Ghi nhận những kết quả qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở ở Ninh Bình

03/09/2008
Qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đạt được những kết quả quan trọng, mang lại lợi ích thiết thực cho cán bộ, nhân dân ở cơ sở, cụ thể:

1.Về tổ chức của Tổ hoà giải  

Ngay sau khi Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành, Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành Nghị quyết, Kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành trong toàn tỉnh triển khai thực hiện Pháp lệnh một cách đồng bộ, hiệu quả; trong Nghị quyết, Kế hoạch đã chỉ rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của từng cơ quan, ban ngành đoàn thể, của chính quyền các cấp trong việc thành lập, kiện toàn tổ chức, hướng dẫn nghiệp vụ hoạt động của tổ hoà giải ở các khu dân cư.

Trên cơ sở rà soát số lượng tổ hoà giải hiện có ở từng thôn, xóm, bản; số thôn, xóm, bản chưa thành lập tổ hoà giải và thực trạng chất lượng hoạt động từng tổ hoà giải hiện có để thành lập, kiện toàn theo đúng quy định của Pháp lệnh (khi chưa có Pháp lệnh hoà giải tỉnh Ninh Bình đã có khoảng 30% các thôn, xóm, tổ dân phố thành lập được tổ hoà giải nhưng hoạt động còn mang tính tự phát là chủ yếu, một số nơi chỉ khi có vụ việc xảy ra mới bắt đầu thành lập Tổ hoà giải).  Đến tháng 6 năm 2008, toàn tỉnh đã thành lập, kiện toàn được 1704 tổ hoà giải ở 1662 thôn, xóm, tổ dân phố với 10.601 hoà giải viên (tăng 1192 tổ hoà giải và 6421 hoà giải viên so với trước khi có Pháp lệnh). Mỗi tổ hoà giải có từ 5 đến 7 hoà giải viên, thành viên tổ hoà giải bao gồm lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền mặt trận và các thành viên trong thôn, xóm, tổ dân phố; 147/147 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đều đã thành lập Ban hoà giải cấp xã, thành viên Ban hoà giải có đại diện cấp uỷ, Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội người cao tuổi và do đồng chí Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Tư pháp kiêm Trưởng ban hoà giải để quản lý về tổ chức, hướng dẫn nghiệp vụ, giải quyết những các vụ việc do các tổ hoà giải tổ chức hoà giải không thành chuyển lên và thực hiện việc sơ kết, tổng kết theo đúng quy định. 

 2. Kết quả hoà giải của tổ hoà giải  

- Tổng số vụ việc tiếp nhận thụ lý hoà giải: 35.807 vụ

+ Lĩnh vực dân sự: 15.149 vụ

+ Lĩnh vực hôn nhân gia đình: 6.325 vụ

+ Lĩnh vực đất đai: 8.610 vụ

+ Lĩnh vực khác: 5.723 vụ 

- Số vụ việc hoà giải thành: 30.464 vụ

- Số vụ việc hoà giải không thành: 5.343 vụ

- Số vụ việc đang hoà giải: 379 vụ

- Số vụ việc hướng dẫn chuyển cơ quan chức năng giải quyết: 2.428 vụ 

3. Hoạt động quản lý Nhà nước về công tác hoà giải ở cơ sở  

Căn cứ vào nội dung của Pháp lệnh, Nghị định 160/1999/NĐ-CP của Chính phủ về công tác hoà giải ở cơ sở, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác hoà giải ở cơ sở để chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc và UBND cấp huyện, cấp xã tham gia xây dựng, quản lý, hướng dẫn các tổ hoà giải ở các thôn, xóm, bản, làng đi vào hoạt động có nề nếp.

Sở Tư pháp đã chủ động phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh xây dựng đề cương tuyên truyền nội dung Pháp lệnh và Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh tới đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác chỉ đạo hoạt động hoà giải, hướng dẫn cơ sở xây dựng kế hoạch hoạt động, tập huấn nghiệp vụ, biên soạn cấp phát tài liệu có nội dung liên quan trực tiếp đến các hoạt động hoà giải cho đội ngũ cán bộ tư pháp, Mặt trận Tổ quốc, các thành viên của Mặt trận Tổ quốc, cán bộ trực tiếp làm công tác hoà giải ở Ban hoà giải cấp xã và thành viên các tổ hoà giải; làm tốt công tác bổ sung, kiện toàn thành viên của các tổ hoà giải ở các thôn, xóm, làng, bản theo đúng quy định.

