Bắc Kạn: Tổ chức hội nghị tổng kết công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

01/09/2008

Thực hiện kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 04/4/2007 của Ủy ban nhân tỉnh về việc tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp ban hành từ năm 1997 đến năm 2007.

Ngày 26/8/2008, Ủy ban nhân tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Đến dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Hoàng thị Tảo- Phó chủ tịch UBND tỉnh- Trưởng ban chỉ đạo tỉnh, Lãnh đạo Sở Tư pháp, các sở, ban ngành, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân và Trưởng phòng Tư pháp các huyện, thị xã.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe, tham gia ý kiến vào dự thảo Báo cáo tổng kết và các danh mục văn bản quy phạm pháp luật kèm theo.

Theo dự thảo báo cáo cho thấy trong những năm vừa qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND các cấp ban hành đã góp phần hết sức quan trọng trong việc tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng an ninh mà Đảng và Nhà nước ta đề ra trong thời kỳ phát triển của đất nước. Quy trình xây dựng văn bản, chất lượng soạn thảo văn bản dần được nâng cao và đi vào nề nếp. Việc xem xét, thông qua các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật tại các kỳ họp HĐND, UBND các cấp đã có những cải tiến. Văn bản do HĐND, UBND tỉnh ban hành từ năm 1997 đến năm 2007 với số lượng tương đối lớn với tổng số gồm 728 văn bản.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp tỉnh Bắc Kạn trong 10 năm qua vẫn còn những hạn chế nhất định, đó là:

- Việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực quản lý nhà nước còn có sự mất cân đối. Trong khi văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực về chế độ chính sách, tài chính, đất đai, phí, lệ phí… được xây dựng sửa đổi, bổ sung thường xuyên thì văn bản trong các lĩnh vực văn hoá, xã hội, y tế giáo dục, cải cách hành chính ít được quan tâm chú ý, đặc biệt là đối với văn bản do HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã (hàng năm bình quân HĐND, UBND cấp huyện ban hành 7 đến 8 văn bản; HĐND, UBND cấp xã ban hành 2 đến 3 văn bản - chủ yếu là HĐND cấp xã). Thực tế này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều chỉnh các quan hệ xã hội thuộc thẩm quyền quản lý của HĐND, UBND.

- Việc xây dựng chương trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa thực sự khoa học, thiếu tính dự báo, thiếu tính khả thi; từ đó, việc thực hiện theo chương trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật hàng năm thường chỉ đạt 60 đến 70%, đa số văn bản được ban hành phát sinh ngoài chương trình.

- Nội dung của một số văn bản quy phạm pháp luật còn sơ sài; đa số thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản chưa tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Nguyên nhân cơ bản của những tồn tại nêu trên, một mặt do cơ quan có thẩm quyền tham mưu, ban hành văn bản chưa thực hiện nghiêm túc Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND và các văn bản hướng dẫn thi hành; công tác thẩm định của Phòng Tư pháp đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do UBND cấp huyện ban hành chưa được quan tâm (tỷ lệ văn bản quy phạm pháp luật do UBND cấp huyện qua bước thẩm định tại phòng Tư pháp đến năm 2007 mới chỉ đạt 80%). Công tác rà soát văn bản định kỳ hàng năm chưa sâu sát, mới chỉ tập trung rà soát được văn bản mới ban hành mà chưa đi sâu rà soát theo chuyên đề, lĩnh vực một số huyện trong đợt triển khai tổng rà soát này vẫn còn mang tính hình thức; đội ngũ cán làm công tác xây dựng, soạn thảo văn bản chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa chuyên sâu về kiến thức pháp luật.

Để kịp thời khắc phục những khó khăn, tồn tại đó, đồng chí Hoàng Thị Tảo đã phát biểu chỉ đạo hội nghị 

Đối với cấp tỉnh

- Trên cơ sở ý kiến tham gia tại hội nghị, Sở Tư pháp hoàn thiện dự thảo báo cáo kết quả tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND các cấp ban hành từ năm 1997 đến năm 2007 và các danh mục kèm theo. Xuất bản cuốn tổng thuật công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật

- Các cơ quan được giao nhiệm vụ theo lĩnh vực chuyên ngành tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng dự thảo văn bản thay thế; sửa đổi, bổ sung đối với những văn bản nằm trong danh mục huỷ bỏ, bãi bỏ, đề nghị sửa đổi, bổ sung. (Thời gian hoàn thành trước 30/10/2008, nếu có vướng mắc cần báo cáo, xin ý kiến UBND tỉnh)

- Văn phòng UBND tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp hoàn chỉnh danh mục trình Uỷ ban nhân dân tỉnh dự thảo quyết định công bố danh mục văn bản QPPL do UBND tỉnh ban hành hết hiệu lực thi hành và dự thảo Nghị quyết trình HĐND tỉnh công bố danh mục văn bản QPPL do HĐND tỉnh ban hành hết hiệu lực thi hành.

Đối với cấp huyện

- Những địa phương chưa thực hiện xong các nội dung theo Kế hoạch số 49/KH-UBND hoặc đã thực hiện xong nhưng chưa có đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện đảm bảo chất lượng và yêu cầu theo kế hoạch.

- Chỉ đạo in án, phát hành tập hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật của địa phương mình.

-  Phân công cơ quan, đơn vị xây dựng dự thảo văn bản thay thế; sửa đổi, bổ sung đối với những văn bản đề nghị huỷ bỏ, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung

- Thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác rà soát văn bản QPPL tại địa phương; thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 185/KH-UBND ngày 27/12/2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc nâng cao chất lượng công tác văn bản QPPL ở các huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Hương Loan