Huyện Điện Biên tập huấn kiến thức pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên cấp xã

12/09/2008
Thực hiện thông báo số 74/TB-TW ngày 11 tháng 5 năm 2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X), nghị quyết số 61/2007/NQ-CP ngày 7 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ về việc “tiếp tục thực hiện chỉ thị số 32 của Ban bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ nhân dân; Kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật số 114/KH-UBND ngày 04/02/2008 của UBND tỉnh Điện Biên, Kế hoạch số 128 ngày 24/03/2008 của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện Điện Biên về công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật năm 2008.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, thực hiện kế hoạch 395/KH-HĐPHGDPL do UBND huyện Điện Biên ban hành ngày 16 tháng 07 năm 2008 về việc tập huấn kiến thức pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên cấp xã với nội dung tập huấn gồm 4 chuyên đề: Pháp luật dân sự; pháp luật hôn nhân và gia đình; pháp luật đất đai; pháp luật khiếu nại tố cáo. Từ ngày 15 tháng 8 năm 2008, phòng Tư pháp huyện Điện Biên (cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện Điện Biên) đã tập huấn kiến thức pháp luật cho 188 tuyên truyền viên tại 5 xã (Thanh Chăn, Thanh Nưa, Sam Mứn, Noọng Hẹt, Mường Pồn) với thời gian mỗi xã 3 ngày.

Các nội dung tập huấn tập trung nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc phối hợp chặt chẽ với UBMTTQ và các tổ chức thành viên để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân, bên cạnh đó xây dựng một đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên có đầy đủ trình độ, năng lực, kiến thức pháp luật thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại cơ sở.

Mặt khác, các lớp tập huấn cũng nhằm tạo sự chuyển biến trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hỗ trợ tích cực hơn nhu cầu tìm hiểu nâng cao dân trí pháp luật, góp phần nâng cao kỷ luật trong bộ máy nhà nước và toàn xã hội, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật và nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Bên cạnh đó kết hợp việc tiếp thu kiến thức pháp luật với kỹ năng tuyên truyền và tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hoà giải cơ sở giải quyết tranh chấp trong nội bộ nhân dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật tới mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn một cách nhanh chóng thuận lợi nhất, tạo điều kiện để công dân sử dụng pháp luật làm công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, của Nhà nước và xã hội./.

Hải Yến