Tình hình thực hiện Pháp lệnh ưu đãi Người có công tại tỉnh Hòa Bình: Thiệt thòi vì bất cập pháp luật

12/09/2008
“Dù rằng làm đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn thấy áy náy” là tâm trạng không chỉ riêng ông Phó Giám đốc Sở LĐ-TB và XH tỉnh Hòa Bình Nguyễn Trung Dũng mà còn là của rất nhiều cán bộ của tỉnh đang ngày ngày thay mặt Nhà nước, nhân dân làm công tác đền ơn đáp nghĩa đối với những người có công. Sự áy náy của họ xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ những quy định bất cập của pháp luật

Hiện nay toàn tỉnh Hòa Bình có 88% xã phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ, đền ơn đáp nghĩa, 95% gia đình chính sách có mức sống ngang bằng hoặc trên mức sống trung bình của xã hội. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng, thực tế cũng cho thấy còn nhiều vướng mắc liên quan tới chế độ chính sách, mức trợ cấp cho người có công do các quy định còn bất cập của pháp luật.

Theo quy định của pháp luật (Khoản 6 Điều 3 Nghị định54/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh), đối với trường hợp tử vong do vết thương tái phát của đối tượng thương binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 21-80% phải có bệnh án điều trị và biên bản kiểm thảo tử vong do vết thương tái phát của Giám đốc bệnh viện cấp tỉnh trở lên thì mới được xác nhận để làm chế độ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trung Dũng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, với quy định này thì việc thực hiện chính sách ở Hòa Bình là rất khó khăn. Bởi lẽ, Hòa Bình là tỉnh miền núi, đường giao thông có nhiều cách trở, trong khi đó lại có nhiều thương binh cư trú tại vùng sâu, vùng xa. Trong thực tế đã xảy ra trường hợp một số đồng chí thương binh do tái phát vết thương quá nặng đã tử vong trước khi chuyển từ bệnh viện cấp huyện lên bệnh viện tỉnh, nên bệnh viện tỉnh không thể xác nhận tình trạng tử vong do vết thương tái phát theo luật định, mặc dù bệnh viện huyện đã xác nhận, gây ra nhiều dư luận thắc mắc trong gia đình, nhân dân và chính quyền sở tại. Vì vậy, nên chăng sửa đổi quy định để người có thẩm quyền chứng nhận là cả Giám đốc bệnh viện cấp huyện thay vì chỉ Giám đốc bệnh viện cấp tỉnh thì phù hợp với tình hình thực tế hơn?

Tương tự, chế độ trang cấp dụng cụ chỉnh hình theo luật định với một số trường hợp phải được bệnh viện cấp tỉnh hoặc Hội đồng Giám định y khoa chỉ định và xác nhận. Nhưng, phần đông đối tượng thụ hưởng chế độ này đều đã không đến khám để được chỉ định trang cấp dụng cụ chỉnh hình vì lý do đã già yếu không thể đi lại đường xá xa xôi và không có đủ kinh phí đi đường. Về vấn đề này, theo đề nghị của Sở LĐ-TB và XH tỉnh Hòa Bình đối với những hồ sơ đã được quản lý và thực hiện chính sách thường xuyên, thì cứ theo biên bản trong hồ sơ để thực hiện việc trang cấp. Còn những trường hợp đặc biệt do bị biến chứng của bệnh tật phát sinh sau này thì mới cần có chỉ định của bệnh viện tỉnh hoặc Hội đồng Giám định y khoa để nhằm đảm bảo cho các đối tượng theo luật định đều được thụ hưởng chế độ trang cấp dụng cụ chỉnh hình, tránh bị thiệt thòi vì lý do khách quan.

Về chế độ ưu đãi, theo ông Nguyễn Trung Dũng do quy định của pháp luật chưa có được sự tương quan  nên một số trường hợp ưu đãi trợ cấp chưa được hợp lý. Cụ thể, đối với người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày mức trợ cấp đưởng hưởng còn thấp. Có những người thời gian tù đày trên 10 năm mà chỉ được hưởng trợ cấp một lần trên 2 triệu đồng. Trong khi đó, người hoạt động cách mạng từ 1/1/1945 đến trước tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 có thời gian hoạt động ít hơn nhưng được hưởng trợ cấp hàng tháng mức 588.000 đồng khi mất thân nhân của họ được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng. Bên cạnh đó, mức trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương là 120.000 đồng/ 1 thâm niên thực hiện từ 1/1/1995 theo Nghị định 28/CP đến nay là không còn phù hợp với mức sống xã hội nữa...Việc tăng mức trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày nghiên cứu để đối tượng này được hưởng trợ cấp hàng tháng và tăng mức trợ cấp đối của một thâm niên tham gia kháng chiến đối với người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương là rất cần thiết lúc này...

Thực tế công tác đền ơn đáp nghĩa ở tỉnh Hòa Bình nói riêng và nhiều tỉnh thành trong cả nước nói chung cũng cho thấy, còn nhiều trường hợp cũng đang rất cần được Nhà nước, xã hội dành cho sự ưu đãi như những người có công với cách mạng. Đó là những người đã cống hiến cả tuổi trẻ, sức lực của mình nơi hòn tên mũi đạn để tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc . Rất nhiều người trong số họ đã và đang có một cuộc sống khó khăn, thiệt thòi cả về vật chất lẫn tinh thần, nhưng lại không được hưởng bất kỳ một sự hỗ trợ nào, vì một lẽ đơn giản họ không phải là thương, bệnh binh.

Xuân Hoa