Xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, điểm sáng trong công tác xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật

01/10/2008
Xã Tân Dĩnh là một xã nằm ở phía Tây Nam của huyện, có điều kiện tự nhiên, xã hội thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, ổn định về chính trị, an ninh, quốc phòng.

Trong những năm qua cùng với nhân dân cả nước tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, các chính sách pháp luật của Nhà nước. Được sự quan tâm, lãnh đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự chỉ đạo của Huyện uỷ, UBND huyện. Với tinh thần đoàn kết, thống nhất, phát huy quyền dân chủ, tự lực, tự cường Đảng bộ và nhân dân xã Tân Dĩnh đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt những mục tiêu đã đề ra trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh-quốc phòng…là đảng bộ 18 năm liền được công nhận là Đảng bộ 18 năm liền đạt trong sạch vững mạnh, chính quyền và các đoàn thể nhân dân tiên tiến xuất sắc…xã được nhiều bằng khen giấy khen của trung ương, của tỉnh và của huyện, năm 2007 xã đạt danh hiệu xã văn hoá đầu tiên của tỉnh Bắc giang. Trong chỉ đạo điều hành các hoạt động ở địa phương, UBND xã luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền PBGDPL nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật và sự tuân thủ pháp luật cho cán bộ và nhân dân, mở rộng đa dạng hoá các hình thức PBGDPL trong đó có hình thức quan trọng đó là “xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật” ở địa phương.

           Nhận thức rõ vị trí vai trò tầm quan trọng của tủ sách pháp luật trong đời sống nhân dân, đặc biệt là từ khi Thủ Tướng Chính phủ ban hành quyết định số 1067/QĐ-TTG về việc xây dựng quản lý tủ sách pháp luật tại xã, phường, thị trấn, Đảng uỷ - UBND xã  Tân Dĩnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo các ngành, thôn, trường học trong xã thực hiện tốt việc xây dựng tủ sách và ngăn sách pháp luật nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, học sinh và nhân dân tham gia tìm hiểu, nghiên cứu pháp luật để nâng cao ý thức pháp luật và sự tuân thủ pháp luật trong cán bộ và nhân dân. Gắn cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá tại khu dân cư” với việc phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong các trường học, trung tâm học tập cộng đồng, và tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh của xã những kiến thức pháp luật cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. Bởi vậy, nhận thức về pháp luật của nhân dân đã được nâng lên giúp cho cán bộ, nhân dân trong xã thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, hạn chế được nhiều các vi phạm pháp luật, ổn định tình hình ANCT- trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, khu dân cư.

          Nhằm đẩy mạnh việc phổ biến, tuyên truyền và giáo dục nâng cao nhận thức và sự chấp hành pháp luật trong các tầng lớp nhân dân, UBND xã Tân Dĩnh đã tham mưu cho Đảng uỷ xã tổ chức hội nghị chuyên đề  về công tác xây dựng Tủ sách pháp luật tại địa phương để truyền đạt chủ trương và tinh thần thực hiện. Bằng nguồn ngân sách của cấp trên và nguồn kinh phí tự có của địa phương, UBND xã đã đầu tư cho việc xây dựng phòng thư viện, mua sắm đóng mới tủ đựng sách để tạo dựng cơ sở nền tảng cho hoạt động của mô hình xây dựng, quản lý, đưa vào khai thác và sử dụng Tủ sách pháp luật. Ngoài các đầu sách, tài liệu pháp luật do Phòng Tư pháp huyện  chuyển xuống thì UBND xã còn kết hợp mua bổ sung nhiều đầu sách khác có nội dung thiết thực, gần gũi với đời sống nhân dân, như: Sách về phát triển kinh tế, sách về kiến thức văn hoá-gia đình, sách phục vụ thiếu nhi, báo chí phục vụ nhu cầu đọc của thanh niên và các tầng lớp nhân dân trong xã. Kết quả, chỉ sau một năm thực hiện, UBND xã đã xây dựng được phòng đọc sách về  có diện tích: 30m2, 02 tủ lớn để đựng sách, tài liệu và trên 300 đầu sách pháp luật, và 11 tủ sách mi ni cho 11 thôn trong xã. Sau 10 năm thực hiện xây dựng mô hình Tủ sách pháp luật ở xã Tân Dĩnh đã có trên 2.000 đầu sách các loại phục vụ nhân dân, trong đó sách và tài liệu pháp luật chiếm tỷ lệ 2/3. Bên cạnh đó UBND xã còn tạo điều kiện cho 01 cán bộ theo học lớp kiến thức chuyên môn về quản lý thư viện với mức phụ cấp tương đương mức lương tối thiểu. Vì vậy việc thống kê, theo dõi  số lượng đầu sách có chất lượng tốt và có tính chọn lọc cao. Đáp ứng đúng yêu cầu của công tác và sự chỉ đạo, điều hành của UBND xã, nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ và nhân dân có địa điểm rộng để đọc sách pháp luật, phát huy tính hiệu quả của Tủ sách pháp luật, UBND xã đã chỉ đạo đặt tủ sách tại thư viện xã, chỉ đạo xây dựng quy chế hoạt động và nội quy phòng đọc rõ ràng và được niêm yết công khai tại UBND xã. Thường xuyên có người trực, làm công tác bảo quản, sắp xếp và theo dõi sổ sách, cho mượn sách và quản lý trực tiếp hoạt động của tủ sách. Ở các thôn đồng chí trưởng thôn có trách nhiệm quản lý theo dõi hoạt động của tủ sách. Để gắn trách nhiệm, UBND xã đã thống nhất giao cho đồng chí làm công tác tư pháp xã phải trực tiếp quản lý thời gian, tinh thần và trách nhiệm của cán bộ hợp đồng. Cán bộ quản lý thư viện phải có trách nhiệm tham mưu trực tiếp cho cán bộ Tư pháp để từ đó có ý kiến kịp thời và chính xác với lãnh đạo xã để giải quyết mọi khó khăn nhằm đưa hoạt động của Tủ sách pháp luật xã ngày càng hiệu quả hơn. Bên cạnh đó UBND xã còn thường xuyên tạo điều kiện cho cán bộ chuyên môn tham gia các lớp tập huấn nhằn nâng cao kiến thức nghiệp vụ do Phòng Thư viện của Sở Văn hoá thông tin tỉnh tổ chức.

