Kết quả 10 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Lào Cai

15/09/2008
Trước khi Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải cơ sở được ban hành, trong thời gian từ năm 1992 đến năm 1998, các Tổ hoà giải trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã được thành lập, củng cố và kiện toàn, gồm 218 tổ hoà giải với 654 hoà giải viên. Qua 10 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, từ năm 1998 đến năm 2008 trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có 2.127 tổ hoà giải/2.146 thôn, bản với 9.593 hoà giải viên, về cơ bản các thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã thành lập tổ hoà giải. Đặc biệt một số huyện vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có số tổ hoà giải còn nhiều hơn số thôn, bản như: huyện Si Ma Cai có 92 tổ hoà giải/90 thôn, bản, như vậy có những thôn, bản có 02 tổ hoà giải.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh, công tác rà soát, củng cố, kiện toàn các tổ hoà giải trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã được các cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Hàng năm, Sở Tư pháp phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn UBND xã, phường, thị trấn rà soát số Tổ hoà giải và số hoà giải viên, kịp thời bổ sung tổ viên tổ hoà giải hoặc thành lập mới tổ hoà giải theo nhu cầu. Ngoài mô hình Tổ hoà giải được thành lập theo thôn, bản, tổ dân phố với cơ cấu từ 03 đến 05 tổ viên, có nơi từ 05 đến 07 tổ viên với thành phần là: Trưởng thôn, Trưởng bản, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn, Công an viên, Chi Hội trưởng Chi hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, cán bộ hưu trí, già làng và một số người có uy tín trong cộng đồng dân cư, ở một số xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh thành lập mô hình Ban hoà giải cấp xã (Phường Kim Tân, phường Cốc Lếu - thành phố Lào Cai, huyện Bảo Thắng), thành phần gồm lãnh đạo xã, cán bộ tư pháp, cán bộ địa chính, cán bộ Mặt trận Tổ quốc, cán bộ các đoàn thể như: Hội nông dân, Hội phụ nữ… Ban hoà giải cấp xã có trách nhiệm giải quyết những vụ việc mà Tổ hoà giải hoà giải không thành hoặc đối với những vụ việc phức tạp thì Ban hoà giải phối hợp cùng Tổ hoà giải để giải quyết.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, các tổ hoà giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 29.799 vụ việc, phần lớn số vụ việc hoà giải tập trung vào các lĩnh vực như: đất đai, dân sự, hôn nhân và gia đình, các tranh chấp nhỏ trong sinh hoạt cộng đồng…Trong đó: Số vụ việc đang hoà giải: 694 vụ. Số vụ việc đã hoà giải: 29.105 vụ, trong đó: Số vụ việc đã hoà giải thành: 27.085 vụ/ 29.105 vụ, đạt tỷ lệ 93,6%, cụ thể: Dân sự: 5.316 vụ; Hôn nhân và gia đình: 5.043 vụ; Đất đai: 8.923 vụ; Lĩnh vực khác: 7.803 vụ. Số vụ việc hoà giải không thành, hướng dẫn chuyển cơ quan chức năng giải quyết: 2.020 vụ.

Trong những năm qua Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân trong đó chú trọng củng cố kiện toàn về tổ chức và hoạt động của tổ hoà giải. Đặc biệt, sau khi có Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, sự quan tâm của lãnh đạo địa phương ngày càng cụ thể hơn, hiệu quả hơn. Chính nhờ sự quan tâm đó, mạng lưới Tổ hoà giải được củng cố, mở rộng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hoà giải ngày càng phức tạp. Hàng năm, cơ quan tư pháp các cấp thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở; tập huấn, bồi dưỡng đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nghiệp vụ hoà giải; biên soạn, in ấn, phát hành, cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở cho người làm công tác hoà giải.

Nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ trong hoạt động hoà giải, cũng như thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân thông qua hoạt động hoà giải, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan Tư pháp các cấp thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyên đề về công tác tư pháp, hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Tư pháp cấp xã, cấp huyện và các ngành liên quan trong đó có nội dung về công tác hoà giải cơ sở. Từ năm 1998 đến nay, Sở Tư pháp phối hợp với Sở Nội vụ mỗi năm tổ chức 2 lớp tập huấn nghiệp vụ tư pháp cơ sở (từ 10 đến 15 ngày/01lớp), trong đó có chuyên đề nghiệp vụ hoà giải cơ sở cho cán bộ tư pháp hộ tịch xã. Lồng ghép nội dung bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng hoà giải ở cơ sở vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ cốt cán cơ sở tại Trường chính trị tỉnh và Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố. Đây là lực lượng nòng cốt thực hiện việc hướng dẫn nghiệp vụ, phổ biến kiến thức pháp luật cần thiết cho các hoà giải viên ở cơ sở, nhằm thực hiện và vận dụng tốt giữa quy định của pháp luật với phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào dân tộc trong công tác hoà giải.