Trong 10 năm qua, tỉnh đã tổ chức được 487 lớp tập huấn bồi dưỡng về nghiệp vụ hoà giải cho đội ngũ làm công tác quản lý và các hoà giải viên, cụ thể:

- Cấp tỉnh: 3 lớp tập huấn về quản lý và nghiệp vụ hoà giải cho trên 954 lượt cán bộ lãnh đạo UBND, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố,thị xã, Trưởng, phó Ban Tư pháp các xã, phường, thị trấn.

- Cấp huyện: 43 lớp tập huấn về nghiệp vụ hoà giải, giới thiệu văn bản pháp luật tới 6254 lượt thành viên trong ban Tư pháp xã, phường, thị trấn, tổ trưởng các tổ hoà giải.

- Cấp xã: 441 lớp tập huấn về nghiệp vụ hoà giải, giới thiệu các văn bản pháp luật mới, các văn bản pháp luật có liên quan tới hoạt động hoà giải cho 10.188 lượt hoà giải viên ở các thôn, xóm, làng, bản.

Ngoài việc mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng về công tác hoà giải, hàng năm Sở Tư pháp Ninh Bình đã biên soạn, sao in hàng trăm loại tài liệu, băng đĩa CD có nội dung tuyên truyền về các lĩnh vực: quan hệ pháp luật hình sự, dân sự, luật đất đai, hôn nhân gia đình... các loại tài liệu về nghiệp vụ công tác hoà giải ở cơ sở để cấp phát cho các huyện, thành phố, thị xã, xã, phường, thị trấn và các tổ hoà giải.

Tỉnh đã tổ chức thành công 2 Hội thi hoà giải viên giỏi ở 3 cấp (năm 2000 và năm 2005). Cụ thể: đã có 136/147 xã, phường, thị trấn tổ chức được hội thi cấp xã với 1632 thí sinh là hoà giải viên ở các thôn, xóm, làng, bản dự thi; 143 thí sinh tham gia hội thi cấp huyện; 18 thí sinh tham dự hội thi cấp tỉnh; 2 hoà giải viên ưu tú nhất đã được tỉnh lựa chọn tham dự hội thi Hoà giải viên giỏi toàn quốc, các thí sinh của tỉnh Ninh Bình cũng đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, góp phần vào thắng lợi chung của các hội thi hoà giải viên giỏi toàn quốc. Thông qua hội thi, các hoà giải viên đã có dịp trao đổi học hỏi lẫn nhau về phương pháp, nghiệp vụ, kinh nghiệm hoà giải; đồng thời đã khơi dậy được phong trào thi đua về hoạt động hoà giải cơ sở. 

4. Đánh giá chung  

Qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai thực hiện nghiêm túc; đến nay, 100% các khu phố, bản, làng, thôn, xóm đã thành lập, kiện toàn các tổ hoà giải; cán bộ quản lý, thành viên của các tổ hoà giải thường xuyên được cập nhật kiến thức pháp luật, bồi dưỡng về nghiệp vụ hoà giải; hoạt động của các tổ hoà giải đã đi vào nề nếp và thu được những kết quả rất đáng khích lệ. Thông qua hoạt động hoà giải, đã giải quyết được mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư; nhiều vụ tranh chấp nhỏ đã được hoà giải kịp thời, không để xảy ra các mâu thuẫn lớn; những vụ việc hoà giải thành đều dựa trên cơ sở  tự nguyện nên được các bên tự giác chấp hành, mâu thuẫn phát sinh được giải quyết đến tận gốc và mang tính bền vững, góp phần củng cố giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân, duy trì và phát huy những tình cảm, truyền thống, đạo lý tốt đẹp trong mỗi gia đình và cộng đồng; thông qua hoạt động hoà giải, đã phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, hạn chế một lượng khá lớn đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân vào chủ trương đường lối đổi mới của Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam phấn đấu vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh.  

5. Một số khó khăn, tồn tại, nguyên nhân.  

a. Khó khăn, tồn tại  

- Việc cung cấp tài liệu về công tác hoà giải cơ sở mới chỉ đảm bảo được cho tổ trưởng tổ hoà giải, chưa đủ để cấp cho từng thành viên tổ hoà giải. Việc tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho đội ngũ làm công tác hoà giải chưa được thường xuyên.

- Công tác kiện toàn thành viên của các tổ hoà giải một số cơ sở chưa kịp thời; hoạt động của tổ hoà giải còn mang tính hình thức, hiệu quả hoạt động chưa cao.

- Việc giải quyết bằng hoà giải đối với các vụ việc liên quan đến quyền lợi phát sinh trong tranh chấp đất đai, tài sản, phân chia di sản trong cộng đồng dân cư hiệu quả còn thấp.

