Những vẫn đề đặt ra đối với hoạt động câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội” ở huyện Yên Thế, Bắc Giang

01/10/2008
Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) với mục tiêu không chỉ tạo cho mọi người hiểu, nắm vững pháp luật mà phải hướng con người đến mục tiêu "Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luât". Do vậy, hoạt động PBGDPL đã được Đảng và nhà nước ngày càng quan tâm, chỉ đạo.

 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hàng loạt văn bản về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân xã, phường, thị trấn. Đó là những cơ sở pháp lý quan trọng cho việc đẩy mạnh hoạt động PBGDPL trong đó có việc đẩy mạnh việc thành lập và đưa vào hoạt động mô hình câu lạc bộ "Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội". Thực hiện chủ trương đó, được sự giúp đỡ của Ban chỉ đạo 130 và Sở Tư pháp, huyện yên Thế đã triển khai thành lập các Câu lạc bộ theo mô hình trên. Đến nay, huyện Yên Thế có 02 câu lạc bộ tuổi trẻ phòng, chống tội phạm cấp xã và 07 câu lạc bộ cấp thôn, bản. Hàng năm các câu lạc bộ đã thực hiện hàng trăm bổi sinh hoạt thường kỳ, tổ chức nhiều hội thi và các buổi giao lưu giữa câu lạc bộ với các tổ chức đoàn thể, tham gia tích cực trong việc tuyên truyền PBGDPL tại cơ sở tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của quần chúng nhân dân trong việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Qua 7 năm hoạt động, mô hình Câu lạc bộ "Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội" đã phát huy tác dụng  trọng công tác PBGDPL nói chung, đấu tranh phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội nói riêng. Câu lạc bộ ra đời đã tập hợp đông đảo thanh niên và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia. Câu lạc bộ cũng là nơi giúp các hội viên được củng cố, nâng cao kiến thức pháp luật và là hạt nhân trong công tác tuyện truyền pháp luật tại cộng đồng dân cư, đồng thời, phát hiện, tố giác, cảm hoá tội phạm hoàn lương về với cuộc sống cộng đồng, xây dựng thôn, bản bình yên, gia đình hoà thuận. Trong các buổi sinh hoạt, báo cáo viên của huyện (Phòng Tư pháp và Công an huyện) trực tiếp giới thiệu nội dung các văn bản pháp luật, thông tin về tình hình trật tự an toàn xã hội ở địa phương; cùng các hội viên bàn biên pháp nâng cao hiệu quả hoạt động. Ban chủ nhiệm các câu lạc bộ chủ động tham mưu cho chính quyền các địa phương xây dựng kế hoạch tuyên truyền, PBGDPL ở địa phương phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời tổ chức các cuộc tuyên truyên trên hệ thống thông tin đại chúng, phối hợp với đoàn thanh niên tổ chức các buổi toạ đàm, các buổi giao lưu văn hoá với đơn vị bạn, xây dựng các tiểu phẩm vui, đặc biệt chú trọng tuyên truyền pháp luật đến tầng lớp thanh thiếu niên và nhi đồng.

Có thể nói, Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội đã thực sự trở thành "sân chơi" bổ ích cho các thành viên, bước đầu nâng cao nhận thức pháp luật trong quần chúng nhân dân trên địa bàn huyện hướng nhân nhân dân dân làm quen với ý thức "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật". Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, hoạt động của các Câu lạc bộ còn gặp nhiều khó khăn như: Các Câu lạc bộ hoạt động theo hình thức tự nguyện và đa số thành viên Câu lạc bộ là thanh niên lao động chủ yếu trong gia đình. Vì thế nhiều thành viên tự nguyện tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ được một thời gian phải xin thôi sinh hoạt để đi làm ăn xa, cho nên, việc huy động đầy đủ các thành viên tham gia các buổi sinh hoạt cũng như tham gia các hoạt động PBGDPL đang gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tài liệu cung cấp cho hoạt động sinh hoạt thường kỳ còn thiếu, nhiều nơi các cấp uỷ, chính quyền chưa có sự quan tâm đúng mức đối với hoạt động của các câu lạc bộ. Mặt khác, các thành viên trong Câu lạc bộ trình độ văn hoá không đồng đều, dẫn đến việc tiếp cận, tìm hiểu pháp luật thông qua trao đổi pháp luật và tủ sách pháp luật gặp nhiều khó khăn.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, tiếp tục khẳng định tính tích cực và vai trò của thế hệ trẻ trong công tác PBGDPL, đấu tranh phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong giai đoạn hiện nay, trước hết phải: Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền trong công tác xây dựng, chỉ đạo, định hướng cho hoạt động của các Câu lạc bộ, quan tâm đầu tư về kinh phí và tài liệu như sách pháp luật, các loại báo chuyên ngành pháp luật, các tập chí pháp luật cho các Câu lạc bộ hoạt động có hiệu quả. Bên cạnh đó, Ban chủ nhiệm các Câu lạc bộ phải thực sự năng động, chủ động trong hoạt động điều hành của mình; phải thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương, sự ủng hộ giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp cũng như các tầng lớp nhân dân trên địa bàn; thường xuyên đổi mới hình thức sinh hoạt, biến các buổi sinh hoạt thành “sân chơi” bổ ích cuốn hút được mọi đối tượng tham gia. Có như vậy, mô hình “Câu lạc bộ tuổi trẻ phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội” mới phát huy tác dụng trong công tác PBGDPL, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội hiện nay./. 

Hoàng Giang