          Tuỳ vào mục đích, nhu cầu của mọi người dù là cán bộ, công chức của các tổ chức đoàn thể hoặc công dân đều có thể mượn các sách pháp luật, văn bản, tài liệu liên quan để nghiên cứu, sử dụng. Người có nhu cầu có thể mượn sách, tài liệu để đọc, nghiên cứu tại chỗ hoặc có thể mượn về nhà để tìm hiểu. Mọi người mượn, đọc sách pháp luật đều được tạo điều kiện thuận lợi khi có nhu cầu.

          Ngoài ra, cán  bộ Tư pháp - hộ tịch xã còn có trách nhiệm tiếp nhận từ văn phòng UBND xã tất cả những tài liệu liên quan đến pháp luật, những văn bản chỉ đạo của cấp trên, phô tô nhân bản để chuyển về Tủ sách pháp luật của xã, cũng như các tủ sách pháp luật mini tại thôn. Đồng thời kết hợp với Đài truyền thanh xã, Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” để lồng ghép tuyên truyền, giới thiệu các văn bản mới, tài liệu mới đưa vào thực hiện, chủ động phối kết hợp với các ngành, đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội nghề nghiệp ở địa phương để tuyên truyền, giới thiệu sách.

          Kết quả, sau 10 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng tủ sách pháp luật ở địa phương” sự hiểu biết về pháp luật trong cán bộ và nhân dân đã được nâng lên, số người đến đọc, mượn sách pháp luật ngày càng tăng hơn. Theo số liệu thống kê, sau 10 năm hoạt động tại tủ sách pháp luật đã có 3.225 lượt người đến mượn sách và đọc sách tại tủ sách của xã, ngoài ra còn có hàng ngàn lượt người đến mượn và đọc tại tủ sách của các thôn.  Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong công tác xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng tủ sách pháp luật trên địa bàn xã còn có những khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ, đó là:

          Do cán bộ phụ trách quản lý Tủ sách pháp luật còn làm công tác khác (kiêm nhiệm), trình độ chuyên môn còn hạn chế, ít được tập huấn nâng cao nhiệm vụ do vậy việc sắp xếp tủ sách, tài liệu còn chưa được khoa học, ngăn nắp dẫn đến việc tìm sách, lấy sách đôi khi mất nhiều thời gian.

          Việc cung cấp, luân chuyển các đầu sách pháp luật từ tủ sách pháp luật ở xã đến các tủ sách pháp luật ở các thôn  chưa được thường xuyên. Số lượng người đến mượn, đọc sách pháp luật chưa nhiều, chủ yếu là cán bộ công chức xã còn nhân dân đến mượn đọc còn hạn chế.

Hà Thanh Thuỷ