- Công tác sơ tổng kết, thi đua khen thưởng; báo cáo, thống kê, kiểm tra, hướng dẫn hoạt động hoà giải ở một số đơn vị huyện, thành phố, thị xã, xã, phường, thị trấn thực hiện còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời. 

- Kinh phí dành cho công tác quản lý, tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở còn rất hạn chế, chưa có quy định cụ thể. 

b. Nguyên nhân tồn tại:  

- Một số cấp uỷ Đảng, chính quyền ở một số địa phương thiếu sự tập trung lãnh đạo chỉ đạo và chưa thực sự quan tâm đến công tác hoà giải ở cơ sở nên chưa có Nghị quyết lãnh đạo cụ thể. Năng lực, trình độ, kiến thức pháp luật của một số tổ viên tổ hoà giải còn hạn chế; nhất là năng lực tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền chỉ đạo hoạt động hoà giải ở các thôn, xóm, làng, bản.

- Sự phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các ban, ngành, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc trong công tác hoà giải ở các cấp có lúc, có nơi còn thiếu chặt chẽ, vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc của các thành viên còn chung chung chưa rõ ràng.

- Hoạt động của tổ hoà giải mang tính tự quản, tự nguyện; tổ trưởng tổ hoà giải, các hoà giải viên tham gia công tác hoà giải không có chế độ phụ cấp quyền lợi kèm theo nên ảnh hưởng đến sự nhiệt tình và ý thức trách nhiệm của các hoà giải viên.  

6. Bài học kinh nghiệm  

- Cấp uỷ, chính quyền các cấp cần phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác tổ chức, hoạt động hoà giải ở cơ sở; coi hoạt động hoà giải ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ chính trị của từng địa phương; làm tốt công tác bồi dưỡng cập nhật kiến thức pháp luật, bồi dưỡng về nghiệp vụ hoà giải cho cán bộ quản lý, thành viên của các tổ hoà giải.

- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trong công tác hoà giải ở cơ sở; phát huy tính chủ động của các cơ quan thành viên Ban hoà giải cấp xã, tổ hoà giải ở các khu phố, thôn, xóm, làng, bản; có kế hoạch hoà giải cụ thể đối với  vụ việc.

- Thường xuyên quan tâm, động viên đội ngũ những người trực tiếp tham gia công tác quản lý và những người làm công tác hoà giải; kịp thời khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hoà giải. 

7. Phương hướng và giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hoà giải ở cơ sở trong thời gian tới  

a. Cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp từ tỉnh tới cơ sở tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc quán triệt, tập huấn, tổ chức thực hiện Pháp lệnh và các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác tổ chức và hoạt động hoà giải cơ sở; coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.

b. Phát huy vai trò, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên trong công tác tuyên truyền, giáo dục Pháp lệnh; tập trung tuyên truyền về bản chất của công tác hoà giải ở cơ s, làm cho mọi người hiểu rõ đây là truyền thống, đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam, đưa Pháp lệnh thực sự đi vào đời sống xã hội.  

c. Phát huy vai trò tham mưu và tổ chức thực hiện của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh; thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác tổ chức và hoạt động hoà giải ở các xã, phường, thị trấn; thường xuyên rà soát, bổ sung, kiện toàn các tổ hoà giải, nhất là tổ hoà giải ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào theo đạo; nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ hoà giải của từng hoà giải viên, phấn đấu các vụ việc hoà giải thành từ 85% đến 90% trong tổng số các vụ việc được thụ lý hoà giải.

d. Duy trì nghiêm chế độ sơ tổng kết, báo cáo về kết quả hoạt động hoà giải theo quy định; làm tốt công tác thi đua, khen thưởng để kịp thời động viên những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động hoà giải ở cơ sở.  

8. Đề xuất, kiến nghị  

a. Đề nghị nâng Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở lên thành Luật để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.  

b. Đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham mưu cho Chính phủ có quy định cụ thể:  

- Về số lượng thành viên của mỗi tổ hoà giải để bảo đảm tính thống nhất trong việc thành lập các tổ hoà giải.  

- Về chế độ phụ cấp cho cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý và các hoà giải viên.  

- Về việc cấp thẻ Hoà giải viên cho cán bộ làm công tác hoà giải ở cơ sở.  

c. Đề nghị Bộ Tư pháp duy trì việc tổ chức Hội thi hoà giải viên giỏi các cấp, theo hướng: cấp xã 2 năm tổ chức một lần; cấp huyện, cấp tỉnh 4 năm tổ chức một lần; toàn quốc 5 năm tổ chức một lần để thúc đẩy phong trào hoạt động hoà giải ở cơ sở, kịp thời động viên, ghi nhận những công lao đóng góp của những hoà giải viên.  

Thiều Thị Tú