Sở Tư pháp Bình Định: Với công tác phòng, chống tội phạm và phòng, chống ma tuý

01/10/2008
Sở Tư pháp Bình Định vừa tổ chức đánh giá công tác phòng, chống tội phạm và phòng, chống ma tuý. Theo đó, trong 9 tháng năm 2008, Bình Định đã có nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm phòng chống tội phạm có hiệu quả nhất.

            Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Quyết định số 138/1998/QĐ-TTg, ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 49/1999/QĐ-UB ngày 12.4.1999 về việc thành lập Ban chỉ đạo 138 gồm 10 thành viên Ban chỉ đạo là đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, trong đó có lãnh đạo Sở tư pháp. Trên cơ sở kế hoạch số 16/KH-BCĐ ngày 12/4/1998 của Ban chỉ đạo chương trình quốc gia phòng chống tội phạm tỉnh Bình Định, Sở Tư pháp đã xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án 2 là “xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, pháp luật và trách nhiệm công dân về bảo vệ an ninh trật tự”.
           Từ đầu năm 2008, thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý trong tình hình mới, Chỉ thị 11-CT/TU ngày 5/08/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp, cơ quan thường trực của Hội đồng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh đã tham mưu UBND ban hành Quyết định số 14/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2008 trên địa bàn tỉnh, Quyết định số 397/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình công tác PBGDPL từ năm 2008-2012 trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 1362/QĐ-CTUBND ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh và Quyết định số 1231/QĐ-CTUBND về việc ban hành Kế hoạch tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở và Quyết định số 1067/QĐ-TTg ngày 25/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh...Trong đó, có nội dung yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể, UBND các địa phương tổ chức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, phòng chống ma túy trong các tầng lớp nhân; đẩy mạnh công tác củng cố các tổ chức hòa giải ở xã, phường, thị trấn; kiện toàn tổ chức các thành viên tham gia Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật ở các cấp. 
           Qua 9 tháng tổ chức và thực hiện công tác phòng, chống tội phạm và phòng, chống ma tuý trên địa bàn tỉnh, ngành tư pháp có nhiều biện pháp kiện toàn Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật các cấp; chỉ đạo cho các đơn vị trong toàn ngành triển khai thực hiện phòng chống tội phạm; ngăn ngừa và phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý một cách có hiệu quả; đồng thời phối hợp với các sở, ngành chức năng liên quan, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, pháp luật dưới nhiều hình thức khác nhau, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, giúp cho cán bộ, công chức và nhân dân trong toàn tỉnh thấy rõ tác hại của các loại tội phạm, nhất là tội phạm mua bán phụ nữ, mua bán trẻ em; thực hiện tố giác tội phạm để có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn có hiệu qủa các loại tội phạm.
Thông qua việc soạn thảo hoặc thẩm định những văn bản quy phạm pháp luật do các ngành gửi đến có nội dung phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý như kế hoạch tổ chức triển khai, tập huấn các quy định pháp luật hình sự, Luật phòng chống ma túy, Luật trợ giúp pháp lý, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình...Ngoài ra, thông qua đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đội ngũ báo cáo viên pháp luật, hoà giải viên pháp luật... tổ chức tuyên truyền pháp luật phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý đến người dân tận cơ sở.
           Trong 9 tháng đầu năm 2008, các tổ hòa giải trong toàn tỉnh tiến hành hòa giải từ 500 đến 600 vụ tranh chấp, xích mích nhỏ trong nội bộ nhân dân, chủ yếu thuộc các lĩnh vực như dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai sinh hoạt cộng đồng...Qua đó, ngăn ngừa những loại tội phạm nảy sinh từ cơ sở, góp phần gìn giữ an ninh trật tự, an toàn xã hội tại cơ sở. Ngoài ra, thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở, các hòa giải viên là những người làm tốt công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy đến tận người dân, nâng cao ý thức phát hiện, tố giác các loại tội phạm, ngăn ngừa tệ nạn ma túy có hiệu qủa từ cơ sở.
