Sở Tư pháp TP Đà Nẵng ban hành CT hành động thực hiện KH triển khai CT hành động của Ban Thường vụ Thành uỷ thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị “về tình hình, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo từ năm 2006 đến nay và giải pháp trong thời gian tới”

01/09/2008
Thực hiện Kế hoạch số 3982/KH-UBND ngày 04 tháng 7 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng triển khai Chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị "về tình hình, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo từ năm 2006 đến nay và giải pháp trong thời gian tới", Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

1. Tổ chức học tập và quán triệt Chương trình hành động số 27-CTr/TU ngày 30 tháng 6 năm 2008 của Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về việc thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, trong đó Văn phòng Sở phối hợp với Thanh tra Sở tham mưu cho Giám đốc Sở tổ chức hội nghị quán triệt Chương trình hành động của Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và kế hoạch này đến toàn thể cán bộ, công chức các tổ chức giúp việc, đơn vị trực thuộc và Thi hành án dân sự thành phố và quận, huyện trước ngày 30/9/2008.

2. Tổ chức rà soát, phân loại và có kế hoạch giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng, phức tạp, trong đó Thanh tra Sở, các Phòng Công chứng, các Trung tâm trực thuộc Sở và Thi hành án dân sự thành phố tiến hành rà soát, phân loại số vụ việc đã giải quyết, số vụ việc đang giải quyết, số vụ việc chưa giải quyết, số vụ việc đã giải quyết nhưng còn tiếp tục khiếu nại, tố cáo để có kế hoạch giải quyết từng loại vụ việc cho hợp lý. Riêng Thi hành án dân sự thành phố phải có kế hoạch tổ chức rà soát và phân loại các vụ việc khiếu nại, tố cáo đến Thi hành án dân sự các quận, huyện.
Các đơn vị tổng hợp kết quả rà soát và phương án giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng báo cáo Giám đốc Sở trước ngày 10 tháng 9 năm 2008. Thanh tra Sở tổng hợp kết quả rà soát của các đơn vị trình Giám đốc Sở xem xét, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố trước ngày 15 tháng 9 năm 2008 để chỉ đạo việc giải quyết.

3. Xây dựng kế hoạch, phối hợp với các ngành, các cấp để giải quyết khiếu kiện đông người, vượt cấp. Trong đó, Trưởng các Phòng Công chứng, Giám đốc các Trung tâm trực thuộc Sở và Trưởng Thi hành án dân sự thành phố chỉ đạo, phân công các bộ phận chuyên môn của đơn vị và Thi hành án dân sự các quận, huyện tập trung rà soát, phối hợp để giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại phức tạp và những vụ việc còn tồn đọng, không để khiếu kiện vượt cấp; bố trí thời gian thích đáng cho công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chỉ đạo, kiểm tra việc rà soát các vụ việc việc khiếu nại, tố cáo cụ thể ở từng đơn vị, nghiên cứu tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp để vận dụng giải quyết dứt điểm các trường hợp khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Có kế hoạch xử lý, giải quyết triệt để, kịp thời các đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, không để kéo dài làm phát sinh "điểm nóng".

4. Tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm chấp hành pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở. Trong đó, Trưởng các Phòng Công chứng, Giám đốc các Trung tâm trực thuộc Sở và Trưởng Thi hành án dân sự thành phố phải trực tiếp chỉ đạo công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, gắn việc giải quyết khiếu nại, tố cáo với cải cách hành chính, với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, lấy hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá năng lực, hiệu quả công tác của đơn vị, người đứng đầu đơn vị và cán bộ, công chức có liên quan.
Thanh tra Sở căn cứ kế hoạch công tác thanh tra hàng năm đã được Giám đốc Sở phê duyệt, tiến hành thanh tra trách nhiệm trong việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại và các kết luận của Giám đốc Sở của Trưởng các Phòng Công chứng, Giám đốc các Trung tâm trực thuộc Sở và Trưởng Thi hành án dân sự các quận, huyện. Qua đó kịp thời chấn chỉnh và kiến nghị Giám đốc Sở xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định.

5. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo và các quy định liên quan đến khiếu nại, tố cáo. Trong đó, Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật chủ động tham mưu cho Giám đốc Sở xây dựng chương trình phối hợp với các Sở, ngành, Đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí… tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo và các quy định liên quan khiếu nại, tố cáo, trước hết là đối với cán bộ, công chức, viên chức của Sở nhằm tăng cường hiểu biết pháp luật, nâng cao ý thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

6. Tăng cường công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong đó, Phòng Văn bản quy phạm pháp luật tham mưu cho Giám đốc Sở có kế hoạch tổ chức việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn thành phố ban hành, qua đó kiến nghị với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cho phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành. Phối hợp với các tổ chức giúp việc, các đơn vị trực thuộc Sở tiến hành rà soát các văn bản của Sở về lĩnh vực này để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Triển khai thực hiện Chương trình này nhằm để tạo sự thống nhất trong nhận thức, trách nhiệm và hành động của trưởng các tổ chức giúp việc, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở và cán bộ, công chức, viên chức của ngành Tư pháp thành phố Đà Nẵng, từ đó có biện pháp cụ thể để nâng cao hơn nữa công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới./.

Trần Thị Hường