Thái Bình: Qua 10 năm thực hiện Quyết định 1067/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

12/09/2008
Thực hiện Quyết định số 1067/QĐ-TTg ngày 25/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn. Đến nay, công tác xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thái Bình trong 10 năm đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận:

Về công tác chỉ đạo, hướng dẫn triển khai, kiểm tra: Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1067/QĐ-TTg ngày 25/11/1998 về việc xây dựng tủ sách pháp luật  ở xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã); Thông tư số 05/1999/TTLT-TC-TP ngày 28/01/1999 của Bộ Tài chính- Bộ Tư pháp. Sở Tư pháp tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và hướng dẫn công tác này. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và Công văn hướng dẫn của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố tích cực tham mưu cho UBND huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, cơ quan đơn vị trường học trong toàn tỉnh triển khai việc xây dựng tủ sách pháp luật.

 Hàng năm, Sở còn tăng cường công tác chỉ đạo kiểm tra, mua bổ sung đầu sách cho tủ sách pháp luật nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân thông qua tủ sách pháp luật.

Về xây dựng tủ sách pháp luật: Sau gần 10 năm triển khai Quyết định 1067/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn toàn tỉnh có 284/286 xã, phường, thị trấn xây dựng được 01 tủ sách pháp luật, đạt 99%. Như vậy, đến nay trong tỉnh còn xã Hoà Bình thuộc huyện Hưng Hà theo Nghị định 61/2005/NĐ-CP ngày 16/5/2005 của Chính phủ về chia xã Bình Lăng thuộc huyện Hưng Hà thành hai xã Hoà Bình và xã Chi Lăng và phường Trần Hưng Đạo thuộc Thành phố Thái Bình do mới được thành lập theo Nghị định 181/2007/NĐ-CP ngày 13/12/2007 của Chính phủ nên chưa xây dựng được tủ sách pháp luật. Một số xã có 02 tủ sách pháp luật như xã Đông Phong, Đông Lĩnh, Đông Á, Đông Sơn (Đông Hưng); Minh Lãng, Việt Hùng (Vũ Thư), Vũ Quý (Kiến Xương). Kinh phí đóng tủ và trang bị sách đợt đầu (2,2 triệu đồng/tủ) do ngân sách của tỉnh cấp. 100% Tủ sách pháp luật được đóng theo mẫu chung, thống nhất đảm bảo việc trang bị được nhiều chủng loại sách khác nhau, hình thức gọn, đẹp. Trung bình mỗi tủ sách pháp luật có từ 60- 80 đầu sách, chủ yếu là sách pháp luật, ngoài ra còn một số tài liệu, văn bản, công báo, báo chí khác.

Một số địa phương có cách làm sáng tạo, thu hút được sự đóng góp của tổ chức, cá nhân để bổ sung sách, báo, tạp chí…cho tủ sách pháp luật như Thanh Tân - Kiến Xương có chủ trương mỗi cặp vợ chồng khi đến đăng ký kết hôn mua tặng 01 đầu sách để bổ sung cho Tủ sách pháp luật.

Cũng sau 10 năm thực hiện Quyết định 1067/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đối với cấp tỉnh, có 20 cơ quan, đơn vị, trường học xây dựng được tủ sách pháp luật. Đối với cấp huyện, có 80 cơ quan, đơn vị, trường học xây dựng được tủ sách pháp luật.

 Tuy nhiên, qua 10 năm triển khai Quyết định 1067/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhìn chung các tủ sách ít được bổ sung hàng năm nên gần 42% số đầu sách sách pháp luật được trang bị ban đầu đã hết hiệu lực, chỉ có tính chất tham khảo. Một số nơi có tỷ lệ sách pháp luật đã hết hiệu lực cao như xã Đông Hoàng (Tiền Hải), chiếm 88%; Quang Lịch (Kiến Xương); Đồng Thanh (Vũ Thư), chiếm 69%; Thuỵ Trình, Thuỵ Ninh (Thái Thuỵ) chiếm 60%; Đông Đô (Hưng Hà) chiếm 50%... Các tủ sách pháp luật trong cơ quan, đơn vị, trường học ở cấp huyện không đủ tiêu chuẩn của một tủ sách pháp luật theo Quyết định 1067/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Về quản lý tủ sách pháp luật: Địa điểm, thời gian phục vụ nhu cầu khai thác sách, tài liệu pháp luật: Hiện nay, do điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn nên các địa phương trong tỉnh không bố trí được phòng đọc riêng cho tủ sách pháp luật, mà  tuỳ theo từng điều kiện cụ thể các tủ sách pháp luật được để tại UBND xã, tại phòng làm việc của cán bộ Tư pháp hoặc ở văn phòng UBND, Trung tâm học tập cộng đồng hay bộ phận văn thư của cơ quan. Thời gian phục vụ nhu cầu khai thác sách là tất cả các ngày làm việc trong tuần. Việc ban hành các văn bản về quản lý tủ sách pháp luật: đa số các xã, phường thị trấn đều có sổ theo dõi, nội quy, quy chế mượn, đọc sách, báo, tài liệu pháp luật.

