quốc tịch Việt Nam cũng sẽ không được giải quyết.

Từ thực tiễn các việc đã giải quyết về quốc tịch ở địa phương, Sở Tư pháp xét thấy cần thiết phải có quy định của pháp luật về cấp Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam để đáp ứng được các yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của công dân.

Võ VănThảo