Kết quả 10 năm thực hiện Quyết định số 1067/QĐ-TTg của Thủ Tướng chính phủ ở tỉnh Cà Mau

13/09/2008
Tỉnh Cà Mau là địa bàn sông nước, giao thông đi lại khó khăn, dân cư sống ít tập trung, sản xuất chủ yếu là nông nghiệp, trình độ dân trí thấp, điều kiện tiếp cận, giao lưu văn hoá giữa các vùng, nhất là các xã ven biển, vùng sâu, vùng căn cứ kháng chiến, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế nhiều mặt, trong đó có việc đưa pháp luật đến cán bộ và nhân dân, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế, văn hoá và ổn định xã hội ở tỉnh nhà.

Thực hiện chủ trương xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn theo Quyết định 1067/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Cà Mau đã tích cực triển khai thực hiện. Ngay từ năm 1999 Sở Tư pháp và Sở Tài chính đã ban hành kế hoạch liên tịch số 07 hướng dẫn thực hiện Quyết định 1067 của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của UBND tỉnh về mục lục ngân sách nhà nước chi cho tủ sách pháp luật; quy định mức đầu tư thành lập tủ sách và chi bổ sung sách hàng năm. Năm 2002, Sở Tư Pháp, Sở văn hoá thông Tin, Bưu điện và Bộ đội biên phòng tỉnh đã ký chương trình phối hợp liên ngành số 01 về xây dựng phòng đọc và trao đổi sách pháp luật từ các phòng đọc, thư viện sang tủ sách pháp luật cấp xã định kỳ hàng quý. Sở Văn hoá thông tin chỉ đạo Thư viện tỉnh phối hợp tổ chức 05 lớp tập huấn nghiệp vụ cho gần 300 lượt cán bộ quản lý tủ sách pháp luật cấp xã. Nhiều loại tài liệu tuyên truyền cũng được thường xuyên cung cấp cho tủ sách như: cung cấp hơn 20 ngàn bộ đề cương giới thiệu văn bản pháp luật mới; in và phát hành 91 kỳ bản tin Tư pháp, với hơn 200 ngàn bản; biên soạn 03 tập sách hỏi – đáp pháp luật phổ thông, số lượng 4.500 quyển; hơn 1.000 đĩa CD hỏi – đáp pháp luật; in 33 loại tờ gấp, tờ rơi, sách pháp luật bỏ túi... với số lượng hơn 150 ngàn bản; soạn thảo các tài liệu hướng dẫn công tác PBGDPL, hoà giải cơ sở... cung cấp cho tủ sách pháp luật.  

Đến cuối năm 1998 toàn tỉnh có 28/72 đơn vị cấp xã đã thành lập tủ sách, mỗi tủ có từ 30 đến 50 đầu sách các loại; năm 1999 có 41 tủ; năm 2000 có 70 tủ; năm 2001 có 72 tủ; năm 2002 có 82 tủ và đến nay qua 10 năm triển khai thực hiện, toàn tỉnh có 100% xã, phường, thị trấn có tủ sách pháp luật do Chủ tịch UBND cấp xã quyết định thành lập và chỉ đạo hoạt động. Vốn đầu tư ban đầu cho mỗi tủ sách là từ 1,5 đến 2 triệu đồng, với tổng số 10.850 đầu sách và tài liệu các loại. Một số tủ sách điển hình như: tủ sách pháp luật xã Khánh Hải có 305 đầu sách, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời có 250 đầu sách; xã Khánh Hội huyện U Minh có 183 đầu sách; xã Việt Thắng huyện Phú Tân có 196 đầu sách; xã Tân Lộc huyện Thới Bình có 160 đầu sách... Ngoài ra, 20 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở 20 xã, phường, thị trấn trong tỉnh cũng đã thành lập tủ sách pháp luật, bình quân mỗi tủ có từ 30 đến 70 đầu sách. Có 721 tủ sách pháp luật được thành lập ở các cơ quan, đơn vị, trường học; 67 Bưu điện văn hoá xã; 64 doanh nghiệp và hơn 80 phòng đọc, thư viện có tủ sách pháp luật... bình quân mỗi tủ sách pháp luật có từ 60 đến 150 đầu sách.  

Tủ sách pháp luật được đặt tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn và phân công cán bộ Tư pháp - hộ tịch kiêm nhiệm quản lý. Về cơ cấu đầu sách, phần lớn tủ sách pháp luật đều có đủ 04 bộ phận sách theo quy định. Cán bộ phụ trách quản lý tủ sách pháp luật được bồi dưỡng kiến thức cơ bản về quản lý và khai thác sách. Theo thống kê qua 10 năm qua có 423.271 lượt người đến khai thác sách, báo, tài liệu ở các tủ sách pháp luật cấp xã. Trong đó, huyện Năm Căn có 62.252 lượt; huyện Cái Nước có 71.839 lượt, Trần Văn Thời có 97.928 lượt; Thới Bình có 30.753 lượt; Thành phố Cà Mau có 27.135 lượt người đến đọc sách...  