 Người quản lý tủ sách pháp luật: 100% cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý tủ sách pháp luật là cán bộ Tư pháp hộ tịch các xã, ngay sau khi bàn giao tủ sách Sở Tư pháp đã hướng dẫn nghiệp vụ quản lý khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật cho cán bộ quản lý tủ sách. Tuy nhiên, cán bộ quản lý tủ sách hầu hết là kiêm nhiệm, không được hưởng chế độ phụ cấp, công việc của cán bộ Tư pháp hiện tại được giao quá nhiều đầu việc nên chưa quan tâm đúng mức đến công tác này.

  Về khai thác và sử dụng tủ sách pháp luật: Hiện nay, hình thức khai thác tủ sách pháp luật chủ yếu ở cấp xã vẫn là cho mượn hoặc đọc tại chỗ. Việc biên soạn lại thành tài liệu pháp luật ngắn gọn, phù hợp với người dân; nhân bản các tài liệu pháp luật để phát cho cán bộ và nhân trên địa bàn xã, phường, thị trấn chưa được thực hiện vì không có kinh phí và người tổ chức, biên soạn tài liệu.

Theo số liệu thống kê, đến nay trung bình phục vụ 9 lượt người/tháng, trong đó 85% phục vụ cho việc nghiên cứu, tra cứu và đọc tại chỗ của cán bộ xã, các ban, ngành, đoàn thể có liên quan, còn đối tượng nhân dân khai thác sử dụng còn rất hạn chế. Nguyên nhân của tình trạng này là do vị trí tủ sách đặt ở nơi không thuận tiện, sách thiếu, khó tra cứu, trình độ, khả năng khai thác tìm hiểu của người dân có nhiều hạn chế; cán bộ được giao phụ trách tủ sách pháp luật kiêm nhiệm bận nhiều công việc chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm, thiếu nghiệp vụ quản lý, khai thác, thu hút người đọc.

Thực hiện Chương trình phối hợp số 253/BTP- TSPL của 4 bộ, ngành trung ương, trong đó có việc khai thác luân chuyển sách pháp luật giữa tủ sách pháp luật với điểm bưu điện văn hoá xã và thư viện xã nhưng đến nay chỉ có một số xã như Hiệp Hoà, Hồng Lý (Vũ Thư); Thanh Tân (Kiến Xương)... mới thực hiện được việc luân chuyển trên còn lại hầu hết các xã, phường, thị trấn chưa thực hiện được.

Về đầu tư kinh phí hàng năm cho tủ sách pháp luật: Kinh phí đầu tư bổ sung đầu sách pháp luật cho tủ sách pháp luật ở cơ sở hiện nay gặp nhiều khó khăn, hầu hết các địa phương không được cấp kinh phí hoặc được cấp nhưng còn rất hạn chế. Theo số liệu khảo sát, hiện nay đối với cấp xã trung bình hàng năm trích ngân sách mua bổ sung cho tủ sách pháp luật từ 200.000- 300.000đ chiếm 55%; từ 300.000 đến 500.000đ chiếm 15%; từ 700.000 đến 1.000.000đ chiếm 5%; còn lại 25% các xã không có kinh phí bổ sung mua đầu sách cho tủ sách pháp luật. Các trang thiết bị phục vụ cho việc sử dụng sách pháp luật như phòng đọc riêng, bàn, ghế, quạt…đều không có hoặc còn thiếu thốn nhiều.

Đối với khối cơ quan, đơn vị do hầu hết các cơ quan, đơn vị đều đã được trang bị máy vi tính, máy in, máy Photocopy và có kết nối Internet nên khi cần tra cứu và in sao một văn bản quy phạm pháp luật từ năm 1945 đến nay có nhiều thuận lợi. Do đó, việc xây dựng bổ sung đầu sách hàng năm cũng rất hạn chế, các cơ quan, đơn vị cũng ít quan tâm đến việc xây dựng tủ sách.

Cùng với việc xây dựng tủ sách pháp luật, thời gian qua ở Thái Bình đã có 15/31 xã, thị trấn và 07 cơ quan của huyện Hưng Hà và 43/44 xã, thị trấn của huyện Đông Hưng đã ứng dụng công nghệ tin học vào việc sử dụng, khai thác các văn bản quy phạm pháp luật thông qua phần mềm “Thư viện pháp luật điện tử” đã mang lại kết quả khả quan. Với phần mềm này có thể chứa 36.000 đến 40.000 văn bản quy phạm pháp luật từ năm 1945 đến nay. Giá của phần mềm này lại không đắt, chỉ khoảng 300.000đ (bao gồm cả phí lăp đặt) và thiết bị hoà mạng Internet (nếu máy chưa có hoà mạng). Ngoài ra “Thư viện pháp luật điện tử”  còn có 02 thẻ cào tự động cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành trên mạng Internet. Việc sử dụng tương đối đơn giản, có thể tra cứu nhiều loại văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực khác nhau trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, không phải xã nào cũng có điều kiện trang bị máy vi tính và lắp đặt mạng Internet phục vụ cho tra cứu hay cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật từ trên mạng Internet.

Nguyễn Ngọc Hiển