           Sở tư pháp còn in và phát hành 4 số Bản tin “Tư pháp Bình Định”, mỗi số 1.700 tập cấp phát miễn phí đến các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Hội đồng phối hợp cấp huyện, xã, tủ sách pháp luật của xã, trưởng thôn, khu vực, làng làm tài liệu tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân. Trong đó, có những tin, bài với một thời lượng thích đáng phổ biến các quy định pháp luật về phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý và cũng thông qua Bản tin Tư pháp Bình Định thông tin tội phạm, tệ nạn ma túy để cán bộ và nhân dân biết phòng ngừa.
           Đến nay, Bình Định đã có 100% xã, phường, thị trấn xây dựng xong tủ sách pháp luật, mỗi tủ sách pháp luật có trung bình từ 60 đến 100 đầu sách các loại. Các các cơ quan, đơn vị, trường học cấp tỉnh xây dựng tủ sách pháp luật; Thông qua tủ sách pháp luật để tuyên truyền các quy định phạm luật về tội phạm, về ma túy để nâng cao ý thức phòng ngừa và tố giác tội phạm, ngăn ngừa có hiệu qủa các tệ nạn ma túy phát sinh. 
           Sở Tư pháp phối hợp Báo Bình Định, Đài Phát thanh-Truyền hình Bình Định từng bước nâng cao chất lượng chuyên trang “Pháp luật và đời sống” “Trợ giúp pháp lý” để tuyên truyền các văn bản luật có liên quan phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy phản ảnh những hoạt động từ địa phương, đơn vị hoạt động trong việc phòng ngừa và đấu tranh có hiệu qủa việc phòng chống tội phạm, phòng chống tội phạm ma tuý.
           Thực hiện công tác phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý trên địa bàn tỉnh, các cơ quan có chức năng là thành viên của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ tỉnh đến huyện, xã đã tổ chức nhiều cuộc thi cuộc thi tìm hiểu pháp luật về phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý, thu hút đông đảo cán bộ và nhân dân tham gia. Đồng thời hướng dẫn và xây dựng 239 câu lạc bộ pháp luật và 24 đội tuyên truyền phòng chống các tệ nạn xã hội chủ yếu ở các tổ chức đoàn thanh niên và trường học. Từ năm 2003 đến nay, Sở tư pháp phối hợp TP.Quy Nhơn, UBND huyện Tuy Phước xây dựng và duy trì Câu lạc bộ “Tuổi trẻ với việc phòng chống tội phạm” tại phường Gềnh Ráng và tại xã Phước Thắng… qua đó đã tuyên truyền về phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý; đồng thời rút kinh nghiệm để hướng dẫn các địa phương khác trong tỉnh xây dựng và thực hiện tuyên truyền về phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý thông qua hoạt động của câu lạc bộ phòng chống tội phạm trong thanh niên. 
         Từ đầu năm đến nay, Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước tỉnh Bình Định đã tiến hành trợ giúp pháp lý miễn phí trên nhiều lượt người, trong đó việc trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Thông qua các vụ, việc trợ giúp pháp lý, các trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên và cộng tác viên trợ giúp pháp lý hướng dẫn các đối tượng thực hiện đúng theo quy định của pháp luật và đạo đức xã hội, góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân và phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý, làm hạn chế thấp nhất phát sinh các loại tội phạm.
         Thường xuyên cung cấp thông tin về thực trạng các loại tội phạm, tội phạm ma tuý trong cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng cho các đơn vị trực thuộc trong các cuộc họp trực báo của ngành. Thông qua các hoạt động nghiệp vụ của ngành như công chứng, tổ chức đăng ký khai sinh, kết hôn…cán bộ, công chức ngành tư pháp phát hiện và cung cấp cho cơ quan điều tra nhiều thông tin tội phạm, thông tin về tội phạm ma tuý..qua đó làm cho mọi người thấy tính chất nguy hiểm cho xã hội của các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma tuý, tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em, hình phạt của pháp luật đối với từng loại tội phạm.
        Qua thực hiện công tác tuyên truyền,phổ biến giáo dục pháp luật có liên quan đến công tác phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý của Sở Tư pháp Bình Định. Sở tư pháp đã có nhiều biện pháp xây dựng được cơ chế phối hợp đồng bộ, phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội nên đã đưa công tác công tác phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý dần dần đi vào nề nếp, hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và các tầng lớp nhân dân, tăng cường trật tự kỷ cương, ngăn ngừa có hiệu quả các loại tội phạm nói chung và tội phạm mua ma tuý nói riêng, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định.

Nguyễn Huỳnh Huyện