Thực tiễn cho thấy, ngoài tủ sách pháp luật được đặt tại Văn phòng UBND cấp xã, thì tủ sách pháp luật đặt tại Điểm Bưu điện văn hoá xã là mô hình khá hiệu quả, nhiều xã đã đầu tư trang bị nhiều loại sách, trong đó có sách pháp luật, do nơi đây rất thuận tiện cho người dân đến khai thác, tìm đọc; không bị gò bó, e ngại như khi đến trụ sở chính quyền, lại có điều kiện kết hợp các hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách. Bên cạnmh đó, ở nhiều trụ sở khóm, ấp văn hoá và nơi sinh hoạt tôn giáo đều có ngăn sách pháp luật, mỗi ngăn có từ 20 đến 30 đầu sách. Mô hình ngăn sách này tuy mới hình thành cách đây vài năm do sáng kiến của các địa phương, nhưng hiệu quả rất thiết thực. Hình thức khai thác sách ở mô hình này chủ yếu thông qua các kỳ sinh văn hoá và hoạt động tôn giáo, người chủ trì sẽ giới thiệu một số văn bản mới và các đối tượng tự khai thác, tìm hiểu.  

Có thể nói, chủ trương về xây dựng tủ sách pháp luật theo Quyết định số 1067/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã có tác dụng rất lớn trong việc cổ vũ phong trào học tập, tìm hiểu pháp luật trong cán bộ và nhân dân. Các cấp uỷ và chính quyền địa phương nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của tủ sách, việc xây dựng và phát triển tủ sách pháp luật đã tạo thành một phong trào sâu rộng ở khắp các địa phương trong tỉnh. Ngoài tủ sách pháp luật được xây dựng và đặt tại UBND xã, phường, thị trấn thì ở hầu hết các cơ quan, đơn vị, trường học và doanh nghiệp đều có tủ sách hoặc ngăn sách pháp luật của mình. Sức lan toả của phong trào là khá mạnh mẽ, có tác dụng tích cực duy trì và phát huy “Văn hoá đọc” trong xã hội. Nhìn chung công tác xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật ở tỉnh Cà Mau 10 năm qua đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, góp phần thực hiện tốt chủ trương đẩy mạnh công tác PBGDPL cho cán bộ và nhân dân, giải quyết những vướng mắc về pháp luật cơ sở, từng bước xây dựng xã hội học tập và làm theo pháp luật.  

Tuy việc quán triệt và thực hiện chủ trương xây dựng tủ sách pháp luật tuy đã được triển khai từ rất sớm, song về nhận thức và phương pháp tổ chức triển khai thực hiện ở một số địa phương trong tỉnh còn chưa nhất quán và chưa đồng bộ. UBND một số xã, phường, thị trấn chưa thật sự quan tâm, thậm chí còn xem nhẹ; chưa tạo điều kiện tốt về tài chính, về chỗ nơi cho cán bộ và nhân dân đến đọc sách; Việc quản lý, khai thác tủ sách chưa thật tốt. Việc đầu tư bổ sung sách hàng chưa nhiều, chưa thường xuyên. Địa điểm đặt tủ sách đặt tại Văn phòng UBND cấp xã thường chật hẹp, chưa có phòng đọc riêng, không thuận tiện cho người dân đến khai thác, tìm hiểu. Mô hình xây dựng tủ sách còn mang tính khuôn mẫu, thiếu linh hoạt chưa có những mô hình mới, hiệu quả. Công tác PBGDPL thông qua mô hình tủ sách pháp luật còn đơn điệu, thiếu tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo; chưa khai thác hết những ưu thế của tủ sách pháp luật để đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật; chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể; chưa có mô hình lồng ghép thiết thực, hiệu quả.  

Thiết nghĩ, cần tiếp tục có những giải pháp quyết liệt hơn để tiếp tục duy trì, củng cố và khai thác hiệu quả tủ sách pháp luật đặt tại Văn phòng UBND xã, phường, thị trấn; xác định rõ đối tượng phục vụ chính của tủ sách này là cán bộ, công chức, viên chức ở xã. Đồng thời phát triển mạnh mẽ tủ sách pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, trường học và doanh nghiệp; tiếp tục khai thác tốt mô hình Bưu điện văn hoá xã, trong đó có tủ sách pháp luật để phục vụ nhân dân trên địa bàn. Nơi nào không có Bưu điện văn hoá xã thì bố trí phòng đọc ở một nơi thuận lợi, do cán bộ văn hoá cấp xã trực tiếp quản lý; phát triển tủ sách pháp luật tại trụ sở văn hoá khóm, ấp, nơi sinh hoạt tôn giáo. Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, đoàn thể có liên quan cần nghiên cứu soạn thảo sách nghiệp vụ và tài liệu tuyên truyền pháp luật ngắn, gọn phù hợp từng đối tượng cấp miễn phí cho tủ sách pháp luật cơ sở, nhằm phục vụ tốt cho yêu cầu người đọc; cấp miễn phí báo Pháp luật Việt Nam hoặc tạp chí Dân chủ và pháp luật và hỗ trợ một số sách quan trọng cho các tủ sách pháp luật cấp xã; ban hành quy chế mẫu về tủ sách pháp luật để thống nhất trong cả nước.  

Nguyễn Sơn