Công tác phổ biến, tuyên truyền Pháp lệnh và các văn bản có liên quan được triển khai ngay sau khi Pháp lệnh được công bố đến tất cả các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân thông qua chỉ đạo 2 đợt tuyên truyền pháp luật trong năm 1999 (có 98.000 lượt người tham gia học tập). Năm 2000 và năm 2005, căn cứ Kế hoạch của Bộ Tư pháp và Kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã tổ chức triển khai Hội thi “Hoà giải viên giỏi” lần thứ nhất vào năm 2000 và lần thứ hai vào năm 2005 ở cả ba cấp, nhằm củng cố, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền pháp luật và nghiệp vụ hoà giải cho đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở. Hội thi đã thu hút được sự tham gia đông đảo của đội ngũ hoà giải viên và sự hưởng ứng nhiệt tình của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Kết quả, hoà giải viên tỉnh Lào Cai tham gia dự thi đã đạt giải Ba (năm 2000) và đạt giải Nhì (năm 2005) tại Hội thi “Hoà giải viên giỏi” toàn quốc. Thành tích đó không chỉ của riêng thí sinh đạt giải mà còn củng cố phong trào thi đua lập thành tích trong công tác hoà giải ở địa phương, là cơ hội để giới thiệu với bạn bè các tỉnh khác về tổ chức và hoạt động hoà giải của tỉnh Lào Cai. Hội thi cũng là dịp để các hoà giải viên giao lưu, trao đổi kỹ năng nghiệp vụ, củng cố kiến thức pháp luật của mỗi cá nhân hoà giải viên; đồng thời, phát hiện và kịp thời biểu dương những điển hình xuất sắc trong hoạt động hoà giải ở cơ sở; đó là nhân tố quan trọng, là cầu nối, là một hình thức để truyền tải pháp luật đến với mọi tầng lớp nhân dân. Để cung cấp tài liệu cho các tổ hoà giải cũng như các hoà giải viên ở cơ sở có tài liệu làm cẩm nang cho công tác chuyên môn, nghiệp vụ, Sở Tư pháp Lào Cai biên soạn và cấp phát được 2.700 cuốn tài liệu Số chuyên đề về nghiệp vụ tư pháp cơ sở và tìm hiểu các văn bản pháp luật về công tác hoà giải ở cơ sở, với nội dung ngắn gọn, phù hợp để tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân và sử dụng làm tài liệu phục vụ cho công tác hoà giải cho đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở. Thực hiện Thông tư số 63/2005/TT-BTC ngày 05/8/2005 hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 39/2006/QĐ-UBND ngày 04/5/2006 về mức chi đảm bảo cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó quy định mức chi thù lao cho một vụ hoà giải là 50.000 đồng.

Hoạt động kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong đó có công tác hoà giải ở cơ sở tại địa bàn các huyện, thành phố được tổ chức duy trì thường xuyên thông qua các đợt kiểm tra của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện. Hàng năm, Sở Tư pháp lập kế hoạch kiểm tra, chỉ đạo Phòng tư pháp hướng dẫn, kiểm tra công tác hoà giải cơ sở và báo cáo kết quả về Sở Tư pháp. Thông qua công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, những tồn tại, hạn chế trong công tác hoà giải để có biện pháp khắc phục kịp thời từng bước nâng cao hiệu quả của công tác hoà giải ở cơ sở.

Tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh, UBND các huyện, thành phố tổ chức hội nghị chuyên đề đánh giá nghiêm túc kết quả công tác hoà giải cơ sở trên địa bàn, biểu dương, khen thưởng các Tổ hoà giải và hoà giải viên đạt thành tích xuất sắc trong công tác hoà giải nhằm động viên, khích lệ phong trào thi đua. UBND tỉnh xét tặng Bằng khen cho 17 tập thể và 37 cá nhân đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, củng cố tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở. Đề nghị Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 01 tập thể; Bộ Tư pháp tặng Bằng khen cho 01 tập thể và 02 cá nhân.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở công tác hoà giải ở cơ s trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực cả về chất lượng và số lượng, thông qua công tác này các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong nội bộ cộng đồng dân cư được giải quyết một cách kịp thời, đạt hiệu quả cao, góp phần giữ gìn an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội ở địa phương, hạn chế và giảm thiểu tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp, giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống của nhân dân, nâng cao dân trí và ổn định trật tự xã hội. Từ đó, chủ động, tích cực, thống nhất cao trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở bằng những kế hoạch cụ thể; vai trò của cơ quan tư pháp trong việc tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền cùng cấp về triển khai toàn diện việc thực hiện Pháp lệnh được phát huy; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận đã thể hiện được vai trò phối hợp, chỉ đạo trong việc thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở. Công tác hoà giải ở cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân, thông qua công tác này các quy định của pháp luật đã được đội ngũ hoà giải viên truyền tải đến nhân dân nhanh chóng và hiệu quả, từ đó giúp nhân dân hiểu và chấp hành đúng các quy định của pháp luật đặc biệt là đối với nhân dân ở những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 Ngọc Khánh